Hãng tin Reuters trích thông báo của Bộ Ngoại giao Phiippines ngày 25-3 cho biết Trung Quốc không có quyền có mặt tại bãi cạn Ayungin (tên Philippines gọi bãi Cỏ Mây) và tuyên bố các động thái của Bắc Kinh nhằm can thiệp vào nhiệm vụ tiếp tế của Manila trong tuần trước là "không thể chấp nhận được".
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro khẳng định với báo giới rằng Manila sẽ không thay đổi lập trường về chủ quyền biển.
"Họ là bên xâm nhập vào lãnh thổ của chúng tôi - Bộ trưởng Teodoro nói - Không nước nào tin tuyên bố chủ quyền của họ, họ sử dụng vũ lực, đe dọa và khuất phục Philippines theo tham vọng của họ".
Không dừng lại ở đó, ông Teodoro còn thách thức Trung Quốc mang yêu sách chủ quyền ra tòa trọng tài. "Nếu Trung Quốc không ngại tuyên bố chủ quyền của mình với thế giới, tại sao chúng ta không phân xử theo luật pháp quốc tế?", ông Teodoro nói.
Tuần trước, Philippines cáo buộc hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu tiếp tế UM4 của họ khiến con tàu bị hư hại nặng và một số thủy thủ bị thương. UM4 khi đó đang trên đường đưa nhân sự và vật tư tiếp tế đến con tàu Sierra Madre mắc cạn - nơi đồn trú của tuần duyên Philippines ở bãi Cỏ Mây.
Trong khi đó, hải cảnh Trung Quốc tuyên bố đã thực hiện các biện pháp cần thiết đối với tàu Philippines. Ngày 24-3, Bộ Quốc phòng Trung Quốc yêu cầu Philippines ngừng "các hành động khiêu khích và bình luận có thể dẫn đến xung đột và leo thang".
Cố vấn an ninh quốc gia Philippines đã triệu tập cuộc họp cấp cao gồm các quan chức hàng đầu vào sáng 25-3 nhằm chuẩn bị những khuyến nghị trình lên Tổng thống Ferdinand Marcos Jr về giải pháp giải quyết tranh chấp.
Theo Reuters, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm bãi Cỏ Mây. Nằm trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bãi Cỏ Mây nằm cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 1.000km.
Theo phán quyết của Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông năm 2016, bãi Cỏ Mây nằm trên thềm lục địa Philippines.
Bắc Kinh đã tung hàng trăm tàu hải cảnh tuần tra trên khắp Biển Đông, bất chấp yêu sách chủ quyền đã bị tòa trọng tài 2016 bác bỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận