Thứ 3, ngày 19 tháng 1 năm 2021
Phải có hành động cấp bách với ô nhiễm không khí
TTO - Khi những đợt ô nhiễm không khí xảy ra với tần suất dày hơn về số đợt, dài hơn về số ngày, mức độ ô nhiễm nghiêm trọng hơn về cấp độ, lại thêm những câu hỏi chính quyền, cơ quan quản lý đã có những hành động gì mang tính cấp bách để ứng phó?

Hành động cấp bách để đối phó với ô nhiễm không khí, cần có trách nhiệm của nhiều bộ ngành và chính quyền thành phố Hà Nội - Ảnh: TTO
Người dân thủ đô Hà Nội những ngày qua thêm một lần nữa gánh chịu đợt ô nhiễm không khí khủng khiếp đến mức tất cả các điểm quan trắc đều thể hiện chất lượng không khí rất xấu, thậm chí nguy hại.
Đây đã là đợt ô nhiễm không khí kéo dài lần thứ ba xảy ra trong năm, với mức độ tác động không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của hàng triệu hộ dân, nhưng lại thêm một lần nữa mỗi người dân phải tự đối phó theo cách của riêng mình.
Một lần nữa người dân phải đặt ra câu hỏi: chính quyền Hà Nội, cơ quan quản lý đã có những hành động gì mang tính cấp bách trong những ngày qua?
Việc làm duy nhất cũng chỉ dừng lại ở mức khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, sử dụng khẩu trang, điều đó là cần thiết nhưng chưa đủ và chưa đúng cấp độ ảnh hưởng.
Thực tế ở nhiều nước, trong những ngày ô nhiễm không khí cao điểm, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý đồng loạt thực hiện các giải pháp mang tính kích hoạt, tức họ đã có sẵn các phương án khi ô nhiễm cấp bách, từng ngành sẽ phải hành động khẩn cấp ra sao.
Để hành động cấp bách có trách nhiệm của nhiều bộ ngành và chính quyền thành phố Hà Nội.
Đầu tiên là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên - môi trường phải công bố kịp thời về chất lượng không khí từng ngày, thậm chí dự báo diễn biến chất lượng không khí những ngày tới để người dân, địa phương chủ động sớm trong ứng phó.
Tiếp đến là trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc khuyến cáo các biện pháp giảm thiểu tác động từ ô nhiễm không khí tới sức khỏe, đặc biệt là với những đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ nhỏ cần làm gì để giảm bớt bệnh lý về đường hô hấp.
Tiếp nữa là Bộ Giáo dục - đào tạo cần có sẵn phương án ô nhiễm không khí tới mức nào thì ban bố tình trạng đóng cửa các trường, cho học sinh nghỉ học.
Hiện nay mới chỉ có quy định những ngày rét đậm, rét hại dưới 9oC học sinh được nghỉ học, nhưng những ngày ô nhiễm không khí như vừa qua, xét về ảnh hưởng còn nặng nề hơn cả những ngày rét đậm, rét hại.
Và quan trọng hơn cả là hành động của chính quyền, cụ thể là thành phố Hà Nội, ít nhất cũng để người dân thấy chính quyền đang có những hành động, thực thi các giải pháp để giảm thiểu tác động tới đời sống, sức khỏe của người dân.
Đó có thể là thực hiện việc phun, rửa đường phố nhằm giảm bớt lượng bụi bẩn phát tán trong không khí. Thực hiện cao điểm kiểm tra các công trình xây dựng, các điểm phá dỡ công trình, sẵn sàng dừng thi công tất cả những nơi không đáp ứng quy định về ngăn bụi.
Kiểm tra bất thường các điểm quan trắc có chất lượng xấu đột biến, ngăn chặn kịp thời tình trạng đốt rác khiến chất lượng không khí xấu cục bộ. Kiểm soát chặt chẽ nguồn thải từ các làng nghề tái chế ở Hà Nội và các tỉnh.
Cần thiết thì có thể ban bố khuyến cáo đặc biệt, ngừng đun bếp than tổ ong, ngừng đốt rơm rạ, chất thải...
Khi những đợt ô nhiễm không khí xảy ra với tần suất dày hơn về số đợt, dài hơn về số ngày, mức độ ô nhiễm nghiêm trọng hơn về cấp độ, đến lúc cần thúc đẩy các giải pháp kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm theo đúng tính chất cấp bách, khẩn cấp.
X.L. ghi
-
TTO - 'Tụi em học hệ vừa học vừa làm, học ban đêm, ban ngày đi làm. Thấy tuyển dụng nhân viên siêu thị gần trường nên rủ nhau cùng đi phỏng vấn', Nhi (18 tuổi) kể.
-
TTO - Trên trang web của Nhà Trắng, bà Melania Trump đã gửi thông điệp chia tay đến người dân Mỹ trước khi chuẩn bị dọn đi sau ngày 20-1 tới.
-
TTO - Nghe nơi này có băng, nơi kia có tuyết, nhiều người thích thú, tò mò, rủ nhau đi trải nghiệm, chụp ảnh đăng lên mạng. Và nhiều người khác nhảy vào 'ném đá', bảo có gì đáng háo hức khi người dân địa phương bị chết mất trâu bò, hư hết hoa màu...
-
TTO - Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên - môi trường rà soát, báo cáo việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn về khí thải của phương tiện giao thông, yêu cầu Hà Nội, TP.HCM thu hồi, loại bỏ xe cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn.
-
TTO - Ngày này cách đây 47 năm (19-1-1974), Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhưng trong trái tim người Việt, quần đảo này vẫn mãi mãi là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận