03/01/2017 08:05 GMT+7

Phải biết người Nhật ăn gì, cần gì

XUÂN TOÀN - TRẦN MẠNH 
thực hiện
XUÂN TOÀN - TRẦN MẠNH 
thực hiện

TTO - Đó là thông điệp được ông Takebe Tsutomu - cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt, nguyên bộ trưởng Bộ Nông lâm, thủy sản Nhật Bản - đặt ra khi trao đổi với Tuổi Trẻ.

Ông Takebe Tsutomu - nguyên bộ trưởng Bộ Nông lâm, thủy sản Nhật Bản, trưởng ban tổ chức Lễ hội Nhật Bản - Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Takebe Tsutomu - nguyên bộ trưởng Bộ Nông lâm, thủy sản Nhật Bản, trưởng ban tổ chức Lễ hội Nhật Bản - Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Takebe Tsutomu cho rằng xu hướng doanh nghiệp Nhật đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở VN, sau đó sản phẩm về Nhật đang tăng rất nhanh. Tuy nhiên, để gia tăng sản lượng, doanh nhân và nông dân VN nên đến Nhật Bản xem người Nhật cần gì, ăn gì, theo tiêu chuẩn nào... để sản xuất, hay học cách làm nông của Nhật Bản.

“Phát triển nông nghiệp phải bảo tồn các giá trị văn hóa và đem lại sự thịnh vượng cho nông dân. Nếu doanh nghiệp không nhớ đến yếu tố này thì không những không có kết quả mà còn đem lại hậu quả khôn lường cho đất đai, môi trường và sức khỏe người tiêu dùng

Ông Takebe Tsutomu

Nên sang Nhật học hỏi

* Ông có thể nói rõ về nhu cầu cụ thể của thị trường Nhật đối với hàng nông sản cũng như xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật vào VN trong thời gian tới?

- Thời gian qua, thông qua mối hợp tác với các doanh nghiệp và nông dân VN, các doanh nghiệp Nhật đã đưa được nông sản chất lượng cao như cá ngừ, thanh long, xoài, chuối, gạo... vào thị trường Nhật Bản.

Gần đây cũng có thêm các đoàn doanh nhân Nhật đến nhiều vùng của VN để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư vào nông nghiệp như khoai lang, trồng gừng, rau củ...

Do hạn chế về đất đai và lao động nông nghiệp, các doanh nghiệp Nhật Bản rất chú trọng đến đầu tư vào nông nghiệp ở các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có VN. Vì vậy, tôi dự báo trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, hợp tác trong nông nghiệp giữa VN - Nhật không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp Nhật đến VN đầu tư mà còn theo hướng ngược lại.

Đó là những nông dân hoặc sinh viên VN trong ngành nông nghiệp có thể đến Nhật Bản để học cách làm nông dân, quản lý trang trại, kinh doanh trong nông nghiệp để sau này trở về VN xây dựng doanh nghiệp của riêng họ rồi xuất khẩu nông sản VN sang Nhật.

* Như ông vừa dự báo sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở VN, vậy môi trường đầu tư tại đây phải điều chỉnh như thế nào để tận dụng nguồn vốn cũng như công nghệ từ Nhật?

- Phải xác định một điều là sản phẩm nông nghiệp gắn với sức khỏe và tính mạng con người nên cần có những nghiên cứu để đầu tư đúng, tránh đi sai từ đầu. Do vậy, đầu tư nông nghiệp cần yếu tố kiên định, đi đến cùng của doanh nhân vì nông nghiệp chịu rủi ro nhiều bởi thiên tai.

Quan trọng nhất để VN và Nhật Bản hợp tác được với nhau trong lĩnh vực nông nghiệp là yếu tố con người, trong đó ý thức làm việc là quan trọng nhất. Bởi Nhật Bản đã ứng dụng các công nghệ cao trong nông nghiệp nhiều năm nay, các doanh nghiệp sẽ đem các công nghệ đó sang VN để đầu tư vào nông nghiệp.

Nếu không có con người hiểu về cách làm việc và ứng dụng công nghệ Nhật Bản thì không thể triển khai được.

Cách nhanh nhất để tiếp thu được công nghệ Nhật Bản là VN nên tìm cách để đưa lao động trẻ của mình sang Nhật học hỏi cách làm nông nghiệp mới, sau đó quay về nước phát triển nông nghiệp.

Phải hiểu tâm lý khách hàng Nhật

* Thưa ông, hàng rào kỹ thuật vào Nhật rất chặt và nhiều công đoạn nên hàng nông sản VN xuất khẩu vào thị trường này chỉ dừng ở mức thấp so với tiềm năng?

- Muốn bán được hàng thì phải hiểu khách hàng. Đầu tiên doanh nghiệp VN phải hiểu được tâm lý khách hàng Nhật Bản xem họ mong muốn gì, thích ăn cái gì.

Người Nhật cực kỳ quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm, đòi hỏi phải an toàn tuyệt đối. Muốn có sản phẩm tốt thì người sản xuất tại VN phải quan tâm đến cải tạo và bảo vệ đất đai, nguồn nước tưới.

Thời gian qua VN đã xuất khẩu được một số loại trái cây như xoài, thanh long và chuối sang Nhật. Tuy nhiên, các loại nói trên đều là trái cây và được dùng để tráng miệng tại Nhật, tức là thức ăn sau khi ăn bữa chính chứ không phải là thức ăn làm no bụng. Điều đó cũng có nghĩa là người ta sẽ dùng không nhiều lắm.

Trong khi đó, các loại thực phẩm dùng cho bữa ăn hằng ngày như cà rốt, hành tây, các loại rau, gừng... có khối lượng rất lớn thì VN lại xuất khẩu ít. Chỉ riêng hành tây, mỗi năm Nhật Bản nhập tới 250.000 tấn là một con số rất lớn, lớn hơn nhiều lần số lượng các loại trái cây chỉ ở mức vài ngàn tấn từ VN sang Nhật Bản.

Hiện Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu hành tây từ Trung Quốc. VN liệu có thể trở thành nhà cung cấp cho Nhật Bản được không? Hãy đến Nhật xem người Nhật đang ăn gì, cần gì nhiều nhất để tập trung phát triển và cung cấp cho họ.

* Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Nhật đã thông qua có thể không thành hiện thực khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp định này. Liệu điều đó có ảnh hưởng đến đầu tư vào nông nghiệp của Nhật vào VN?

- Nhật Bản là một trong những nước nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới, do đó vấn đề mất an ninh lương thực đối với Nhật là rất cao khi dân số ngày một già đi, người làm trong lĩnh vực nông nghiệp giảm xuống.

Cho nên người Nhật Bản sang VN đầu tư vào nông nghiệp trước hết là đầu tư cho an ninh lương thực của Nhật Bản trong tương lai chứ không đơn giản chỉ vì tận dụng lợi thế của thuế suất trong TPP.

Mỹ rút ra khỏi TPP là một trong những cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump. Cá nhân tôi không cho rằng hủy bỏ TPP là tốt cho nước Mỹ và nhiều niềm tin rằng họ sẽ tiếp tục tham gia TPP. Nhật Bản đã thông qua TPP và người dân Nhật Bản sẽ phải có những thay đổi để thích ứng với các điều kiện hội nhập mà TPP đem lại.

Công nghệ Nhật giúp năng suất nông sản VN tăng gấp 2 lần

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm kiếm đối tác đầu tư hợp tác sản xuất nông sản tại VN để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao xuất khẩu trở lại Nhật và các thị trường cao cấp khác.

Ông Kiuchi Hirokazu, tổng giám đốc Công ty CP Wago, cho hay vừa mới tìm được một đối tác tại Lâm Đồng để triển khai trồng và chế biến khoai lang Nhật xuất khẩu sang các thị trường châu Âu trong thời gian tới. Ông Kiuchi Hirokazu cho biết qua khảo sát phía Nhật cho thấy tiềm năng sản xuất khoai lang nói riêng và các loại nông sản tại VN nói chung vì có thể sản xuất quanh năm.

Với việc ứng dụng công nghệ Nhật vào sản xuất có thể nâng cao năng suất khoai lang tại VN lên gấp đôi trong thời gian tới.

XUÂN TOÀN - TRẦN MẠNH 
thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên