Thép xây dựng thành phẩm được sản xuất tại một nhà máy thép ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: Đ.H.
"Đến lúc siết lại các ngành tiêu tốn điện?" là câu hỏi cần câu trả lời. Theo tôi, sau một thời gian điện sinh hoạt phải bù lỗ cho điện sản xuất, đã đến lúc xem lại.
Sau khi Chính phủ quy định giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công thương được giao xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện, bao gồm: sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt...
Giá bán lẻ điện cho các đối tượng trên có sự phân biệt khác nhau. Vì vậy, trong chính sách giá điện có sự bù chéo. Hiện người sử dụng điện sinh hoạt và kinh doanh phải trả giá điện cao hơn giá bán lẻ bình quân. Giá bán lẻ điện cho khối công nghiệp thấp hơn so với giá bán lẻ điện sinh hoạt và kinh doanh.
Theo số liệu 2018, khối sản xuất công nghiệp tiêu thụ đến 54% lượng điện năng của cả nước, trong khi điện sinh hoạt chỉ chiếm 35%, điện cho kinh doanh chỉ chiếm 9% và điện cho nông-lâm-thủy sản chiếm khoảng 2%.
Nói cách khác, người dùng ít điện hơn lại phải trả giá cao hơn để hỗ trợ người tiêu thụ nhiều điện - trong đó có bộ phận không nhỏ các ngành tiêu thụ điện năng rất lớn như ngành thép, ximăng, hóa chất. Giá bán điện thấp đã không tạo ra sức ép buộc các nhà sản xuất thay đổi công nghệ lạc hậu bằng công nghệ tiết kiệm điện, hiệu suất cao.
Từ dữ liệu của Tổng cục Thống kê, thấy một điều bất hợp lý là khối công nghiệp chỉ đóng góp 34% trong tổng thu nhập GDP nhưng tiêu thụ tới 54% sản lượng điện năng của cả nước, trong khi chỉ 9% sản lượng điện trong kinh doanh làm ra đến 41% GDP, 2% sản lượng điện của nông-lâm-thủy sản làm ra đến 18% GDP.
Điều này dẫn đến việc hiệu quả sử dụng điện của Việt Nam rất thấp so với thế giới. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chỉ số sử dụng điện hiệu quả ở Việt Nam rất thấp (1kWh của Việt Nam chỉ làm ra 1,27 USD, chưa bằng một nửa so với mức trung bình của thế giới).
Hơn nữa, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vào loại trung bình thấp của thế giới, giá điện sinh hoạt phải bù chéo cho sản xuất công nghiệp, ảnh hưởng tới đời sống của người dân, giảm sức mua. Điều này cần phải được xem xét lại.
Có ý kiến cho rằng giá điện sản xuất thấp vì EVN đang bán trực tiếp đến chân nhà máy, sản lượng lớn trong khi chi phí lưới truyền tải thấp. Thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng vậy.
Cần tính toán và công khai liệu việc này có giảm được chi phí bao nhiêu, tương ứng mức giá nào. Không nên để người dân phải bù tiền điện cho các doanh nghiệp sản xuất. Cần xây dựng mức giá bán lẻ điện cho khối sản xuất công nghiệp bằng mức giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Thu nhập và đời sống người dân đã có sự cải thiện, các thiết bị sử dụng điện tối thiểu trong gia đình đã nhiều hơn. Hiện nay, mức tiêu thụ điện phổ biến của người dân trong khoảng 201-300 kWh, mức giá ở các bậc này không nên quá cao so với mức giá bán lẻ bình quân như hiện nay. Còn mức giá tiêu dùng trên 400kWh có thể rất cao, vì những đối tượng tiêu dùng ở bậc này là những người khá giả.
Nếu quy định như trên, mỗi khi giá bán lẻ điện bình quân tăng thì đại đa số người tiêu dùng ở mức tiêu dùng điện phổ biến không chịu sự tác động lớn. Còn những đối tượng khá giả và thượng lưu sử dụng nhiều điện phải chịu mức giá cao. Điều này đáp ứng yêu cầu sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và chính sách an sinh xã hội trong giá điện.
Làm sao để cơ cấu biểu giá bán lẻ điện đảm bảo tính công bằng, minh bạch và hợp lý, có vậy sẽ dễ hơn trong tạo sự đồng thuận của xã hội về giá điện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận