30/11/2018 09:16 GMT+7

Thiếu điện, phải quy trách nhiệm

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Cần quy rõ trách nhiệm trong việc đảm bảo nguồn cung ứng than cho sản xuất điện cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cơ cấu lại nguồn điện, đẩy mạnh việc phát triển năng lượng tái tạo.

Thiếu điện, phải quy trách nhiệm - Ảnh 1.

Tại một tổ máy nhiệt điện Hải Phòng - nơi đang chịu áp lực thiếu than - Ảnh: THANH HƯƠNG

Trước tình hình thiếu than cho sản xuất điện gây nên nguy cơ cắt điện đầu năm 2019, nhiều chuyên gia đã kiến nghị như trên tại hội thảo "Phát triển năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường tại VN" tổ chức ngày 29-11.

Các "ông lớn" nói gì?

Một lần nữa nhấn mạnh lại tình hình cấp bách khi nguồn than cho điện gặp khó khăn, đại diện Tập đoàn Than - khoáng sản VN (TKV) cho biết lượng than sản xuất được chỉ khoảng 38 triệu tấn. Do đó, đã phải nhập khẩu than và dự kiến năm 2018 sẽ nhập tới 20 triệu tấn.

Chưa kể chính sách sản xuất, tiêu thụ than lại chưa rõ ràng, nhất quán. Cụ thể, ở khâu sản xuất phải theo kế hoạch, nhưng khâu tiêu thụ thì có lúc theo kế hoạch, nhưng có lúc theo thị trường, dẫn tới cung cầu than trong nước nhiều khi không gặp nhau.

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN), cho biết việc khai thác dầu khí cũng gặp nhiều khó khăn. Với khai thác dầu, từ năm 2013 đến nay sản lượng giảm bình quân 1,5 triệu tấn mỗi năm; khai thác khí mỗi năm 10 tỉ m3 nhưng từ năm 2020 sẽ thiếu khoảng 10 triệu tấn LNG khí hóa lỏng, nên cũng phải tính đến việc xây dựng hạ tầng để nhập khẩu khí.

PVN cũng đầu tư khoảng 2 tỉ USD cho các dự án điện. Song theo ông Sơn, đây là lĩnh vực có tỉ suất lợi nhuận thấp, rủi ro lớn do chỉ bán được 1.500 đồng/kWh, nên nếu tỉ giá thay đổi thì mọi "công sức sẽ đổ xuống sông biển". Hiện tập đoàn này đang triển khai các dự án điện khí, cố gắng đảm bảo cân đối cung cầu đất nước song cũng rất khó khăn.

Theo ông Nguyễn Tài Anh, phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN), đến năm 2030 VN sẽ thiếu khoảng 300 tỉ kWh điện, nhưng phát triển nguồn điện nào là bài toán khó bởi không chỉ nguồn than mà khí cũng phải nhập. Trong khi đây là những mặt hàng không phải cứ "muốn là mua ngay được", chưa kể phải xây dựng hạ tầng cảng biển, hệ thống đường ống...

Cũng theo ông Tài Anh, mục tiêu vừa phải đủ điện, đảm bảo an ninh năng lượng, vừa đảm bảo môi trường và giá điện phải phù hợp với người tiêu dùng là thách thức lớn đặt ra. Dẫn chứng là xu hướng hiện nay đang bàn tới việc đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời... song chi phí giá đầu tư đang rất cao trong khi giá bán lẻ cho người tiêu dùng thấp hơn. Do đó, việc đảm bảo an ninh năng lượng cần phải có lộ trình...

Nhiều giải pháp có thể thực hiện

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia năng lượng, các dự án BOT lĩnh vực điện thường kéo dài thời gian thực hiện, gây rủi ro cho an ninh cấp điện, nên cần nghiên cứu chuyển đổi sang dạng khác để giảm thời gian thương thảo, phù hợp với lộ trình thị trường điện bán buôn sau năm 2022. Ông Tuấn Anh cho rằng cần nghiên cứu áp dụng cơ chế đấu thầu các dự án nguồn điện từ sau năm 2025 để tăng tính cạnh tranh, hiệu quả, giảm chi phí xã hội cho phát triển điện lực.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tô Quốc Trụ (Hội đồng khoa học năng lượng, Hiệp hội Năng lượng VN) cho rằng cần khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo để bổ sung thêm nguồn điện. Theo đó, với mục tiêu của quy hoạch điện VII điều chỉnh là năm 2030 phải đạt được sản lượng điện trên 570 tỉ kWh thì phải thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển năng lượng tái tạo nhằm giảm nhiệt điện than ở mức cao nhất.

Có nghĩa, công suất của nguồn năng lượng tái tạo phải tăng lên đến 82.607 MW. Tuy nhiên, để đạt được cần phải có các cơ chế, chính sách đồng bộ về giá điện hạ tầng, kỹ thuật, thủ tục đầu tư, hợp đồng mua bán... tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia các dự án điện tái tạo.

Đồng thời, với các dự án nhiệt điện than, ông Trụ cho rằng với các nhà máy có tuổi đời 40 năm vẫn đang hoạt động, cần có yêu cầu cải tạo từ đốt than sang đốt sinh khối rắn nhằm đảm bảo sản lượng điện và giảm thiểu chất thải. Với các nhà máy đang vận hành cần yêu cầu cải tiến để kiểm soát phát thải ra môi trường; các nhà máy đang xây dựng thì phải bắt buộc áp dụng công nghệ mới, trang bị đầy đủ các thiết bị bảo vệ môi trường...

Không thể "ăn đong"

Ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, nhấn mạnh do hiện nay tỉ trọng các nhà máy nhiệt điện than vẫn ở mức cao trong hệ thống điện, nên nếu thiếu than sẽ thiếu điện.

"Tình trạng thiếu than vừa qua là do không có quy hoạch, cũng như không có lộ trình cụ thể để nhập, kể cả dự phòng không đủ, nên bất ngờ xảy ra tình trạng thiếu than. Tình hình này nếu kéo dài thì không những năm 2018 mà các năm về sau sẽ thiếu điện triền miên, không an toàn cho an ninh năng lượng" - ông Ngãi lo ngại.

Giải pháp, theo ông Ngãi, an ninh năng lượng không thể "ăn đong" mà cần giao đơn vị chịu trách nhiệm về đảm bảo nguồn cung than cho điện một cách bền vững, lâu dài, thậm chí mua mỏ khai thác ở nước ngoài. Đặc biệt, với một loạt dự án điện đang chậm triển khai, cần đảm bảo nguồn vốn để kịp tiến độ dự án, sớm đưa vào vận hành các nguồn điện để tăng thêm nguồn cung.

EVN muốn... nhường sân

Theo ông Nguyễn Tài Anh, để đảm bảo nguồn hơn 5.000 MW/năm, cần phải có vốn đầu tư lên tới gần 10 tỉ USD. Trong bối cảnh nợ công tăng cao, Chính phủ không bảo lãnh khiến các doanh nghiệp khó huy động nguồn vốn để đầu tư các dự án điện. "EVN nhường sân chơi cho các nhà đầu tư để tập trung đầu tư cho lưới điện truyền tải và phân phối..." - ông Tài Anh nói.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên