Tram sạc ôtô điện dùng pin năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng - Ảnh: PVOIL
Năm 2021, dù kinh tế phải chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, thị trường ôtô điện (EV) thế giới vẫn tăng trưởng bùng nổ. Theo Bloomberg NEF, năm 2021, ước tính 5,6 triệu EV được bán ra, tăng 83% so với năm 2020 và 168% so với năm 2019.
Tại nước ta, từ tháng 3 đến tháng 6-2021, 25.000 khách hàng đã đặt cọc mua VF e34 - mẫu ôtô điện đầu tiên của VinFast. Nếu so với sản lượng 400.000 xe bán ra một năm tại thị trường Việt Nam thì tỉ lệ này là 6,25%.
Làm gì để nuôi dưỡng, nhân lên nhu cầu tiêu dùng mới này?
Trở ngại lớn nhất với ôtô điện tại các nước nói chung và Việt Nam nói riêng là cung cấp điện. Một nghiên cứu của Deloitte cho biết: nước Anh cần 50 tỉ bảng cho giai đoạn 2020 - 2035 để đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải và phân phối điện cho xe điện và nhu cầu sưởi ấm. 2/3 trong số đó để kéo cáp ngầm, phần còn lại cho đường dây trên không và máy biến áp. Việc triển khai các công trình này chủ yếu ở khu vực bán đô thị, vùng ven đô.
Dự báo tới năm 2028, Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu ôtô điện được lưu hành. Hãy thử tính lượng điện cần cho vận hành số xe này. Thông thường, thời gian sử dụng ôtô nói chung chỉ là 10%, tức là 1 triệu ôtô điện thì chỉ có 100.000 chiếc đang hoạt động, hay 100.000 xe cần sạc điện cùng thời gian.
Nếu trung bình khối pin của mỗi xe là 25kW, tổng công suất nguồn điện cần để sạc là 100.000 x 25kW, bằng 2,5 triệu kW hay 2.500MW, tức 2,5GW. Tổng công suất này đã vượt 1,3 lần tổng công suất lắp đặt của Nhà máy thủy điện Hòa Bình 1,92GW.
Nhưng không phải quá lo cho nguồn điện, vì Quy hoạch điện VIII đang được điều chỉnh, hơn nữa nước ta rất giàu tiềm năng và đang phát triển mạnh mẽ nguồn điện tái tạo, như điện mặt trời, điện gió, thủy điện tích năng, điện sinh khối…
Nan giải nhất vẫn là đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải, phân phối và sử dụng điện sao cho hiệu quả.
Trụ sạc nhanh DC 60 kW - Ảnh: VinFast
Đa phần những khách hàng quan tâm EV là giới trẻ sống ở chung cư của các thành phố lớn. Giả sử một tòa chung cư nào đó, nhất là các chung cư cũ, giờ có thêm vài chục chiếc ôtô điện, thì hệ thống điện có quá tải không? Một tổ dân phố với vài chục hộ gia đình, lâu nay hay bị cắt điện vì quá tải cả đường truyền tải và máy biến áp, nay cần thêm điện cho ôtô điện, ai sẽ lo việc này?
Tới nay, VinFast đã lắp đặt khoảng 10.000 trụ sạc, trong tổng số 40.000 trụ dự kiến, với mục tiêu phủ khắp các tỉnh thành cả nước. Các tổ chức và cá nhân cũng rất sẵn lòng hợp tác để VinFast triển khai, lắp đặt các trạm hoặc trụ sạc tại phần đất thuộc quyền sử dụng của mình. Việc này coi vẻ đã sẵn sàng, tạo tiền đề cho ôtô điện lưu hành trong tương lai gần, nay chỉ còn mong chờ ngành điện nỗ lực, sát sao hơn trong công cuộc điện hóa ôtô.
Từ năm 2017, EVN đã xây dựng, lắp đặt một số trạm sạc xe điện đầu tiên, dùng điện mặt trời. Năm 2020, Tổng công ty Dầu (PVOI), thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đã phối hợp với Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) lắp đặt, thử nghiệm trạm sạc xe điện tại Đà Nẵng.
Hiện nay giá bán điện của Điện lực Việt Nam (EVN) được phân chia theo bậc thang và mục đích sử dụng, như sinh hoạt, sản xuất, dịch vụ… Khi tính toán chi phí sạc điện cho xe tại trạm sạc do mình đầu tư lắp đặt, VinFast có thể đã lấy giá điện sinh hoạt bậc 5 của EVN làm cơ sở (tính cả VAT là 3.117 đồng/kW). Vậy, ai mua xe và sạc tại các trạm sạc của VinFast đều phải chịu mức giá này?
Với sự bùng nổ xe điện, nay mai rất có thể có các hãng và nhiều nhà đầu tư hạ tầng xe điện vào cuộc, trong đó có doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Lúc này EVN sẽ bán điện cho doanh nghiệp vận tải này với giá nào, giá điện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hay sinh hoạt?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận