03/11/2019 11:39 GMT+7

Phận 'người hộp' đi lậu vào Anh

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Những người từng trải qua gọi hành trình đó là "đường một chiều": chỉ có chiều đi và chẳng thể quay lại. Năm 2018, người Việt đứng thứ 3 tại Anh về số nạn nhân của bọn buôn người và nô lệ hiện đại, trên cả Trung Quốc.

Phận người hộp đi lậu vào Anh - Ảnh 1.

Thân phận những người Việt bị ép đi trồng cần sa là bạc bẽo nhất khi mạng của họ còn không bằng những cây cần sa - Ảnh: Cảnh sát Anh

Ranh giới giữa "khách hàng" của bọn tổ chức vượt biên và trở thành "nạn nhân của bọn buôn người" rất mỏng manh. Vì họ có thể trả tiền bước đầu để đi, nhưng khi đến được đích họ bị đẩy vào những trang trại trồng cần sa hay nhà thổ, bị bóc lột lao động để trả lại số tiền còn thiếu.

Để giữ bí mật, những kẻ tổ chức đường dây vượt biên không cho các "khách hàng" của chúng biết họ đang ở đâu và sắp đi đâu vào ngày mai. Năm 2017, 16 người Việt Nam được chính quyền Ukraine tìm thấy ở Odessa đã khai rằng họ nghĩ mình đang ở Pháp.

Nhiều người không đủ tiền bỏ ra để chọn "vé VIP" bằng máy bay chấp nhận trở thành "người hộp" thường xuyên ẩn nấp trong không gian kín để tránh sự khám xét trên đường bộ qua nhiều nước và chui vào container đông lạnh để vào Anh bất hợp pháp.

Chuyến đi vạn dặm

Hành trình bắt đầu từ Trung Quốc, nơi người ta vứt bỏ tất cả các giấy tờ tùy thân và nhận lấy hộ chiếu giả để sang Nga, từ đó đi bộ qua Đông Âu đến Tây Âu.

Họ ăn bất cứ thứ gì được tìm thấy trên đường, uống nước từ tuyết tan và băng rừng trong những đêm lạnh lẽo, cô tịch để tránh bị phát hiện

Phần lớn những kẻ tổ chức đường dây sẽ đưa "khách hàng" tới Pháp và Hà Lan, nơi các băng đảng trú đóng tại đây, thường là của người Kurd và Albania, gần đây còn có Bắc Ireland, làm nốt việc còn lại là "đưa hàng sang Anh".

Họ được phát cho những túi nhôm để chui vào trong, kể cả khi container đã bật máy đông lạnh, chỉ để cảnh sát không phát hiện được người trốn bên trong bằng máy quét ảnh nhiệt, theo điều tra của báo New York Times.

Phận người hộp đi lậu vào Anh - Ảnh 2.

Vụ 39 thi thể trong container ngày 23-10 là hồi chuông cảnh tỉnh nhiều người - Ảnh: REUTERS

"Có 3 tên hộ tống tôi suốt quãng đường từ Việt Nam sang Nga và Pháp. Tôi bị kẹt ở Nga khoảng 4 tháng và trong thời gian đó, một trong những kẻ trên đã cưỡng hiếp tôi. Khi đến Pháp, chúng giao tôi cho 2 tên khác.

Tôi nhận ra 2 tên này chính là người đã tiếp cận và ngã giá với tôi tại Việt Nam. Trên đường tới Anh, ở mỗi điểm dừng chân, chúng lại gặp và nói chuyện với mỗi nhóm khác nhau. May mắn là cuối cùng tôi cũng tới được Anh", một phụ nữ Việt ấm ức kể lại với điều tra viên của Tổ chức di cư quốc tế (IMO).

Vài giờ trong container đông lạnh chỉ là màn khởi đầu của chuỗi những tháng ngày bị chính đồng bào của mình đối xử khắc nghiệt trên đất khách. Họ tiếp tục bị các băng buôn người, tổ chức vượt biên kiểm soát.

Để trả hết nợ, họ phải cúi mặt trước các ông trùm tiệm nail (làm móng) và phổ biến, bạc bẽo nhất là phận của những người bị ép đi trồng cần sa.

Phận người hộp đi lậu vào Anh - Ảnh 3.

Một tiệm nail của người Việt ở London - Ảnh chụp màn hình New York Times

"Không sợ khổ, chỉ sợ mắc nợ"

Ước tính mỗi năm có khoảng 18.000 người Việt Nam trả tiền cho những kẻ tổ chức đường dây vượt biên để đến châu Âu, với giá từ 8.000-18.000 bảng Anh.

Ở Anh, nơi chính sách từ Brexit có khả năng ngăn cản dòng lao động tự do từ Đông Âu, những người di cư từ các khu vực khác nhìn thấy cơ hội lớn ở một đất nước đang khát lao động tay chân và dễ dàng trả gấp 5 lần số tiền họ có thể kiếm được ở quê nhà. 

Tại đây họ cũng chẳng phải chịu những ánh mắt khinh thường, những cú sốc về bản sắc và văn hóa lớn như những nước châu Âu khác.

Đôi mắt họ mở to nhưng chẳng thấy được những nguy cơ đằng sau việc ra đi bất hợp pháp. Khi đột nhiên hàng xóm của bạn xây lại nhà cao cửa đẹp hoặc mua được những chiếc xe đắt tiền, bạn sẽ có cảm giác cũng muốn gia đình mình như thế. Họ là như thế, sẵn sàng trả bất cứ giá nào"

Báo New York Times

"Những người xung quanh tôi rỉ tai nhau về thiên đường mới ở Anh. Họ bảo đất nước đó dễ làm ăn và sinh sống lắm. 

Họ còn nói nếu tôi không đi mà cứ ở mãi dưới quê, tôi sẽ chẳng bao giờ ngóc đầu lên nổi và trả hết nợ. Tôi không sợ cực khổ. Tôi chỉ sợ mắc nợ", một người Việt đã vượt biên sang Anh bộc bạch với điều tra viên của IMO.

"Tôi luôn khuyên họ hãy ở nhà", Simon Thang Duc Nguyen - linh mục Việt Nam tại một nhà thờ phía đông London - chia sẻ với New York Times. "Tôi bảo họ cho dù có nghèo, vẫn còn mạng để sống. Còn hơn ở đây có khi được tiền nhưng chẳng còn mạng để giữ".

Theo Đại sứ quán Anh, tính đến hết năm 2018 đã có 6.985 người nghi là nạn nhân của bọn buôn người được tiếp nhận bởi "Cơ chế chuyển tuyến quốc gia".

Đây là một cơ chế xác minh và bảo vệ những người nghi là nạn nhân của bọn buôn người, giúp kết nối họ với các cơ quan chăm sóc nạn nhân, chính quyền địa phương hoặc các dịch vụ hỗ trợ xin tị nạn để có những hỗ trợ phù hợp.

Trong số này có 702 người Việt, chỉ sau Albania (947 người) và trên cả Trung Quốc đứng thứ 3 với 451 người.

Đại sứ Anh ở VN: Không tưởng tượng được nếu mình là người nhà của 39 nạn nhân Đại sứ Anh ở VN: Không tưởng tượng được nếu mình là người nhà của 39 nạn nhân Cảnh sát Anh cũng khóc Cảnh sát Anh cũng khóc Con đường chết chóc tìm miền đất hứa  - Kỳ 4: Vỡ mộng ở Anh Con đường chết chóc tìm miền đất hứa - Kỳ 4: Vỡ mộng ở Anh
DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0