19/12/2022 17:07 GMT+7

Phản hồi 19-12: 'Bỏ đề cương, bài mẫu chỉ giải quyết phần ngọn?', phần gốc là gì?

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - "Một người lỡ vay, cả họ bị đòi"; "Bỏ đề cương, bài mẫu: Cũng chỉ giải quyết phần ngọn mà thôi, Bỏ thi cử ở mỗi lớp, thay đổi cách đánh giá kết quả học tập, thì mới là làm triệt để"... là các ý kiến phản hồi đáng chú ý trong ngày 19-12.

Phản hồi 19-12: Bỏ đề cương, bài mẫu chỉ giải quyết phần ngọn?, phần gốc là gì? - Ảnh 1.

Cô Đào làm công nhân may, tự dưng bị đòi nợ - Ảnh: VŨ TUẤN

Một người lỡ vay, cả họ bị đòi!

Câu chuyện những kiểu đòi nợ như xã hội đen lộng hành khủng khiếp, lại một lần nữa khiến dư luận phẫn nộ. Tại sao không dẹp được dứt điểm tình trạng này? Nhiều bạn đọc đã bức xúc hỏi như vậy.

Dưới đây là những bức xúc và hiến kế của bạn đọc gởi đến phần Phản hồi trong ngày:

- Gia đình tôi cũng là nạn nhân tương tự thế này, vì chị dâu vay trong thầm lặng, vay có 30 triệu đồng nhưng đóng lãi cả năm trời lên tới cả 100 triệu đồng mà trả không hết gốc. Sau này bể ra thì mới biết.

Ý kiến bạn đọc Cong Phuc

- Tôi nghĩ là chuyện bắt những kẻ này rất đơn giản, chỉ cần tung người vào vay xong kêu nó lại lấy tiền là bắt trọn ổ ngay thôi, nếu nó bắt chuyển khoản thì phong tỏa tài khoản và tìm theo chủ tài khoản (những tài khoản này thường là thật chứ không ảo giống lừa đảo).

Ý kiến bạn đọc Huynh Quoc Vuong

- Hiện nay, thường bị các cuộc gọi từ số điện thoại lạ đòi nợ, dù mình không hề nợ ai. Chặn số lạ đó xong thì lại bị số điện thoại lạ khác gọi tới vô cùng phiền phức. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý dứt điểm hiện tượng các số lạ này làm phiền.

Ý kiến bạn đọc Võ Tá Kim

- Mong rằng người dân sẽ được truyền thông những kiến thức cơ bản về tài chính, về vay nợ, đồng thời cần phải có cơ chế để bảo vệ những người không liên quan đến con nợ để xã hội được bình yên hơn!

Ý kiến bạn đọc Tuấn 123

- Vẫn biết có cầu thì có cung, nhiều người rất tội, không có tiền thì phải đi vay để trang trải, giải quyết công việc. Tuy nhiên lãi cao quá như vậy thật tội nghiệp người ta quá. Đa số là người lao động nghèo vất vả, làm thiếu trước hụt sau... Mong Nhà nước mạnh tay dẹp các dịch vụ kiểu này và có hướng hỗ trợ tốt hơn cho người lao động.

Ý kiến bạn đọc Đình Thắng

Phản hồi 19-12: Bỏ đề cương, bài mẫu chỉ giải quyết phần ngọn?, phần gốc là gì? - Ảnh 3.

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Huệ, quận 1 trong ngày đầu tiên đến trường - Ảnh: H.HG.

Bỏ đề cương, bài mẫu: Cũng chỉ giải quyết phần ngọn mà thôi

Những ngày gần đây, thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM yêu cầu các trường tiểu học không được soạn đề cương, bài mẫu cho học sinh học thuộc lòng để làm bài kiểm tra cuối học kỳ đang là chủ đề thảo luận sôi nổi của phụ huynh, giáo viên trên mạng xã hội.

Trong đó, đa số ý kiến đều cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng để loại bỏ dần tình trạng học vẹt, học tủ vốn đã tồn tại từ rất lâu ở các trường; là một bước chuyển không thể thiếu trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục...

Ủng hộ quan điểm này, bạn đọc Minh Dân viết: "Đã đến lúc phải bỏ kiểu học vẹt, thi vẹt như vậy. Dạy học sinh theo kiểu đề cương, bài mẫu chính là làm thui chột sự sáng tạo, thui chột khả năng tư duy, khả năng tự học của các em".

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, với khối lượng kiến thức quá nhiều, không có đề cương để "khoanh vùng" lại bớt thì không thể học nổi.

Về ý này, gởi đến mục Phản hồi trong ngày, bạn đọc nick name B.N. viết: "Lúc trước tôi đi học, môn nào được thầy cô cho đề cương là mừng lắm. Còn môn nào mà thầy cô phán "trong sách có nhiêu học hết" là thấy rầu".

Theo bạn đọc này, trong khi sự học hiện nay có quá nhiều kiến thức nhồi nhét, thì việc ra đề cương, bài mẫu là giảm tải cho học sinh.

Bạn đọc này phân tích: "Thứ nhất là khối lượng kiến thức quá nhiều. Thứ hai là một số môn vẫn còn ra đề kiểu ghi nhớ kiến thức. Học sinh, sinh viên đi học không chỉ có 1 môn. Tới kỳ thi, học một lần 4-5 môn, môn nào cũng phải nhớ, không có đề cương để "khoanh vùng" lại bớt thì không thể học nổi".

Ủng hộ quan điểm trên, bạn đọc Huy Long bổ sung: "Tôi cảm thấy giáo viên ra đề cương và bài mẫu như vậy cũng là để giảm tải và gói gọn nội dung học để thi cho các cháu. Vì thật ra ngay chính giáo viên cũng như phụ huynh đều thấy rõ khối lượng các bài học để ôn tập mà thi quá nhiều. Nếu bỏ đề cương đó thì các cháu phải ôn từ đầu đến cuối, biết bao nhiêu thời gian cho đủ".

"Tóm lại muốn bỏ các đề cương, mẫu ôn thi như vậy thì chúng ta phải mạnh dạn cắt bỏ bớt chương trình, thậm chí cả kỳ thi giữa kỳ, phải thật tinh gọn thì mới đi sâu vào hiệu quả được, chứ cái gì cũng học cũng thi mà quỹ thời gian của bé chỉ bao nhiêu đó thì không thể nào đạt được" - bạn đọc Huy Long nêu ý kiến.

Dung hòa 2 luồng ý kiến, bạn đọc Thanh Tùng nêu quan điểm: "Bỏ đề cương, bài mẫu thì cũng chỉ là xử lý phần ngọn. Bỏ thi cử ở mỗi lớp, thay đổi cách đánh giá kết quả học tập, thì mới là làm triệt để".

Bạn quan tâm và muốn chia sẻ thêm điều gì về vấn đề trên? Theo bạn, làm cách nào để xoá tận gốc vấn nạn cho vay nặng lãi? Bạn ủng hộ việc bỏ đề cương, bài mẫu hay đề xuất giải pháp khác?

Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến phản hồi trong ngày qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.

Bỏ đề cương, bài mẫu: Được không? Bỏ đề cương, bài mẫu: Được không?

TTO - Thông tin Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường tiểu học không được soạn đề cương, bài mẫu cho học sinh học thuộc lòng để làm bài kiểm tra cuối học kỳ đang là chủ đề thảo luận sôi nổi của phụ huynh, giáo viên trên mạng xã hội.


TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên