Sáng nay 20-12, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ hai về tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động.
Hiện lương tối thiểu vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng. Còn lương tối thiểu giờ vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Vì sao đề xuất tăng lương tối thiểu vùng?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 20-12, ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, phó chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho hay bối cảnh kinh tế đã có nhiều khởi sắc, cuối năm đơn hàng của doanh nghiệp đã tăng nhiều.
Do vậy, đại diện Công đoàn hy vọng các bên sẽ có tiếng nói chung để thống nhất lương tối thiểu vùng đáp ứng nhu cầu của người lao động, nhất là trong bối cảnh lương của khu vực công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ tăng.
"Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất khoảng 6,5 - 7,3% trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế - xã hội nhiều mặt", ông Hiểu nói.
Lý giải thêm, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết phía Tổng liên đoàn không đặt mục tiêu tăng lương tối thiểu từ 1-1-2024 vì những thủ tục pháp lý.
"Việc lùi một khoảng thời gian cũng là yếu tố cần phải nâng mức tăng để bù đắp cho người lao động", ông Ngọ Duy Hiểu nói.
VCCI nói gì về mức tăng lương tối thiểu vùng?
Trong khi đó, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Hoàng Quang Phòng cho rằng cần điều chỉnh lương tối thiểu vùng, tuy nhiên mức tăng thế nào cần thương lượng, đàm phán, hài hòa các bên.
Để có mức tăng cụ thể, các cơ quan liên quan sẽ cân đối chỉ số giá tiêu dùng, năng lực sản xuất, chi trả và nhiều điều kiện khác.
Ông Phòng nhấn mạnh doanh nghiệp còn khó khăn, nên trao đổi, đành rằng cần điều chỉnh trong thời gian tới bởi khu vực công sẽ điều chỉnh nên khu vực doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh.
Thực tế, thị trường khó khăn cả trong nước và quốc tế, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, tình hình quốc tế ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, đơn hàng của doanh nghiệp giảm, việc làm của người lao động bị giảm. Doanh nghiệp thoát ly khỏi thị trường vẫn còn nhiều.
Bên cạnh giữ việc làm, doanh nghiệp cũng phải tính đến điều chỉnh chế độ cho người lao động căn cứ với sức chịu đựng, năng lực chi trả của doanh nghiệp, theo ông Phòng.
"Mặc dù rất khó khăn nhưng không thể không điều chỉnh. Tôi hy vọng Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ thống nhất một con số cụ thể", ông Phòng nêu rõ.
Công nhân ngóng tăng lương
Theo anh Phương, đơn hàng bị giảm, nhiều người phải nghỉ làm song anh vẫn bám trụ để có tiền gửi về Phú Thọ để ông bà nuôi cháu. "Trước đây mình phải dành 5-6 triệu đồng/tháng để mua sữa, bỉm cho con nhưng giờ chỉ cần gửi về 2-3 triệu. Trăm sự nhờ ông bà vì mình còn tiền nhà, tiền trọ", Phương bày tỏ.
Do bị giảm việc, anh công nhân này chỉ nhận lương cứng gần 5,7 triệu đồng/tháng vì không được tăng ca. "Mình chỉ mong được tăng lương, ít nhiều cũng tốt. Nếu sắp tới kinh tế còn khó khăn, hai vợ chồng sẽ về quê tìm việc và học nghề rồi mở quán kinh doanh", anh nói.
Trong khi đó, chị Thơm, 33 tuổi, công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), cho hay dù có thâm niên 10 năm đi làm nhưng lương cơ bản chỉ được khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Những tháng này, công ty không tăng ca, chị phải tằn tiện hơn trong chi tiêu vì hai vợ chồng phải lo hai con nhỏ. Để tiết kiệm, ông bà còn gửi gạo, rau củ quả từ quê lên cho gia đình.
"Mình chỉ mong tăng lương để có đồng ra đồng vào mua thêm đồ ăn cho các cháu", chị Thơm chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận