Cổng làng ở xã Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu, Nghệ An được xây dựng hết 4 tỉ đồng - Ảnh: D.HÒA
Trước đó, sau khi Tuổi Trẻ Online đăng bản tin Một xã ở Nghệ An xây cổng làng bằng gỗ quý hơn 4 tỉ đồng, chỉ hơn một ngày đã thu hút 73 ý kiến bình luận cho rằng việc làm này là phô trương, hoang phí.
"Có cần thiết xây cổng làng tốn kém vậy không? Tôi là dân Nghệ mà nhìn cái cổng làng này đã thấy phô trương quá mức! 4 tỉ đó các ông có thể xây mấy chục căn nhà tình thương cho đồng bào đang ở trong những căn nhà tạm."
Trích ý kiến bạn đọc Bich Hue
Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu bài viết của bạn đọc Vĩnh Linh - Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum.
"Mới đây, báo chí đưa tin xã Diễn Hoàng ở tỉnh Nghệ An xây cổng làng bằng gỗ quý trị giá 4 tỉ đồng, phá kỷ lục của cổng làng khủng 3 tỉ đồng tại Quỳnh Lưu trước đó.
Việc người dân, nhất là những người làm ăn xa thành đạt tự nguyện đóng góp xây dựng quê hương là việc làm đáng quý, rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, việc địa phương đua nhau xây cổng làng quy mô và giá trị "khủng" là không cần thiết, hoang phí, phô trương.
Kỷ lục mới được xác lập thì sẽ có những kỷ lục khác "xô đổ" trong tương lai không xa, vì "con gà tức nhau tiếng gáy" ở nước ta là khá phổ biến.
Cấm xây cổng làng cũng là biện pháp khá hữu hiệu để bảo vệ rừng, hạn chế sự thất thoát, lãng phí nguồn lực xã hội vào những công trình ít có ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống người dân".
Ý kiến tác giả Vĩnh Linh
Nếu không có biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời sẽ diễn ra trào lưu đua nhau xây cổng làng "khủng" gây ra lãng phí nguồn lực xã hội rất lớn. Việc đua nhau xây cổng không chỉ ở làng, xã mà còn lan đến cả cấp huyện, cấp tỉnh.
Đáng nói hơn là nhiều địa phương đời sống người dân còn khó khăn, cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu cho cuộc sống cộng đồng như nhà trẻ, bệnh viện, trường học, điểm vui chơi giải trí công cộng… còn rất thiếu thốn.
Nhiều người đặt câu hỏi cổng làng hoành tráng là vậy nhưng hãy xem cuộc sống của người dân phía sau cổng làng như thế nào mới là điều quan trọng!
Vì vậy, nếu vận động, khuyến khích người dân đóng góp xây dựng quê hương, đất nước thì nên triển khai các công trình thiết thực hơn như xây trường học, bệnh viện, giúp đỡ người nghèo, khó khăn trong cuộc sống…
Bên cạnh đó, một số người có chức có quyền hoặc dùng uy tín của mình lợi dụng việc xây cổng làng, xã để vận động quyên góp hoặc lấy nguồn kinh phí từ ngân sách để đánh bóng tên tuổi, tham nhũng, trục lợi… cũng đã từng diễn ra ở một số nơi.
Mặt khác, như cổng làng ở Diễn Châu được làm bằng 50m3 gỗ quý. Do đó, dư luận đặt câu hỏi là họ lấy đâu ra số gỗ quý tự nhiên "khủng" này, trong khi Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa rừng đã khá lâu.
Vì thế, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành quy định cấm các địa phương xây cổng làng, cổng xã, cổng huyện, cổng tỉnh phô trương, xa hoa, lãng phí.
Điều này không những ngăn chặn tình trạng đua nhau xây cổng làng tốn kém, lãng phí mà còn chống bệnh hình thức, phô trương của người dân một số địa phương.
Cấm xây cổng làng cũng là biện pháp khá hữu hiệu để bảo vệ rừng, hạn chế sự thất thoát, lãng phí nguồn lực xã hội vào những công trình ít có ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống người dân.
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có suy nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận