Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu nếu không có giải pháp hữu hiệu - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 7-11, bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội. Dù phần lớn thời gian chất vấn ngày hôm qua được bộ trưởng trả lời về vấn đề điện, nhiều đại biểu vẫn tiếp tục dùng quyền tranh luận để hỏi về vấn đề này.
Hoài nghi về tính khả thi giải toả hết công suất điện
Phó trưởng Ban dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng (đại biểu Bến Tre) đề nghị thông tin rõ hơn về dự án điện Long Phú vốn được xem là đã "thất bại" và có khả năng nhà nước có thể mất trăm triệu đô và bị kiện; cũng như dự án điện Bạc Liêu.
Về khả năng cho phép tư nhân tham gia xây dựng đường dây truyền tải điện mà bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đề cập, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề nghị cân nhắc, cũng như tính toán kỹ lưỡng về khả năng giải toả hết công suất đến cuối năm 2020.
Chỉ ra nguy cơ thiếu điện trầm trọng khi có 47/62 dự án chậm tiến độ, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) hỏi về nguyên nhân và trách nhiệm của bộ trưởng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời cho biết dự án điện Long Phú hiện đã đạt tiến độ 75%. Song nhà thầu Nga đang nằm trong danh sách bị Chính phủ Mỹ cấm vận nên không đủ điều kiện thực hiện. Hiện chủ đầu tư và tổng thầu chưa đạt được đàm phán và nhà thầu đang trình hồ sơ kiện ra toà án quốc tế.
Ông Trần Tuấn Anh nói sẽ đôn đốc trong triển khai, phối hợp với chủ đầu tư làm việc quyết liệt, gắn với sự chỉ đạo của Chính phủ.
Với dự án điện gió Bạc Liêu, bộ trưởng cho biết đã nhận được báo cáo của địa phương và báo cáo lên Chính phủ. Một dự án khi được đầu tư có nhiều yếu tố pháp lý phải đảm bảo hiệu quả chung, do đó trong quá trình thực hiện sẽ nghiêm túc đánh giá lại.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Như Mai, bộ trưởng cho hay hiện Luật đầu tư và Luật điện lực quy định nhà nước độc quyền trong truyền tải điện, đã dẫn tới không chủ động xã hội hoá đầu tư, đảm bảo năng lực giải toả công suất và truyền tải điện.
"Chính phủ chưa có ý kiến chính thức, nhưng ý kiến Bộ Công thương là đảm bảo độc quyền nhà nước truyền tải điện ở giới hạn nhất định", ông Trần Tuấn Anh nói có thể sửa luật, hoặc trong các dự án nguồn có phương án đấu nối, hướng dẫn cho doanh nghiệp về hình thức đầu tư PPP.
"Không để xảy ra thiếu điện"
Trả lời thêm các vấn đề mà đại biểu quan tâm, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết dù ngành điện đã đáp ứng đủ điện trong năm qua, nhưng việc phát triển điện năng gặp nhiều khó khăn, nếu không có giải pháp hữu hiệu thì nguy cơ thiếu điện là hiện hữu.
Phó thủ tướng chỉ ra những khó khăn như cơ cấu nguồn điện thay đổi nhanh so với quy hoạch; nhu cầu vốn đầu tư lớn, mỗi năm cần tới 3 tỉ USD cho lưới điện và 9 tỉ USD cho nguồn điện; đầu tư nguồn và truyền tải điện còn mất cân đối, hạn chế giải tỏa công suất; nguyên liệu cho các nhà máy điện than, khí khó khăn…
Phó thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện. Trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho những dự án trọng điểm như nhiệt điện Thái Bình 2, đẩy nhanh các dự án đã xong thủ tục đầu tư như nhiệt điện Quảng Trạch, Nhơn Trạch, Vân Sơn…, yêu cầu Bộ Công thương bổ sung hoàn thiện báo cáo dự án điện Bạc Liêu.
Với vấn đề truyền tải điện, phó thủ tướng khẳng định không độc quyền đầu tư mà chỉ độc quyền quản lý, và không áp dụng một cách máy móc quy định này.
Trước những vấn đề bức xúc trong lĩnh vực điện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Bộ Công thương cần huy động các giải pháp để tăng cường hệ thống truyền tải, huy động nguồn xã hội hóa, hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào 2023 và nghiên cứu về biểu giá bán lẻ điện, xử lý những tồn tại của dự án điện trọng điểm, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt điện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận