Nghiên cứu của Hà Lan tìm ra manh mối quan trọng giải thích tại sao globulin miễn dịch G chỉ xuất hiện ở bệnh nhân COVID -19 nặng phải nhập viện - Ảnh: AFP
Kháng thể IgG, hay Globulin miễn dịch G, là một loại protein do tế bào miễn dịch tạo ra nhằm chống lại tác nhân xâm nhập từ bên ngoài như virus hoặc vi khuẩn. Mỗi loại IgG chuyên trị một vi trùng nhất định.
IgG chống SARS-CoV-2, tức loại virus gây bệnh COVID-19, hoạt động bằng cách bám vào gai virus ngăn không cho chúng xâm nhập tế bào người. Kháng thể này xuất hiện trong máu khoảng 1-2 tuần sau khi bệnh khởi phát, cũng là lúc các triệu chứng trở nặng và bệnh nhân phải nhập viện.
Theo báo South China Morning Post (SCMP), nhóm nghiên cứu do giáo sư Menno de Winther thuộc Đại học Amsterdam (Hà Lan) dẫn đầu có thể vừa tìm ra một manh mối quan trọng giải thích tại sao kháng thể IgG chỉ xuất hiện khi bệnh nhân COVID-19 trở nặng đến mức phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt.
Sau một loạt thí nghiệm, họ nhận thấy máu của bệnh nhân COVID-19 nguy kịch, phải thở máy, có đặc tính gây viêm cao, có thể kích thích hệ miễn dịch thái quá, phá hủy các lớp màng tế bào khiến nước và máu tràn vào phổi.
Khi nhóm nghiên cứu so sánh với bệnh nhân nhiễm các bệnh khác (cũng nguy kịch), họ phát hiện máu bệnh nhân COVID-19 chứa một lượng lớn bất thường kháng thể IgG, có khả năng khuếch đại phản ứng viêm.
Ở dạng tinh khiết, kháng thể đó không gây ảnh hưởng gì khi kết hợp với máu và tế bào khỏe mạnh. Nhưng khi kết hợp với đại thực bào (tế bào bạch cầu sản sinh khi cơ thể cảm nhận viêm nhiễm), kháng thể IgG khiến nó bùng nổ và thải ra một lượng lớn cytokine tàn phá cơ thể.
Giáo sư Winther nhận định phát hiện này có thể thay đổi cách thế giới ứng phó với đại dịch COVID-19. Từng có lúc người ta hi vọng máu của bệnh nhân đã lành có thể dùng để chữa những người đang bệnh (liệu pháp huyết tương) nhưng có vẻ như cách này không hẳn an toàn.
"Có thể cần phải loại trừ hoàn toàn loại kháng thể IgG xuất hiện trong máu bệnh nhân COVID-19 nặng", nhóm nghiên cứu gợi ý.
Trả lời báo SCMP, một nhà dịch tễ người Trung Quốc sống ở Thượng Hải nhận xét nghiên cứu của Hà Lan xác nhận những gì họ nghi ngờ từ lâu, theo đó một số nghiên cứu của Trung Quốc cũng đã đi đến phát hiện tương tự về hiện tượng "bão cytokine" ở bệnh nhân COVID-19 nặng.
Vị chuyên gia bổ sung thêm rằng vai trò của kháng thể có thể phức tạp hơn những hiểu biết hiện nay. Ví dụ khoa học vẫn chưa rõ kháng thể tạo ra do vắc xin có gây ra phản ứng tương tự ở bệnh nhân nhiễm virus giai đoạn đầu hay không.
"Một điều chắc chắn: Chúng ta không thể đặt tất cả hi vọng vào kháng thể", ông chốt lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận