Ông Nguyễn Hữu Độ (thứ trưởng Bộ GD-ĐT) và thành viên ban giám khảo nghe học sinh trình bày dự án trong cuộc thi khu vực phía Bắc ngày 9-3 - Ảnh: KIM ANH
Ngay sau khi cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (THCS và THPT) năm 2019 kết thúc, một số phụ huynh đã có đơn khiếu nại cho rằng có ít nhất 5/15 giải nhất của các dự án khu vực phía Bắc được trao chưa xứng đáng.
Cụ thể trong đơn, các phụ huynh này cho biết các dự án giải nhất không xứng đáng do không sáng tạo, có ý tưởng và giải pháp trùng lặp với kết quả nghiên cứu của các đề tài chuyên sâu trong và ngoài nước.
Trong một đơn khiếu nại, có phụ huynh ở Hải Phòng đánh giá giải pháp trong các dự án này thô sơ, không phù hợp với tiêu chí cuộc thi gồm khả năng sáng tạo (30 điểm), ý tưởng khoa học (30 điểm), tinh thần thấu đáo (15 điểm), kỹ năng (15 điểm) và rõ ràng (10 điểm).
Chấm điểm cho những phát hiện mới
Trao đổi với Tuổi Trẻ về các khiếu nại trên, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - phó vụ trưởng Vụ GD trung học, Bộ GD-ĐT - cho biết: Trong khuôn khổ cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học thì nghiên cứu của các em không phải là nghiên cứu độc lập mà thường có sự kế thừa từ các nghiên cứu trong cùng lĩnh vực đã được thực hiện trước đó.
Nhưng tiêu chí cuộc thi yêu cầu học sinh phải xác định rõ được sự đóng góp của các em vào lĩnh vực nghiên cứu. Điều quan trọng là các em phải phát hiện những "khe hở" mà các nghiên cứu trước chưa giải quyết được để tập trung giải quyết các vấn đề này.
"Dù có thể nghiên cứu cùng một vấn đề của các nghiên cứu trước đó, nhưng có sáng tạo trong phát hiện vấn đề cần giải quyết, cách đưa ra giải pháp khác nhau thì đó chính là đóng góp mới" - ông Thành khẳng định.
Ông Nguyễn Xuân Thành đưa ra ví dụ học sinh VN từng đoạt các giải quốc tế khi nghiên cứu, cải tiến một phần các nghiên cứu trước đó, thậm chí là nghiên cứu từ nước ngoài.
Chưa đề cập trực diện vào các dự án đang bị "tố", PGS.TS Nguyễn Xuân Thành chỉ đưa ra nguyên tắc trong việc chấm giải ở cuộc thi này.
Theo ông Thành, để xác định một dự án xứng đáng hay không so với tiêu chí đặt ra, thậm chí xác định dự án của các em có "đạo" ý tưởng hay không cần có hội đồng khoa học xem xét cụ thể chứ không thể nhìn bên ngoài hoặc viện ra các dự án "tương tự" mà có thể suy đoán, phủ nhận được.
Chấm thi theo các tiêu chí
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ về quy định liên quan tới chấm thi, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết thành phần ban giám khảo được lựa chọn từ các nhà khoa học có trình độ tiến sĩ thuộc các chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của học sinh; trưởng ban giám khảo phải là PGS trở lên.
Ban giám khảo thực hiện chấm thi theo thông tư hướng dẫn của bộ, có sự giám sát của thanh tra ở tất cả các khâu. Các dự án tham gia thi được chia thành các nhóm lĩnh vực, bao gồm các đề tài thuộc các lĩnh vực gần nhau, do một tiểu ban giám khảo chấm.
Mỗi dự án đều được chấm qua hai phần: chấm trên báo cáo tóm tắt và chấm phỏng vấn thí sinh tại gian trưng bày của từng dự án. Ở mỗi phần chấm, các giám khảo bốc thăm các dự án để chấm, mỗi dự án sẽ được 5 giám khảo/phần chấm để chấm độc lập theo các tiêu chí đã quy định trong thông tư hướng dẫn. Điểm của từng phần là điểm trung bình do 5 giám khảo chấm độc lập.
"Theo tiêu chí đánh giá, chú trọng về mục tiêu của dự án, sự đóng góp của dự án vào lĩnh vực nghiên cứu, vấn đề đặt ra có kiểm chứng được bằng các phương pháp khoa học không...
Báo cáo và poster cần thể hiện rõ kế hoạch, phương pháp nghiên cứu của học sinh, dựa trên kiến thức, cơ sở khoa học nào, quá trình thực hiện ra sao, quá trình thu thập, xử lý, đánh giá dữ liệu như thế nào, có khách quan không, cách tính toán, xử lý có khoa học không...
Cách trình bày poster cũng được tính điểm. Ngoài ra, phần hỏi đáp trực tiếp với học sinh cũng được chấm 25 điểm, với mục tiêu đánh giá vai trò và sự sáng tạo của học sinh trong việc phát hiện vấn đề, trong phương pháp nghiên cứu, đánh giá, rút ra kết luận" - ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.
Trong khi đó Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết sẽ tổ chức thẩm định lại một số dự án đoạt giải nhất và sẽ có trả lời chính thức với phụ huynh.
13 dự án đoạt giải nhất khu vực phía Nam
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Nam được tổ chức tại TP.HCM từ ngày 16 đến 19-3-2019, với sự tham gia của 229 dự án với 409 học sinh đến từ 34 đơn vị. Ngoài 13 giải nhất còn có 25 giải nhì, 35 giải ba và 49 giải tư.
Các học sinh đoạt giải phía Nam - Ảnh: M.G.
Các dự án được giải nhất của các nhóm lĩnh vực đã tham gia phần thi bằng tiếng Anh để chọn đội tuyển dự thi Intel ISEF năm 2019 tại Hoa Kỳ.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết nội dung cuộc thi lần này tiệm cận với nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới. (M.G.)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận