23/10/2022 08:58 GMT+7

'Phao cứu sinh' của sinh viên nghèo

LÊ TRUNG - ĐOÀN NHẠN
LÊ TRUNG - ĐOÀN NHẠN

TTO - "Thời của tôi ăn học rất khó khăn, lại mồ côi, đi làm thuê làm mướn để có tiền, đâu được như các em bây giờ là có phao cứu sinh như học bổng Tiếp sức đến trường, bởi vậy phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa".

Phao cứu sinh của sinh viên nghèo - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường (phải) và chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng Phạm Phú Tâm trao học bổng cho tân sinh viên - Ảnh: TẤN LỰC

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường nhắn nhủ 100 tân sinh viên Quảng Nam - Đà Nẵng nhận học bổng Tiếp sức đến trường 2022 do Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Quảng Nam, Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức tại Hội An hôm qua 22-10.

Con nhận học bổng, ba mẹ rơi nước mắt

Lẫn trong đám đông sinh viên làm thủ tục mở thẻ ngân hàng để nhận học bổng, vợ chồng ông bà Nguyễn Đình Thế (50 tuổi) - Hà Thị Xuân Hiền (46 tuổi) cho biết đèo nhau trên chiếc xe máy cũ kỹ vượt gần 80km từ huyện Tiên Phước đến điểm trao học bổng. Nguyễn Hà Diệu Khuyên - cô con gái đầu của họ - vừa trở thành tân sinh viên ngành kiểm toán Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng. 

"Lúc nghe điện thoại thông báo con mình được nhận học bổng, vợ chồng tui chẳng dám tin, còn tưởng người ta lừa đảo. Khi biết sự thật, chúng tôi mừng rơi nước mắt" - bà Hiền xúc động.

Khuyên là con gái đầu trong ba chị em, đậu đại học đã vui nay nhận học bổng niềm vui ấy bội phần. Không vui sao được khi gia cảnh quá khó khăn, các con đang tuổi ăn học, bà Hiền bị bệnh Parkinson hành hạ, quanh năm túng thiếu. 

Tiền cho con bốn năm phía trước là quá sức với người cha lam lũ ấy. Khuyên hiểu nỗi lòng cha mẹ, bạn xin vào ở ký túc xá, đã hỏi vài chỗ kiếm việc làm. "Tranh thủ chuyến này hai vợ chồng tui ghé thăm chỗ ăn ở của nó ra sao mới yên lòng" - ông Thế bộc bạch.

Khá xúc động, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường kể câu chuyện ông mồ côi từ năm lên 8, tự vươn lên nên hiểu hơn ai hết nỗi khó khăn của các bạn. Tự ông phải sửa lại chiếc xe đạp cà tàng của mình để một buổi đến trường, một buổi chạy xe đạp thồ kiếm tiền ăn học. 

"Tôi từng chứng kiến cảnh một gia đình khi con nhận giấy báo trúng tuyển đại học, ba mẹ bán từng tấm tôn lợp nhà, từng cây gỗ cột để lấy tiền cho con đến trường. Hồi ấy chúng tôi đi học phải làm thuê làm mướn nhưng luôn cố gắng" - ông Cường nói.

Ông Cường nói rất trân trọng và xúc động khi biết đã có hơn 22.000 tân sinh viên được chương trình giúp đỡ, và cảm kích việc các thành viên câu lạc bộ, báo Tuổi Trẻ đã duy trì chương trình này để ngày càng có thêm nhiều sinh viên ngặt nghèo được giúp. Ông ví chương trình như chiếc "phao cứu sinh" cho tân sinh viên. 

"Các anh chị có tâm rất lớn với các em, đã thả "phao cứu sinh" nên các em càng phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa, trân trọng suất học bổng, vượt qua khó khăn, đừng bao giờ tủi thân. Hãy luôn nghĩ phía trước là chân trời sáng, nhiều hy vọng, phấn đấu học tập, trở thành người tốt, đóng góp cho xã hội" - ông Cường nhắn nhủ.

Phao cứu sinh của sinh viên nghèo - Ảnh 2.

Ba mẹ sửa soạn cho con gái Nguyễn Hà Diệu Khuyên (Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) trước giờ vào lễ trao học bổng - Ảnh: TẤN LỰC

Lương tháng đầu tiên mua thuốc bổ cho ngoại

Video: Nghị lực vượt khó của hai nữ sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ

Khi clip hai tân sinh viên Nguyễn Thị Nữ và Đặng Thị Thanh Tâm bật trên màn hình, hội trường nín lặng, và những giọt nước mắt đã rơi. Hai cô bạn đều mồ côi cha mẹ rất sớm. Nữ đỗ vào ngành giáo dục mầm non Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, Tâm là tân sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật y dược Đà Nẵng.

Bà Nguyễn Thị Bồng (74 tuổi) bước lên sân khấu, ôm chầm lấy cô cháu ngoại Thanh Tâm sau thời gian không gặp từ lúc cháu ra Đà Nẵng đi học. 

Dân làng Lạc Thành Đông, xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) quen gọi bà Bốn Bồng bởi hết bồng con rồi lại bồng cháu. Ba mẹ Tâm mắc bệnh hiểm nghèo mất từ lúc cô bé mới 5 tuổi. "Ba đâu, mẹ đâu bà ơi? Những lúc con bé hỏi, tôi như đứt từng khúc ruột" - bà Bồng xúc động.

Tâm chọn ngành xét nghiệm cũng vì ba và mẹ Tâm đều mất vì bệnh, bạn muốn có thể giúp điều gì đó cho những người mắc bệnh hiểm nghèo như ba mẹ. 

"Ngoại cả đời khổ cực, tằn tiện nuôi con, nuôi cháu, không dám ăn, áo quần mới chẳng dám mua. Tháng lương đầu tiên sau này em sẽ mua thực phẩm tốt cho sức khỏe, thuốc bổ cho bà ngoại" - Tâm chia sẻ.

Đã quen cảnh không mẹ cha, anh em Nữ đùm bọc lẫn nhau từ bé. Ra Đà Nẵng ở trọ một mình, trận mưa lũ lịch sử mới đây làm phòng trọ ngập sâu 2m, áo quần, sách vở, vật dụng hư hết, khó lại càng khó. Chọn ngành giáo dục mầm non, Nữ muốn sau này được chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ mồ côi như mình.

Đồng cảm, ông Nguyễn Thành Sang (Palm Garden Resort) - thành viên tích cực trong câu lạc bộ - xúc động nói mình mồ côi năm 10 tuổi, khổ lắm nhưng đây cũng là động lực để mình vượt qua khó khăn và thấy rất tự hào vì được tiếp lửa cho các bạn.

"Tôi nghĩ khó khăn thời nào cũng có. Thời của tôi khó khăn kiểu này, thời các bạn khó khăn kiểu khác. Thời chúng tôi vì sống trong chiến tranh, nhiều anh chị còn mồ côi từ sớm, tự bươn chải nuôi sống mình. Những suất học bổng các năm qua đều là sự chung tay rất lớn của rất nhiều anh chị trong câu lạc bộ", ông Phạm Phú Tâm - chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng - mở lời và mong học bổng chỉ là phần nhỏ, tiếp sức ban đầu, phần còn lại phải là sự nỗ lực của sinh viên.

Video: 100 suất học bổng 'Tiếp sức đến trường' đến với sinh viên Quảng Nam - Đà Nẵng

1,5 tỉ đồng tiếp sức sinh viên

Lễ trao học bổng cho tân sinh viên Quảng Nam - Đà Nẵng mở đầu chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2022, chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần thứ 550 của báo Tuổi Trẻ.

Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng tài trợ hơn 1,5 tỉ đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam hỗ trợ quà tặng, Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tặng bốn laptop cho sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập.

Câu lạc bộ cũng tặng 10 phần thưởng (150 triệu đồng) do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam ủng hộ cho 10 em từng nhận học bổng có thành tích học tập khá giỏi, nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào, vì cộng đồng.


Hãy hứa các em sẽ không buông tay!

Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Nguyễn Hoàng Nguyên nói chính khát vọng của tân sinh viên với những câu chuyện vượt khó được kể bằng hàng ngàn lá thư trên khắp cả nước đã thôi thúc nhiều hoạt động hết sức nhân văn, ý nghĩa cùng chung tay tiếp sức cho tân sinh viên bước vào ngưỡng cửa đại học, cao đẳng.

Khát vọng ấy luôn làm nóng trang báo Tuổi Trẻ sau mỗi kỳ tuyển sinh, giúp những người làm báo được làm cầu nối giữa bạn đọc với các em.

"Hiện tại các em còn nghèo khó, cần sự đồng hành của chúng tôi nhưng tương lai sắp tới do chính các em quyết định. Hãy hứa rằng các em sẽ không buông tay. Có nghị lực, tôi tin các em sẽ thành công" - ông Nguyên nhắn nhủ.

Phao cứu sinh của sinh viên nghèo - Ảnh 7.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

20 mùa 20 mùa 'Tiếp sức đến trường': Trao 100 suất học bổng sinh viên Quảng Nam - Đà Nẵng

TTO - Sáng 22-10, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Quảng Nam và Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho 100 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Quảng Nam - Đà Nẵng.

LÊ TRUNG - ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên