Ai cho phép phòng khám Trung Quốc "lộng ngôn"?
Phóng to |
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra tủ thuốc của “phòng khám Trung Quốc” Đầm Sen, Q.11, TP.HCM - Ảnh: THÙY DƯƠNG |
Tại cuộc họp nhằm bàn biện pháp phối hợp quản lý, giám sát hoạt động của các phòng chẩn trị y học cổ truyền (YHCT) có vốn đầu tư nước ngoài cũng như do người VN đứng tên, vị lương y năm nay 85 tuổi có thâm niên hành nghề YHCT 65 năm, người tìm ra phương pháp điều trị trĩ, bày tỏ: “Mỗi lần xem đài truyền hình quảng cáo phòng khám (PK) Trung Quốc tôi thấy hết sức ngượng. Vì sao cả ngành y tế VN lại để những PK này lên truyền hình ra rả quảng cáo những điều tầm bậy tầm bạ, buồn lắm”.
Theo ông Chánh, sở dĩ xảy ra chuyện mà báo chí phản ánh là do có người “chống lưng”, “bảo kê” thì các PK này mới dám làm vậy.
Tự do tung hoành
Mở đầu cuộc họp, bác sĩ Trương Thìn - chủ tịch Hội Đông y TP.HCM - nói: “Những người trong nước hành nghề khổ vô cùng nhưng người Trung Quốc vào VN hành nghề lại sung sướng vô cùng. Họ tự do tung hoành, làm gì thì làm”.
Theo ông Thìn, giới đông y đau khổ vì VN có nền y dược học cổ truyền 4.000 năm, không thua gì Trung Quốc. VN có những bác sĩ YHCT đi giảng dạy ở nhiều nước trên thế giới. Tại TP.HCM có hơn 1.000 PK đông y, trong đó có 45 PK từ thiện, nhưng do không có tiền để quảng cáo nên người dân ít biết đến. Ngược lại, các PK có “bác sĩ Trung Quốc” nhờ quảng cáo dữ dội nên đã lôi kéo được nhiều người dân. “Tội lỗi” này, theo ông Thìn, là “do giới truyền thông”.
Thanh tra sở “có vấn đề”
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - nói: “Phải thừa nhận hoạt động của các PK này đã vượt quá tầm quản lý của sở. Có những vấn đề chỉ báo chí mới phát hiện được và phản ánh. Còn ngành y tế gần như chỉ làm động tác “chữa cháy”. Đây là bài học kinh nghiệm hết sức đau xót. Điều quan trọng nhất không phải là uy tín của ngành mà tội nhất là người dân bị rơi vào tay những ông thầy thuốc giả hiệu”.
Bà Phong Lan cho biết tại TP.HCM chỉ có ba PK có yếu tố nước ngoài (hai PK Trung Quốc và một PK Hàn Quốc). Các PK Trung Quốc đăng ký hành nghề theo hình thức phòng chẩn trị YHCT. Tuy nhiên, thực tế lại có biến tướng là một số PK YHCT của người VN 100% nhưng lại để cho những người Trung Quốc vào trà trộn, hoạt động không phép và khi quảng cáo cũng có những nội dung vượt quá chức năng. Khi duyệt quảng cáo thì nội dung này nhưng khi đăng quảng cáo trên đài, báo lại là nội dung khác.
Theo bà Phong Lan, để xảy ra tình trạng này trước hết là do lỗi của sở quản lý chưa tốt, không thể đổ cho ai hết.
Bà Phong Lan cũng thừa nhận thanh tra Sở Y tế khi đi thanh tra về hầu như đều báo cáo không có vấn đề gì. Sở Y tế sẽ có biện pháp chấn chỉnh. Trong sự việc này, không chỉ Bộ Y tế có lỗi mà Sở Y tế cũng có lỗi và phải rút kinh nghiệm.
Nghi vấn có đường dây giả mạo giấy phép quảng cáo Hai phòng khám (PK) bị cơ quan chức năng nghi ngờ giả mạo giấy phép quảng cáo của Sở Y tế TP.HCM là PK đa khoa Đầm Sen (PK Đầm Sen ở 46 Hòa Bình, Q.11) và phòng chẩn trị y học cổ truyền Trường An (PK Trường An ở 786 Hồng Bàng, Q.11). PK Đầm Sen được Sở Y tế TP cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề ngày 30-12-2010 với hình thức tổ chức là PK đa khoa. Theo quy định hiện hành, nếu muốn được cấp phép quảng cáo, PK Đầm Sen phải nộp hồ sơ tại phòng nghiệp vụ y Sở Y tế. Tuy nhiên, ngày 20-6 vừa qua, khi thanh tra Sở Y tế đến thanh tra đột xuất PK Đầm Sen thì người của PK này lại đưa ra “Giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền” có số 38/SYT-QLYDHCT do Sở Y tế cấp ngày 24-8-2011. Thanh tra Sở Y tế đã chuyển giấy tiếp nhận này cho phòng quản lý y dược học cổ truyền của sở kiểm tra thì không thấy có giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo trong hồ sơ lưu vì PK Đầm Sen là PK đa khoa tây y nên không thuộc thẩm quyền cấp phép quảng cáo của phòng quản lý y dược học cổ truyền. Thế nhưng, không hiểu vì sao “Giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền” của PK Đầm Sen đưa cho thanh tra Sở Y tế có cả chữ ký của một phó giám đốc sở và dấu mộc của Sở Y tế! Vị phó giám đốc sở này khẳng định với Tuổi Trẻ không hề ký giấy tiếp nhận này cho PK Đầm Sen. Điều đáng nói là giấy tiếp nhận quảng cáo này có “chứng thực sao y đúng với bản chính” của UBND phường 5, Q.3! Việc cấp phép quảng cáo cho PK Trường An cũng có vấn đề bất thường. Theo “Giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền” số 39/SYT-QLYDHCT mà PV Tuổi Trẻ thu thập được từ một đài truyền hình cho thấy giấy tiếp nhận này do một phó giám đốc Sở Y tế ký ngày 3-4-2012. Giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo này cũng có “chứng thực sao y đúng với bản chính” của UBND phường 12, Q.3! Với giấy tiếp nhận này, PK Trường An quảng cáo rất “lộng ngôn”. Tuy nhiên, PK Trường An chưa bao giờ được Sở Y tế cấp phép quảng cáo có số tiếp nhận và ngày ký như trên. Theo một cán bộ Sở Y tế TP, có khả năng giấy phép quảng cáo của PK Đầm Sen và PK Trường An là giả. Sở Y tế đã kiểm tra, xác minh thấy “có vấn đề” nên sẽ có văn bản chuyển cơ quan có thẩm quyền điều tra xử lý. |
Phòng khám Trung Quốc bán thuốc không phép Ngày 28-6, lại có thêm một bệnh nhân khiếu nại phòng khám Maria (65-67 Thái Thịnh, Hà Nội). Theo phản ảnh của chị L.T.B., 45 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội, ngày 22-5 vừa qua chị đến phòng khám Maria kiểm tra vòng tránh thai vì nghe quảng cáo đây là phòng khám chuyên khoa sản phụ khoa. Tại đây, chị B. được chỉ định làm hàng loạt chẩn đoán, xét nghiệm và được khuyên điều trị bằng dao LEEP, bước sóng ngắn, thẩm thấu thuốc đông y qua da, điều trị viêm vùng chậu..., chi phí trong quá trình điều trị từ ngày 22 đến 26-5 lên tới 38,15 triệu đồng! Đặc biệt, chị B. cũng được phòng khám kê đơn thuốc và bán cho hai loại thuốc tễ, một loại dung dịch (tổng số bảy hộp giấy với giá xấp xỉ 5 triệu đồng), tất cả bao bì đều toàn chữ Trung Quốc và không có visa, số đăng ký lưu hành tại VN. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận