Có ý kiến cho rằng các chính sách giá điện cần phải đảm bảo nguyên tắc thị trường. Nhà nước cần phải bỏ tiền hỗ trợ người nghèo - Ảnh: T.T.D.
Giảm bậc thang trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để phù hợp với mục tiêu định giá và thu nhập của hộ gia đình. Đặc biệt, cần điều chỉnh giá bán lẻ điện theo mùa, mỗi mùa một giá cho phù hợp với biến động chi phí của ngành điện.
Nhiều chuyên gia đã đề xuất như vậy tại hội thảo "Đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện VN" do PGS.TS Bùi Xuân Hồi (thuộc Trường ĐH Bách khoa), làm chủ nhiệm, được Tập đoàn Điện lực VN (EVN) tổ chức ngày 5-11.
Giảm bậc lũy tiến, hạn chế tác động xã hội
Trong đề án, nhóm tư vấn đề xuất 3 phương án cải tiến số bậc thang trong biểu giá bán lẻ điện, gồm 5 bậc thang, 4 bậc thang và 3 bậc thang. Các phương án đều đề xuất bỏ bậc thang 50kWh đầu tiên như hiện nay, thay vào đó là từ 100kWh trở xuống, đồng thời kéo dài bậc thang lên tới 700kWh.
Ông Bùi Xuân Hồi - chủ nhiệm đề án - khẳng định cả ba phương án trên đều không gây tác động nhiều đến hộ tiêu dùng, xã hội nhưng doanh thu của EVN với hộ sinh hoạt đều giảm nhẹ. Các phương án này cũng không gây tác động đến CPI vì tổng chi tiêu hộ sinh hoạt không tăng, thậm chí là giảm nhẹ. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo cũng không bị ảnh hưởng và sẽ được thực hiện tối đa.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhóm tư vấn, phương án giá điện bán lẻ 5 bậc thang phù hợp hơn với các mục tiêu định giá do hộ tiêu dùng bậc 101-200 kWh/tháng chịu tác động ít nhất. Việc chia các bậc thang dùng nhiều điện chi tiết hơn cũng phù hợp với đặc điểm tiêu dùng hiện nay là càng dùng nhiều phải trả nhiều.
Cũng theo đề án này, các hộ sản xuất, hộ kinh doanh dịch vụ, hành chính sự nghiệp sẽ được tính toán giá điện bán lẻ dựa trên cấp điện áp và thời gian sử dụng điện là thấp điểm, bình thường và cao điểm.
Theo GS Trần Đình Long - phó chủ tịch Hội Điện lực VN, việc chia thành 5 bậc là phù hợp, bởi số bậc quá ít sẽ không phản ánh ý đồ điều chỉnh trong giá bậc thang, là dùng càng nhiều trả càng đắt. Tuy nhiên, ông Long đề nghị cần phải xác định được mức độ tiêu thụ trung bình cho hộ, để định hướng cho mức giá trung bình.
Theo ông Long, biểu giá bán lẻ điện được đề án đưa ra dựa trên các khung giờ cao điểm, trung bình và thấp điểm, đã được áp dụng từ nhiều năm nhưng không còn phù hợp thực tế.
Mỗi mùa một giá điện?
Đề án đề xuất cải tiến cơ chế biểu giá bán lẻ điện 6 tháng/lần. Thời điểm điều chỉnh sẽ lựa chọn theo mùa mưa, mùa khô và tránh các thời điểm nhạy cảm, có sự thay đổi đột biến về sản lượng, với kỳ điều chỉnh giá sẽ là 1-3 và 1-9 hằng năm.
Nếu có sự biến động lớn về giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế dẫn đến sự thay đổi đáng kể về chi phí sản xuất và mua điện, sẽ có điều chỉnh bất thường. Ủng hộ đề xuất phải luật hóa chu kỳ điều chỉnh giá điện, GS Trần Đình Long cho rằng giá thành sản xuất kinh doanh điện thay đổi hằng ngày nên cần phải điều chỉnh thường xuyên để theo chu kỳ biến thiên của thị trường.
"Có thể tính toán điều chỉnh giá điện 2 năm một lần và có quy định cụ thể trong luật" - ông Long nói.
GS Trần Văn Bình - Viện kinh tế quản lý Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho rằng nên điều chỉnh giá điện 6 tháng/lần có tăng giảm. Bởi giá thành điện biến động rất nhiều, phụ thuộc vào thời tiết. Những năm có nước nhiều, huy động thủy điện với tỉ trọng nhiều, giá đầu vào thấp thì sẽ có giá điện thấp. Còn những thời điểm hạn hán, phải huy động nhiệt điện tăng thì sẽ làm giá thành tăng.
Tuy nhiên, ông Lê Hồng Tịnh - phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học môi trường của Quốc hội - đề nghị cần mạnh dạn điều chỉnh giá điện trong năm thành 4 lần, có thể tăng hoặc giảm theo diễn biến giá thành, gắn với 4 mùa. "Việc điều chỉnh như vậy để giá điện "lên từ từ và giảm từ từ" sẽ không gây sốc cho kinh doanh, việc tăng giá và điều chỉnh tăng giảm phù hợp với thị trường" - ông Tịnh nói.
Nguy cơ thiếu điện
Báo cáo của bộ trưởng Bộ Công thương gửi các đại biểu Quốc hội về ngành điện nêu rõ nhiều biến động lớn thời gian qua đã ảnh hưởng đến việc thực hiện quy hoạch điện, đặc biệt là việc không xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than cũng gặp nhiều khó khăn do các vấn đề về thu xếp vốn, giải phóng mặt bằng, môi trường và sự phát triển mạnh mẽ của nguồn năng lượng tái tạo... Trong khi đó, các nguồn điện, đặc biệt là dự án ngoài EVN, bị chậm so với quy hoạch ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung ứng điện.
Tổng công suất các dự án điện có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 15.500/21.650 MW (đạt gần 72%). Việc chậm tiến độ các dự án điện hoặc các dự án không được triển khai theo quy hoạch đang tạo ra các khó khăn, thách thức lớn trong việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới.
Việc đầu tư dàn trải, chưa ưu tiên đúng mức những dự án trọng tâm dẫn tới chậm tiến độ trong khi việc huy động vốn cho các dự án điện cũng khó khăn, khi nguồn vốn cần huy động mỗi năm lên tới 7,6 tỉ USD trong khi các doanh nghiệp đều khó khăn về tài chính...
Ông Lê Hồng Tịnh (phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học môi trường của Quốc hội): Giá điện cần đảm bảo nguyên tắc thị trường
Các chính sách giá điện cần phải đảm bảo nguyên tắc thị trường. Theo đó, nếu muốn hỗ trợ người nghèo, Nhà nước cần phải bỏ tiền ra, không để doanh nghiệp phải bỏ tiền làm méo mó thị trường.
Bởi nguy cơ thiếu điện đang cận kề khi VN đang phải mua điện của Lào và Trung Quốc. Trong khi đó, những dự án điện lớn đều tập trung vào các tập đoàn EVN, TKV và PVN nhưng không đủ vốn, nên quy hoạch điện VII bị phá vỡ. Luật điện lực chuẩn bị tiến tới bán lẻ cạnh tranh, nên cần phải đưa ra giá bán điện đảm bảo hài hòa giữa lợi ích người tiêu dùng, sản xuất và nhà phân phối, có lợi ích cho nhà đầu tư.
Với những ngành sử dụng điện quá lớn như thép, ximăng, cán thép... cần phải có chính sách nâng giá điện nhằm tạo điều kiện cho ngành điện đầu tư đổi mới công nghệ. Còn nếu duy trì mức giá điện thấp sẽ không đổi mới công nghệ, gây tác dụng ngược.
Ông Nguyễn Đình Cung (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương): Cần tính chi phí môi trường vào giá điện
Đề án chưa tách biệt được chi phí kinh doanh và chi phí công ích, để xác định được trách nhiệm của EVN và Chính phủ. Hộ sản xuất có bù chéo, bao cấp hay không cũng chưa làm rõ tác động đến sản xuất thế nào, chưa làm rõ tiết kiệm năng lượng ra sao...
Trong cơ cấu chi phí giá hiện nay cũng chưa có chi phí môi trường và chi phí sử dụng tài nguyên, nên cần phải làm rõ, kể cả các chi phí phát sinh, các loại thuế... Ngoài ra, cần đánh giá thêm thực trạng điều hành giá điện vừa qua, nếu vẫn giữ nguyên chính sách như hiện hành thì tác động ra sao đến điều hành về quản lý giá điện...
Ông Nguyễn Tiến Thỏa (nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính): Phải minh bạch từng biểu giá
Đề án chưa làm rõ được biểu giá đề xuất đã xử lý được tình trạng "bù chéo" trong giá điện như thế nào? Sẽ khó đánh giá về tình trạng này khi biểu giá chỉ đưa ra bảng kê tỉ lệ các mức giá bán so với giá bán bình quân chung của từng hộ tiêu thụ giá như quyết định 28/2014/QĐ-TTg mà không đưa ra được mức giá bình quân của từng biểu giá so với mức giá bình quân chung.
Mặt khác, cách tính từng mức giá của một biểu giá so với các hộ tiêu thụ là không phù hợp. Do đó, đề nghị ban đề án nghiên cứu thêm, cải tiến biểu tổng hợp giá điện này như thế nào để bảo đảm hơn tính minh bạch của từng biểu giá điện theo hướng mỗi biểu giá điện có giá bình quân. Khi tính mức giá cụ thể sẽ căn cứ trên giá bình quân của từng biểu giá chứ không phải tính trên biểu giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận