Bà Phán trước bàn thờ chồng và cũng từng là nơi thờ “liệt sĩ” Nguyễn Thị Ân - Ảnh: B.D.
Ngỡ người em mình đã hi sinh, một gia đình ở xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã lập bàn thờ. Nào ngờ một ngày kia, "liệt sĩ" bỗng trở về bằng da bằng thịt.
Lễ giỗ cho người… còn sống
Khắp nơi trên đất nước Việt Nam, chiến tranh đã làm nhiều gia đình ly biệt, nhiều người tới nay vẫn mỏi mòn tìm kiếm người thân trong vô vọng. Nhưng vẫn có những câu chuyện đoàn tụ như cổ tích mà người trở về từ lâu đã được lập bia mộ, được Nhà nước tặng bằng Tổ quốc ghi công. Câu chuyện của "liệt sĩ" Nguyễn Thị Ân (tổ 1, thôn Hương Lam, xã Hòa Khương) là như vậy.
Trong ngôi nhà cấp 4 của bà Ngô Thị Phán ở tổ 1, thôn Hương Lam, xã Hòa Khương treo kín những bằng khen, huân huy chương kháng chiến, bằng Tổ quốc ghi công. Trong số các giấy tờ này có một tấm giấy rất đặc biệt: bằng "Tổ quốc ghi công" mang tên liệt sĩ Nguyễn Thị Ân - em chồng bà Phán - "đã hi sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước".
Bà Phán giờ đã ngoài 75 tuổi, sống một mình với mấy đứa cháu trong ngôi nhà cấp 4. Bà kể rằng người chồng quá cố của mình là ông Nguyễn Tam có người em gái tên là Nguyễn Thị Ân, sinh năm 1945. Năm 18 tuổi, cô Ân thoát ly theo cách mạng. Thời gian đầu, cô vẫn giữ liên lạc với gia đình, nhưng thông tin ngày một ít dần. Từ năm 1965 trở đi, chiến tranh ở vùng Quảng Nam - Đà Nẵng ác liệt thì cô Ân cũng biệt tăm.
Bà Phán kể rằng quãng thời gian chiến tranh, ông Nguyễn Tam cũng biền biệt theo cách mạng. Tới năm 1968 thì ông Tam hi sinh. Lúc này thông tin về cô Ân gần như đứt hẳn.
Chiến tranh đã gây ra quá nhiều mất mát đối với gia đình bà Phán. Bà nói rằng sau ngày giải phóng, một mình bà phải nuôi hai đứa con khôn lớn mà không có bàn tay của chồng. Một điều mà chồng bà khi còn sống, trong những lần ông về thăm nhà vẫn căn dặn vợ con là phải tìm cách liên lạc với cô Ân. "Ông ấy nói với tôi rằng cả nhà đã chết gần hết, chỉ còn ông ấy với cô Ân, nếu chẳng may ông bị giết thì cô Ân sẽ là người cuối cùng trong gia đình" - bà Phán xúc động kể lại.
Sau ngày giải phóng, bà Phán vừa một tay nuôi con vừa tranh thủ thời gian đi dò la tin tức về người em gái của chồng. Bà đến hầu như tất cả các đơn vị, gặp những người đã từng chiến đấu với người em gái nhưng không một ai biết. Hành trình tìm kiếm cứ thế mỗi năm một ít dần, trôi theo những tuyệt vọng.
Ngày 27-7-1985, sau nhiều năm ngược xuôi tìm trong vô vọng, bà Phán quyết định lập bàn thờ cho người em gái của chồng. Bà nói rằng vì không biết Ân hi sinh ở đâu, mất vào thời gian nào nên chọn Ngày thương binh liệt sĩ 27-7 để làm lễ giỗ.
Hằng năm cứ tới ngày đó, một mâm cơm đạm bạc kèm ít trái cây được dọn ra. Những con cháu của bà đều hướng lên bàn thờ. Ai cũng đinh ninh rằng cô Ân đã chết, một cái chết không tên tuổi, không di ảnh và cũng không một dòng báo tin như cách nằm xuống của rất nhiều người lính chiến "vô danh" trong lửa đạn. Nào ai biết rằng ở một nơi cách đó hơn 1.000km, người đang được thắp nhang trên bàn thờ lâu nay vẫn… còn sống.
“Liệt sĩ” Nguyễn Thị Ân ngày trở về bên gia đình - Ảnh: B.D.
Cô Ân trở về
Chồng chết, người em gái còn lại của chồng cũng được xác định là hi sinh, được cấp bằng Tổ quốc ghi công. Chuyện đau buồn ấy được chấp nhận và dần quên lãng đi với lý do thật đơn giản: chiến tranh mà! Bà Phán nuôi con với thân phận của người phụ nữ "mồ côi". Hằng ngày, bà ngồi đối diện với những hàng huân huy chương, bằng khen, tặng thưởng của Nhà nước với người có công. Bà cũng nhủ con cái hương khói đều đặn cho cô Ân mỗi dịp 27-7 mà không một mảy may tin rằng cô vẫn còn sống.
Một chiều vào ngày cuối cùng của tháng 6-2015, một người đàn ông rặt giọng Quảng Nam chạy chiếc xe máy, tay vẫn cầm chiếc điện thoại cũ để liên tục dò hỏi đường tìm đến nhà bà Ngô Thị Phán. "Có phải nhà bà Phán đây không?" - người này dừng xe trước cổng rồi hỏi bà Phán trong ngờ vực. "Phải! Là Phán đây, có chuyện chi không?" - bà Phán đáp trong lo lắng.
Thoáng chút ngần ngừ, người này bước vào nhà. Khi nhìn thấy mấy tấm bằng Tổ quốc ghi công có tên liệt sĩ Nguyễn Thị Ân thì ông mới nói rằng ông được Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhờ tìm lai lịch, thông tin về một thương binh cùng tên.
"Trời ơi, nghe tên Nguyễn Thị Ân tui đã sảng hồn rồi. Tui hỏi ông ấy là có phải cô Ân cao cao, gầy, quê Hòa Khương không thì ông ấy đưa cho tôi mẩu giấy ghi địa chỉ cần xác minh và bảo đúng. Tôi sững người như chết đứng, lúc đó quýu lên không kịp hỏi thêm gì. Người đàn ông đến nhà khi biết đã tìm được chính xác nhà tôi thì ông ấy để lại địa chỉ nơi cô Ân ở rồi ra về. Tui chỉ biết ông ấy sống ở Duy Xuyên, tên là Nguyễn Ba, cũng vào Bà Rịa - Vũng Tàu tìm người thân còn thất lạc" - bà Phán nhớ lại vị ân nhân đặc biệt.
Ngay tối hôm nhận được mẩu tin từ người lạ, bà Phán đã gọi điện ngay cho người con trai của mình ở Lào cấp tốc đón xe về nước rồi đi thẳng đến Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất. Ở quê nhà, một số người trong gia đình cũng đón xe ngược vào Vũng Tàu. Ngày 3-7, chỉ chưa đầy 4 ngày từ lúc nhận được tin cô Ân còn sống, những người trong gia đình bà Phán đã tới được căn phòng nơi "liệt sĩ" Nguyễn Thị Ân đang nằm trong tình cảnh được phụng dưỡng nhiều năm.
Người cháu của bà Ân kể rằng lúc thấy cô ruột mình đang nằm khô khốc trên chiếc giường, kế đó là chiếc xe lăn, khuôn mặt tiều tụy và ngờ nghệch thì không ai cầm được nước mắt. "Tui biết chắc đó là cô rồi, nhưng vẫn thử cầm tay lên coi có hơi ấm tình máu mủ không. Lúc đó tự nhiên nước mắt cô trào ra" - anh Nguyễn Nhứt, con trai bà Phán, nghẹn giọng kể.
Nhiều người thân đứng quanh giường cô Ân cũng không cầm được nước mắt. Cuộc trùng phùng bất ngờ và cũng đẫm xót xa trên đất nước quá nhiều bom đạn chiến tranh. Chuyện "liệt sĩ" Nguyễn Thị Ân sống sót và trở về với gia đình tại Hòa Khương sau hơn 50 năm đã làm xôn xao khắp gần xa thời điểm đó. Chính quyền TP Đà Nẵng cùng Sở LĐ-TB&XH cũng xuống thăm hỏi, xác minh thông tin.
Bà Phán nghẹn ngào kể khi gặp lại, cô Ân đã rất yếu, nằm liệt giường, mất hết khả năng nhận biết với bên ngoài. Cơ quan chức năng xác minh được rằng vào năm 1968, cô Ân bị dư chấn vì bom, cộng với việc nhận tin dữ về anh trai, nhiều người trong gia đình đã hi sinh nên cô bị sốc và mất khả năng nhận biết. Cô được đưa đi điều trị nhiều nơi, chuyển qua nhiều trung tâm chăm sóc cho tới lúc đưa về Bà Rịa - Vũng Tàu.
Được nằm xuống trên quê hương mình
Bà Phán kể thêm rằng, kể từ khi đón cô Ân về nhà, lễ giỗ vào ngày 27-7 dành riêng cho cô cũng được bỏ. Tấm bằng Tổ quốc ghi công được xếp vào tủ như một kỷ vật đau thương của chiến tranh. Cô Ân chia tay gia đình lúc 17-18 tuổi và ngày trở về sau hơn 50 năm là trên chiếc xe lăn với một thân hình tiều tụy, sống thực vật.
"Từ ngày đưa được cô về, nhà tôi lúc nào cũng chật kín người vô ra thăm hỏi. Cô nằm trên giường không nói, không cười, nhưng ai nắm tay thì cô cũng ứa nước mắt. Có lẽ cô cảm nhận được. Mấy tháng sau thì cô qua đời, chúng tôi chôn cất tại nghĩa trang gần nhà. Được về nhà và nhắm mắt nơi mình sinh ra chắc thâm tâm cô Ân cũng an lòng" - bà Phán xúc động kể.
******************
>> Kỳ tới: Hành trình tìm mẹ của "sói hoang"
Trong hành trình theo mẹ từ Huế vào Đà Nẵng tránh chiến tranh, cậu bé bị thất lạc khi mới 3 tuổi. Để sống đến ngày tìm được mẹ, "sói hoang" này đã trải đầy cay đắng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận