14/11/2018 16:09 GMT+7

Phòng ngừa thiếu máu dinh dưỡng

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu

Người thường có nguy cơ bị thiếu máu dinh dưỡng là trẻ em, học sinh, phụ nữ tuổi sinh đẻ và đặc biệt là phụ nữ có thai.

Phòng ngừa thiếu máu dinh dưỡng - Ảnh 1.

Thực phẩm cho người thiếu máu dinh dưỡng. Ảnh: witkey.us

Thiếu máu dinh dưỡng là tình trạng bệnh lý xảy ra do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu bất kể lý do gì. Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng hay gặp nhất, có thể có kết hợp với thiếu acid folic, nhất là trong thời kỳ người phụ nữ có thai. Đối tượng thường có nguy cơ bị thiếu máu dinh dưỡng là trẻ em, học sinh, phụ nữ tuổi sinh đẻ và đặc biệt là phụ nữ có thai.

Những yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây thiếu máu dinh dưỡng

Do khẩu phần ăn thiếu và không cân đối các chất dinh dưỡng, điều kiện kinh tế gia đình thấp kém do thu nhập thấp dẫn đến chế độ ăn của trẻ và bà mẹ mang thai không hợp lý, thiếu chất dinh dưỡng, trong đó có thiếu sắt, dễ dẫn đến hậu quả trẻ bị suy dinh dưỡng và phụ nữ mang thai bị thiếu máu thiếu sắt.

Đối với phụ nữ, nguyên nhân gây thiếu máu có thể là do cơ thể thiếu sắt, mất máu ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, nhu cầu sắt cao ở phụ nữ mang thai và những yếu tố liên quan đến sinh sản khác như sinh nhiều lần, không cho con bú...

Có thể do mắc các bệnh nhiễm khuẩn và đặc biệt là nhiễm ký sinh trùng đường ruột gây mất máu và ảnh hưởng đến khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng ở đường tiêu hóa ở trẻ em và người lớn.

Mặt khác, do điều kiện vệ sinh môi trường không tốt, đặc biệt là trong việc xử lý phân người, thực hành vệ sinh cá nhân không tốt, như: không rửa tay sạch trước khi ăn; ăn quả xanh, uống nước lã, đi tiêu bừa bãi, đi chân đất,… là những điều kiện phát sinh và làm lan truyền các bệnh nhiễm khuẩn, bệnh giun sán, các bệnh đường tiêu hóa, dẫn đến việc thiếu máu dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết về cách nuôi dưỡng trẻ ở các bà mẹ có con nhỏ, kiêng khem quá mức trong thời kỳ mang thai và cho con bú, nuôi con; khi mang thai không đi khám thai, không uống viên sắt bổ sung, không đi tiêm phòng đầy đủ dễ dẫn đến nguy cơ người mẹ và trẻ bị thiếu máu dinh dưỡng.

Hậu quả của thiếu máu dinh dưỡng

- Ảnh hưởng tới khả năng lao động;

- Ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ cơ thể và sức chống đỡ bệnh tật: Khi bị thiếu máu trẻ em dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, viêm phổi, viêm màng não… và bị suy dinh dưỡng. Thiếu máu do thiếu sắt làm cho sức chống đỡ bệnh tật của cơ thể giảm.

- Ảnh hưởng tới năng lực trí tuệ: Người thiếu máu thường có biểu hiện mệt mỏi, kém tập trung, mất ngủ, dễ bị kích thích. Ở trẻ em, thiếu máu làm cho trẻ kém phát triển về tinh thần, trí tuệ, giảm khả năng học tập và trí thông minh của trẻ. Đối với phụ nữ mang thai, người mẹ giảm sức đề kháng, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sinh hoạt làm việc. Thiếu máu tăng nguy cơ đẻ non, tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của mẹ và con, người mẹ dễ bị chảy máu ở thời kỳ hậu sản và sinh ra những đứa con có tình trạng sắt dự trữ thấp.

Phòng ngừa thiếu máu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai và trẻ em

Bổ sung viên sắt và acid folic cho bà mẹ có thai là biện pháp phòng ngừa thiếu máu hữu hiệu nhất hiện nay cho đối tượng này. Việc bổ sung viên sắt cần thực hiện ngay khi có thai và đều đặn trong suốt thời gian mang thai cho tới sau khi sinh một tháng. Nên kết hợp uống viên multi-vitamin khoáng chất có chứa sắt với acid folic. Cần chú ý đối với trẻ đẻ non, trẻ sinh đôi, trẻ sơ sinh nhẹ cân và trẻ thiếu sữa mẹ. Bên cạnh việc bổ sung viên sắt thì việc cải thiện tình trạng bữa ăn với sự đa dạng loại thực phẩm được cung cấp sẽ góp phần phòng ngừa thiếu sắt gây ra thiếu máu. Cần lựa chọn các thức ăn động vật giàu sắt như gan động vật, thịt đỏ các loại, lòng đỏ trứng, tiết; thức ăn thực vật giàu sắt, giàu vitamin C, giàu acid folic như các loại rau có lá màu xanh thẫm, đậu quả, đậu hạt,... Cần cải thiện tình trạng vệ sinh môi trường, thực hành vệ sinh cá nhân và phòng ngừa các bệnh giun sán cho trẻ em, đặc biệt là giun móc. Điều trị dứt điểm các bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm ký sinh trùng. Trẻ em cần được tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên