
Trong suốt quá trình thử nghiệm, phụ nữ liên tục thể hiện độ nhạy thính lực cao hơn nam giới - Ảnh: FREEPIK
Theo Fox News, nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Scientific Reports đã khảo sát mối tương quan giữa độ nhạy thính lực và nhiều yếu tố bao gồm giới tính, độ tuổi và khu vực địa lý...
Phụ nữ thính tai hơn
Tiến sĩ Patricia Balaresque, thuộc Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học và môi trường ở Toulouse (Pháp), đã dẫn đầu một nhóm các nhà khoa học tiến hành kiểm tra thính lực cho 448 người đến từ 13 cộng đồng khác nhau trên thế giới tại Ecuador, Anh, Gabon, Nam Phi và Uzbekistan.
Kết quả cho thấy độ nhạy thính lực chủ yếu bị ảnh hưởng bởi giới tính và môi trường sống, sau đó mới đến tuổi tác và sự khác biệt giữa tai trái và tai phải.
Để tính toán độ nhạy thính lực, một thiết bị nhỏ phát ra tiếng "tách" vào tai người tham gia kiểm tra, sau đó ghi lại những âm thanh rất nhỏ mà tai trong gửi ngược trở lại.
Những tín hiệu phản hồi này, do các tế bào trong ốc tai tạo ra, cung cấp một chỉ báo đáng tin cậy về mức độ nhạy cảm của tai đối với âm thanh.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét các tín hiệu đó, bao gồm cường độ (được đo bằng đơn vị decibel, dùng để biểu thị độ lớn của âm thanh) và tần số mà tai phản ứng mạnh nhất. Họ cũng so sánh sự khác biệt dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm giới tính, tuổi, tai được kiểm tra và loại môi trường sống của người tham gia.
Trong suốt quá trình thử nghiệm, phụ nữ liên tục thể hiện độ nhạy thính lực cao hơn, trung bình là nhiều hơn 2 decibel trên tất cả các cộng đồng được khảo sát.
Thính tai không phải lúc nào cũng tốt
"Chúng tôi khá bất ngờ khi phát hiện rằng phụ nữ có thính lực nhạy hơn nam giới đến 2 decibel ở tất cả các nhóm dân cư mà chúng tôi đo", đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư Turi King, giám đốc Trung tâm Tiến hóa Milner thuộc Đại học Bath, cho biết trong thông cáo.
Ngoài ra, phụ nữ cũng có kết quả tốt hơn trong các bài kiểm tra thính giác và khả năng nhận biết lời nói, cho thấy bộ não của họ có khả năng xử lý thông tin tốt hơn.
"Điều này có thể là do sự khác biệt trong việc tiếp xúc với hormone trong quá trình phát triển thai nhi, hoặc do cấu trúc ốc tai giữa nam và nữ có một vài điểm khác biệt nhỏ", King giải thích.
Tuy nhiên, việc có thính lực nhạy hơn trong môi trường ồn ào không phải lúc nào cũng là một điều tốt.
"Xét đến tác động tiêu cực của tiếng ồn đến sức khỏe tổng thể như chất lượng giấc ngủ và nguy cơ bệnh tim mạch tăng cao, thì việc có thính lực nhạy hơn trong môi trường ồn ào đôi khi có thể gây bất lợi", bà nói.
Những yếu tố khác ảnh hưởng đến thính lực
Theo nghiên cứu, tuổi tác cũng ảnh hưởng đến độ nhạy thính lực - tuổi càng cao thì khả năng nghe càng kém, nhưng ảnh hưởng này không rõ rệt bằng sự khác biệt giới tính.
Một số yếu tố khác như môi trường sống cũng có thể tác động đến độ nhạy thính lực. Chẳng hạn ở những người sống trong đô thị, đặc điểm thính lực có xu hướng chuyển sang phản ứng mạnh với các tần số cao hơn. Điều này có thể là do sự hiện diện liên tục của các âm thanh nền như tiếng xe cộ và tiếng ồn đô thị.
Cạnh đó, người sống ở cao nguyên có độ nhạy thính lực thấp hơn người sống ở khu vực nhiệt đới. Điều này có thể do cao nguyên ít có sự hiện diện của con người hơn, hoặc là một đặc điểm di truyền bắt nguồn từ môi trường hoang dã, nơi việc cảnh giác liên tục là yếu tố sống còn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận