Sau khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất Chính phủ phân lại vùng tiền lương tối thiểu, nhiều địa phương cho rằng việc điều chỉnh này sẽ đảm bảo quyền lợi cho người lao động, góp phần giúp các địa phương thu hút lao động...
Các tỉnh được đề xuất điều chỉnh nhiều nhất là Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Bắc Giang... Chẳng hạn, Thanh Hóa được đề xuất từ vùng III lên vùng II với TP Thanh Hóa, Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, Bỉm Sơn và vùng IV lên vùng III với các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Nông Cống.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Vũ Thị Hương, giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, cho biết mức lương tối thiểu vùng ở nhiều địa bàn trong tỉnh còn thấp, chưa tương đồng với các tỉnh lân cận như Nghệ An, Ninh Bình. Việc phân lại vùng lương còn thu hút nhân lực, đảm bảo quyền lợi cho người lao động vì nhiều doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm xã hội bằng mức tối thiểu vùng.
Theo đại diện một doanh nghiệp tại Thanh Hóa, doanh nghiệp đã chủ động trả lương cao hơn rất nhiều so với mức lương tối thiểu vùng trên địa bàn, đảm bảo mức sống thông thường và có tích lũy cho người lao động. Việc này nhằm giữ chân nhân sự giỏi, thay thế vị trí nghỉ hưu, mở rộng hoạt động kinh doanh.
Long An cũng được đề xuất, điều chỉnh vùng II lên vùng I với TP Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức và vùng III lên vùng II với thị xã Kiến Tường. Theo UBND tỉnh Long An, TP Tân An là đô thị "cửa ngõ" của vùng ĐBSCL. Các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc giáp ranh với nhiều quận huyện của TP.HCM với điều kiện sinh hoạt, giá cả thị trường, mức sống khá tương đồng với nhau.
Lương tối thiểu theo phân vùng mới sẽ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong khi đó, thị xã Kiến Tường có Khu kinh tế cửa khẩu và Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, giáp ranh tỉnh Svay Rieng của Campuchia. Việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng II sẽ thu hút người lao động đến đây làm việc, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an ninh.
Doanh nghiệp sẽ thích nghi tăng lương tối thiểu vùng
Theo quy định hiện nay, lương tối thiểu vùng I là 4,68 triệu đồng/tháng, vùng II đạt 4,16 triệu đồng/tháng, vùng III là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng IV đạt 3,25 triệu đồng/tháng. Dự kiến từ 1-7 tới, mức lương này tăng 6%.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc điều chỉnh vùng của các địa phương nhằm tạo sự cân đối, hợp lý về giá nhân công giữa các địa bàn lân cận. Phương án trong đề xuất đã tính đến các tác động về việc làm, thất nghiệp, điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Đức Chí, phó tổng giám đốc Công ty TNHH cung ứng nhân lực Nhân Kiệt, cho biết khi tăng lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp phải tăng kinh phí tham gia bảo hiểm cho người lao động.
Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức này, doanh nghiệp thường ký đơn hàng từ đầu năm hoặc năm trước nên sẽ có kế hoạch, thiết kế biểu giá phù hợp với quy định của Chính phủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận