19/12/2023 14:38 GMT+7

Tăng lương tối thiểu vùng: Khó làm kịp cho đầu năm mới

Tin tức từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết sáng 20-12, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024.

Công nhân sản xuất trong xưởng tại Công ty Green PrecisonComponents Việt Nam - Ảnh: HÀ QUÂN

Công nhân sản xuất trong xưởng tại Công ty Green PrecisonComponents Việt Nam - Ảnh: HÀ QUÂN

Gần nhất, hội đồng này đã thống nhất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1-7-2022.

Khó tăng lương tối thiểu vùng ngay

Theo ông Tống Văn Lai - phó cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Hội đồng Tiền lương quốc gia có vai trò sẽ thương lượng, thống nhất mức điều chỉnh tiền lương và tư vấn cho Chính phủ xem xét, quyết định.

Như vậy mong muốn tăng lương tối thiểu vùng tăng ngay từ ngày 1-1-2024 gần như khó có thể xảy ra. Lý do là Hội đồng Tiền lương quốc gia phải thương lượng, thống nhất mức điều chỉnh tiền lương và tư vấn cho Chính phủ xem xét, quyết định. Việc này đòi hỏi thời gian nhất định.

Hội đồng Tiền lương quốc gia muốn thống nhất đề xuất điều chỉnh lương phải có sự đồng ý của các bên gồm Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - nêu rõ cách đây 4 tháng, Công đoàn đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng khoảng 5%.

Tuy nhiên, đề xuất trên có thể thay đổi khi Hội đồng Tiền lương quốc gia họp trở lại bởi Công đoàn phải khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng "bức tranh" kinh tế, "sức khỏe" của doanh nghiệp cũng như mong muốn của người lao động.

Trong 5 năm qua, Công đoàn đã đề xuất tăng lương tối thiểu vùng khoảng 25,3%. Thời gian tới, cơ quan này tiếp tục giám sát việc thực hiện thay đổi tiền lương, nghiên cứu kiến nghị sửa đổi lương tối thiểu vùng ở vùng đã phát triển...

Hiện lương tối thiểu vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng. Còn lương tối thiểu giờ vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

Công nhân "ngóng" tăng lương

Chị Nguyễn Việt Hà - công nhân Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh - cho biết nếu tăng ca thì lương được khoảng 7,3 triệu đồng/tháng, song số tiền này chỉ đủ trả tiền trọ, ăn uống, mua đồ sinh hoạt cá nhân.

Do vậy, công nhân này mong được tăng lương tối thiểu vùng vì kinh tế khó khăn nhưng sinh hoạt phí không giảm, gần Tết, ai cũng phải sắm sửa đồ đạc, mua quà về quê. "Nếu lương trên 10 triệu đồng thì mình có thể yên tâm làm việc", chị Hà bày tỏ.

Còn chị Trần Thị Ngọc - 37 tuổi, công nhân Khu công nghiệp Tân Trường, tỉnh Hải Dương - cho biết so với công nhân trẻ, chị có lương bằng cấp, thâm niên nên thu nhập khá hơn.

Tuy vậy, người phụ nữ này thổ lộ đơn hàng ít, tăng ca giảm, nên lương không được cao, cộng với khoản hỗ trợ không đáng kể nên cuộc sống phải chắt bóp, tiết kiệm.

"Mình mong Chính phủ sớm tăng lương cho công nhân để cuộc sống đỡ vất vả hơn. Năm tới, mình chỉ mong đều việc, có tăng ca, lương thưởng đầy đủ", chị Ngọc bộc bạch.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hà - 47 tuổi, công nhân công ty sản xuất keo dán tại quận 7, TP.HCM - cho biết đơn vị dù không bán được hàng song thu nhập không bị giảm sút.

"Mọi năm công ty đều có tăng lương theo đợt. Năm vừa rồi, tình hình khó khăn nên công ty không tăng lương. Năm tới mong công ty làm ăn được thì họ mới tăng, chứ giờ ế quá làm sao tăng được", chị Hà chia sẻ.

Doanh nghiệp "chờ" thông tin tăng lương chính thức

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Wu Chung Sheng - tổng giám đốc Công ty Green Precison Components Việt Nam - cho biết nếu tăng lương tối thiểu vùng thì sẽ ảnh hưởng đến công ty như tăng giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, ông cho biết công ty sẽ tuân thủ luật pháp, quy định của Chính phủ Việt Nam nếu có thông tin chính thức về việc tăng lương. "Chúng tôi sẽ tìm cách nâng cao hiệu quả làm việc của nhân viên, chất lượng sản phẩm để bù đắp việc tăng lương cho người lao động", ông Wu Chung Sheng bày tỏ.

Trong khi đó, đại diện phòng nhân sự một công ty 100% vốn Hàn Quốc tại Bắc Ninh bày tỏ các doanh nghiệp đều chờ thông tin chính thức về mức tăng lương tối thiểu vùng để báo cáo tập đoàn tính toán kế hoạch sản xuất.

Hiện, công ty đang trả lương chưa tăng ca là 5,5 triệu đồng/tháng, tức cao hơn lương tối thiểu vùng 2 tại địa bàn. Trước mắt, doanh nghiệp này sẽ cố gắng duy trì thưởng Tết Nguyên đán 2024 cho khoảng 6.000 người lao động, để họ gắn bó với đơn vị.

Đại diện một công ty may phía Bắc cho hay trong bối cảnh kinh tế năm 2023 khó khăn, công ty sẽ tính toán kế hoạch tăng lương phù hợp với thực tế. Để đồng hành cùng người lao động, công ty dự kiến thưởng tháng lương thứ 13 cho người lao động dịp Tết Nguyên đán.

Công đoàn công ty sẽ tổ chức Tết sum vầy, hỗ trợ xe đưa lao động về quê, chăm lo cho lao động khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Thùy Vân, chủ tịch công đoàn một công ty may mặc ở Khu chế xuất Linh Trung 2 (TP Thủ Đức, TP.HCM), cho biết: "Đa phần doanh nghiệp sẽ chỉ tăng lương định kỳ cho người lao động khi lương tối thiểu được điều chỉnh. Năm 2023 là một ví dụ khi lương tối thiểu được giữ nguyên và doanh nghiệp đã không tăng lương cho công nhân.

Trong khi đó đây lại là năm nhiều người lao động đã bị giảm thu nhập do không có tăng ca và phải nghỉ luân phiên cộng với vật giá liên tục tăng, tiền chợ búa tăng, điện nước tăng…", bà Vân bày tỏ.

Lương 8,61 triệu đồng là đủ sống ở thành phố lớn?Lương 8,61 triệu đồng là đủ sống ở thành phố lớn?

Kết quả một nghiên cứu về lương đủ sống tại Việt Nam của Viện nghiên cứu Anker (Anker Research Institute) vừa công bố cho thấy lương tối thiểu được áp dụng ở Việt Nam thường quanh mức 50% lương đủ sống.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên