13/06/2022 08:57 GMT+7

Phiên chợ đặc biệt của công nhân

NGỌC HIỂN - ĐỨC THIỆN - NGUYỄN TRÍ
NGỌC HIỂN - ĐỨC THIỆN - NGUYỄN TRÍ

TTO - 'Bữa giờ tôi cũng ngập ngừng chưa biết thanh toán online nó ra sao nhưng hôm nay được nhân viên ngân hàng hướng dẫn tận tình, tôi sẽ tập cho mình một thói quen mới là trả tiền qua app', chị Thanh Thúy (39 tuổi) chia sẻ.

Phiên chợ đặc biệt của công nhân - Ảnh 1.

Khách tham quan tại Chợ phiên không tiền mặt ngày 12-6 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều người dân, đặc biệt là công nhân của các nhà máy tại Khu chế xuất Linh Trung (TP Thủ Đức, TP.HCM) đã lần đầu trong đời được trải nghiệm không khí một ngày hội công nghệ và trực tiếp sử dụng các dịch vụ thanh toán không tiền mặt khi tham gia Chợ phiên không tiền mặt do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 12-6.

Nhiều tài khoản ngân hàng đã có chủ nhân mới, nhiều app Internet Banking đã tải thành công về smartphone của các công nhân và hàng loạt các ví điện tử đã có chủ sở hữu mới là những người lao động trong các nhà xưởng... từ chợ phiên đặc biệt này.

Lần đầu đến với "không tiền mặt"

Không khí hội hè tưng bừng suốt cả ngày tại Chợ phiên không tiền mặt khi không gian mua sắm của Saigon Co.op tràn ngập "sắc vàng" giảm giá, có đến gần 500 sản phẩm giảm giá sâu từ 10-50% để công nhân thỏa sức mua sắm. Điều đặc biệt, các quầy thanh toán của siêu thị về với công nhân này lại không dùng tiền mặt mà phần lớn các hóa đơn đều trả bằng thẻ, trả bằng ví điện tử hoặc Internet Banking của các ngân hàng.

Sau khi mua sắm thả ga, các công nhân và những người dân tham gia phiên chợ đã bước vào không gian của một ngày hội công nghệ khi đến gian hàng của Napas để nhận quà hay qua từng gian hàng của các ngân hàng, các ví điện tử để trải nghiệm dịch vụ, ẵm ngay các phần quà giá trị. Đặc biệt, trên sân khấu chính luôn sôi động khi các ngân hàng, các ví điện tử luân phiên tổ chức các trò chơi hoạt náo và trao liền tay những phần quà cho người giật giải.

Có rất nhiều công nhân vì tò mò mà đến phiên chợ và đã lần đầu được trải nghiệm các dịch vụ thanh toán không tiền mặt. Dắt tay con gái đến ngày hội, nữ công nhân Nguyễn Thị Xuân (34 tuổi, Công ty TNHH Danu Vina) tìm đến gian hàng của ví điện tử MoMo để "tải cho chị cái áp (app) mở lên quét quét để trả tiền trong siêu thị". 

Tại đây, nữ nhân viên ngân hàng đã mở điện thoại của chị Xuân, tải xuống app MoMo, hướng dẫn cách đăng ký, cách bảo mật và đặc biệt là cách tạo mã QR hoặc thanh toán qua công cụ quét mã QR để nữ công nhân này có thể dễ dàng thanh toán. 

Sau khi đăng ký và liên kết tài khoản thành công, hai mẹ con đã cùng nhau bước vào không gian mua sắm giảm giá của Saigon Co.op, mua về cho gia đình những món đồ gia dụng giá mềm. Đến phần thanh toán, dù còn chưa rành rọt nhưng được sự trợ lực của các nhân viên thu ngân của siêu thị, chị Xuân đã nhanh chóng trả số tiền hơn 500.000 đồng tiền mua sắm bằng dịch vụ không tiền mặt.

Sau khi tìm hiểu, anh Minh (công nhân) cho biết ứng dụng Tap2phone của Sacombank rất tiện lợi vì chỉ cần nhập số tiền thanh toán vào ứng dụng, sau đó áp sát thẻ chip vào mặt sau điện thoại... là có thể thực hiện việc thanh toán ngay chỉ trong vài giây.

Tương tự, chị Mai Thị Thanh Thúy (39 tuổi) cũng đến quầy của Ngân hàng Quân đội (MB) để các nhân viên ngân hàng làm thủ tục mở tài khoản MB và tải app MBBank. Sau khi tải app thành công, chị Thúy được hướng dẫn tận tình cách thức để sau này chị có thể giảm dần việc dùng tiền mặt mà chuyển sang thanh toán qua app. 

"Bữa giờ tôi cũng ngập ngừng chưa biết hình hài app thanh toán online nó ra sao nhưng hôm nay được nhân viên ngân hàng hướng dẫn cũng tận tình, tôi sẽ tập cho mình một thói quen mới là trả tiền qua app", chị Thúy nói.

Tương tự, tại các gian hàng của ngân hàng như Sacombank, ACB, SHB, HDBank, BIDV, VNPT Money, Utop của FPT... cũng đông công nhân đến trải nghiệm dịch vụ, mở mới các tài khoản, tải app hoặc mở ví điện tử.

Những người sống khỏe hơn vì "không tiền mặt"

Biết đến phiên chợ từ nhiều ngày qua, vợ chồng công nhân Lê Ngọc Hưng (48 tuổi) và bà xã Trần Thị Mỹ Loan là hai trong số những người đến sớm để trải nghiệm các dịch vụ. Hiện làm công nhân sản xuất giày của Công Ty TNHH Freetrend Industrial đặt trong Khu chế xuất Linh Trung 1, ông Hưng cho hay ông rất háo hức để đến trải nghiệm các dịch vụ của ngân hàng và nhận về nhiều phần quà. 

Điều đặc biệt, ông Hưng cho rằng các dịch vụ thanh toán không tiền mặt này "chẳng còn lạ lùng gì nữa" khi vợ chồng ông và cả đứa con 16 tuổi cũng có đủ các app, ví điện tử trong điện thoại.

"Từ trả tiền điện, tiền nước, nạp card điện thoại rồi sau này là trả tiền WiFi là tui trả qua app hết đó, hơi bị xịn luôn. Nhà gần đây nên nghe có ngày hội tui qua coi thử có app nào xịn hơn cái tui đang xài nữa không", ông Hưng hào hứng kể.

Trong khi dòng người trải nghiệm dịch vụ tại ngày hội, có khá nhiều những người trẻ chìa chiếc ví ra để chứng minh mình đã không còn dùng tiền mặt nhiều như trước. Trong đó, chị Phạm Thị Lựu (28 tuổi) tự nhận mình là người "không tiền mặt" khi trong túi chỉ có chiếc điện thoại cài đủ các app thanh toán, ví điện tử và trong ví chỉ có giấy tờ tùy thân và chiếc thẻ tín dụng. 

Theo chị Lựu, tất cả các dịch vụ như điện nước, bảo hiểm và kể cả ra siêu thị, hàng quán chị đều trả qua các app hoặc thẻ tín dụng, họa hoằn lắm mới kẹp thêm vài ngàn đồng trong người để trả tiền xe nơi nào không có mã QR.

Còn đối với chị Huỳnh Ngọc Anh (36 tuổi), cuộc sống "không tiền mặt" đối với chị rất tiện dụng khi chị làm cho một công ty mỹ phẩm tại quận 1, bước ra đường là khắp nơi đều có thể cà thẻ, quét mã QR hoặc trả qua các ví điện tử. 

Mỗi ngày, từ việc đặt thức ăn, đi Grab, mua đồ uống đến trả tiền mua sắm đều được chị trả qua các app. Thậm chí, mỗi lần các đồng nghiệp rủ nhau đi ăn uống chung cũng chia tiền một cách tiện lợi và "tinh tế" khi không cần ai bao ai, cứ "chia bill" rồi chuyển tiền qua ví điện tử nhanh chóng. "Nói thực hôm nay tôi có nhét trong túi 500.000 đồng để phòng khi có gì đó cần thiết, còn bình thường đi làm ở quận 1 tôi cũng chẳng cần mang theo tiền vì mọi thứ đều thanh toán online được hết", chị Anh nói.

Mua xong Saigon Co.op, cầm "bill" sang ngân hàng nhận hoàn tiền

CONG NHAN

Chị Thanh Thúy (giữa) cùng người thân được hướng dẫn tải ứng dụng Ngân hàng MB và kích hoạt tài khoản - Ảnh: MINH DUY

Nhờ Saigon Co.op kết hợp với những ngân hàng tại chợ phiên, nhiều khách hàng sau khi thanh toán tại gian hàng Saigon Co.op mang "bill" (hóa đơn) đến các gian hàng của ngân hàng trong chợ phiên như Sacombank, ACB... để được hoàn tiền từ 2%.

"Mua hàng được giảm giá, lại còn được hoàn tiền nên lợi cả đôi đường. Đây là chương trình hay cho công nhân tham gia mua sắm", anh Hồ Văn Quốc (TP Thủ Đức) nhận định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Võ Quốc Oai, đại diện gian hàng Saigon Co.op, cho biết đơn vị đem tới phiên chợ gần 500 mặt hàng các loại, trong đó phổ biến nhất là mặt hàng hóa mỹ phẩm như bột giặt, dầu gội, nước rửa... và thực phẩm thiết yếu. Theo Saigon Co.op, trong ngày tham gia chợ phiên, 99% khách hàng chọn thanh toán bằng hình thức không tiền mặt khi mua hàng tại đây.

Công nhân tranh thủ mua dầu ăn, nước mắm... giảm giá tại Chợ phiên không tiền mặt Công nhân tranh thủ mua dầu ăn, nước mắm... giảm giá tại Chợ phiên không tiền mặt

TTO - Theo ghi nhận, từ sáng đến chiều muộn, nhiều gian hàng của Chợ phiên không tiền mặt tổ chức ngày 12-6 tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP Thủ Đức) vẫn thường xuyên thu hút khách, đặc biệt gian hàng bày bán nước mắm, dầu ăn... giảm giá.

NGỌC HIỂN - ĐỨC THIỆN - NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên