07/06/2020 15:00 GMT+7

Ông Tuấn 'khoai tây'

MAI VINH
MAI VINH

TTO - Ông Nguyễn Ngọc Tuấn (chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) được nhiều nông dân gọi là ông Tuấn “khoai tây” bởi quý mến ông và những cây khoai tây là sinh kế.

Ông Tuấn khoai tây - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn (chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng)

Ông Tuấn đã có hành trình ngót nghét 10 năm đổi phận người trồng khoai tây.

Kéo chục nông dân đứng chung một sân không phải là chuyện dễ và vài chục thì cũng đã quá khó với một doanh nghiệp hạng vừa. Vậy mà ông Tuấn đã liên kết được đến 500 nông dân "tiến cùng tiến, lùi cùng lùi" trong câu chuyện sản xuất khoai tây - đặc sản của vùng nông sản Đà Lạt (gồm Đà Lạt và các huyện lân cận), trong đó huyện Đức Trọng có diện tích sản xuất lớn nhất.

Nếu hàng ngàn nông dân cùng liên kết với nhau, có kế hoạch sản xuất chu đáo thì nông dân có chỗ đứng trong thị trường chứ không yếu thế và gần như vô danh trong chuỗi cung ứng dù nguồn lực của nông dân rất lớn và có tính quyết định. Chính kế hoạch sản xuất của nông dân sẽ điều tiết được giá cả nông sản.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn

Từ đống khoai đổ đầu bờ

Tại sao giá siêu thị vẫn cao mà nông dân phải đổ bỏ khoai hàng loạt? Câu hỏi này quẩn quanh ông Tuấn suốt năm 2010. Thời điểm đó, vùng nông sản Đà Lạt nói chung và huyện Đức Trọng nói riêng triền miên trong cảnh "được mùa mất giá, được giá mất mùa". Sống trên mảnh đất rau củ đã chục năm, đường rau đi, củ về ông nắm rõ như lòng bàn tay nên tìm lời giải với ông không quá khó.

Ông Tuấn lân la những đại lý thu mua nông sản cung ứng cho các siêu thị để có được những chứng từ mua bán. 

"Giữa đại lý với siêu thị làm ăn rất khoa học, họ có hợp đồng liên kết, có cam kết bao tiêu và có luôn quy định về chất lượng tối thiểu. Cho nên mặc cho giá mua thấp thì đại lý vẫn bán theo giá hợp đồng với siêu thị. Việc này cũng bình thường nhưng lẽ ra đại lý liên kết với nông dân để cân bằng lợi nhuận lẫn rủi ro thì lại không có, dồn rủi ro cho nông dân, đưa nông dân vào thế yếu trong chuỗi cung ứng nông sản" - ông Tuấn phân tích.

Lăn lóc trên nền đất đỏ khắp vùng rau ở hạ nguồn suối Liên Khương, ông Tuấn thấm thía hình ảnh nông dân quăng bao khoai cái oạch đầy khổ sở ở đầu bờ. Nhớ lại hình ảnh thường xuyên xảy ra mỗi mùa khoai tây (từ tháng 10 đến tháng 4), ông Tuấn xót: "Họ phải đổ bỏ để dọn vườn trồng cây khác mà sống, không còn cách nào khác vì giá bán còn thấp hơn công thu hoạch". 

Những biến cố làm "thủng túi" nông dân cứ xuất hiện theo chu kỳ mỗi lúc một dày khiến ông Tuấn thêm động lực tìm hiểu một cách cặn kẽ, có định tính và hình thành một báo cáo nhằm chờ cơ hội thực hiện một câu chuyện có tính thay đổi.

Ông Tuấn phân tích diện tích rau củ hằng năm toàn huyện Đức Trọng đạt hơn 20.000ha, sản lượng trên 650.000 tấn nhưng nông dân mới chỉ có khoảng 10% ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ rau, còn lại là thỏa thuận miệng. 

Thương lái thì đi loanh quanh trả giá bằng cách mua nguyên đám rau của nông dân rồi đặt cọc một phần tiền, đến ngày thu hoạch nếu giá thị trường lên cao thì thương lái hưởng hết lợi nhuận. Ngược lại, đến ngày thu hoạch mà giá rau rẻ quá thì thương lái chỉ mua đủ số tiền mà họ đã ứng trước, nếu không bán được nông dân tự cày bỏ.

Báo cáo của ông được lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện Đức Trọng thời điểm ấy nhìn nhận đã gợi mở một góc nhìn sáng hơn cho nông dân, giải quyết câu chuyện được mùa mất giá - được giá mất mùa. Ông Tuấn nhìn nhận phải liên kết nông dân lại, thời điểm ấy có nhiều người đã cùng góc nhìn như ông nhưng để liên kết được không phải dễ.

Đến thị trường trong tay nông dân...

Trong khả năng của mình, ông Tuấn đi liên kết những người sản xuất khoai tây. "Nếu hàng ngàn nông dân cùng liên kết với nhau, có kế hoạch sản xuất chu đáo thì nông dân có chỗ đứng trong thị trường chứ không yếu thế và gần như vô danh trong chuỗi cung ứng dù nguồn lực của họ rất lớn và có tính quyết định. Chính kế hoạch sản xuất của nông dân sẽ điều tiết được giá cả nông sản" - ông Tuấn nhìn nhận.

Ông Nguyễn Mạnh Đạt, nông dân xã Phú Hội (huyện Đức Trọng), kể: "Hồi mới làm, ổng dặn đi dặn lại đủ chuyện, trong đó phải giữ uy tín, giá ngoài chợ có nhảy thì cũng đừng nhấp nhỏm vì mình đi đường dài, có lãi đều đều mới quan trọng. Gần tới đợt thu hoạch nông dân hơi lo lắng vì không biết ông Tuấn sẽ bán khoai kiểu gì thì đùng một ngày, ổng dẫn một giám đốc công ty xuất khẩu khoai tây xuống tận vườn. Năm sau đó 40 hộ dân "phe ông Tuấn" không đổ bỏ một củ khoai".

Ngày đầu đi liên kết, ký ức ông Tuấn không hiếm những chuyện xì xào, nhưng ông gạt bỏ: "Mình đã trình bày kế hoạch có lớp lang, có ngành nông nghiệp của huyện thẩm định, có các công ty bảo chứng về khả năng tiêu thụ rồi ai tin thì ngồi chung thuyền với nhau" - ông Tuấn tâm sự.

Ngày mới liên kết cũng không ít lần ông cảm thấy ái ngại với nông dân bởi giá trong liên kết thấp hơn giá chợ nhưng chính nông dân lại động viên ông: "Thấp hơn chợ nhưng vẫn lời, lời đều. Mình đu theo giá thì có lúc được lúc mất, có khi mất nhiều hơn được". Ông Tuấn ngớ ra vì lúc mới tổ chức liên kết nhiều người đã "phán" không làm được vì... "nông dân chỉ quan tâm cái lợi trước mắt"...

Sau khi tạo được liên kết, ông Tuấn nhận ra miếng cơm của nông dân vẫn chưa chắc nếu chỉ bán khoai tươi. Ông lại "bày trò" liên kết để bán khoai cho các công ty khoai tây chiên và chế biến các sản phẩm từ khoai tây. Năm 2015, khoảng 50 nông hộ ở huyện Đức Trọng được Hội Nông dân huyện Đức Trọng ký hợp đồng trực tiếp với một công ty thực phẩm lớn của Hàn Quốc.

Thời điểm đó, chỉ mới 20ha liên kết được công ty này thu mua dạng bao tiêu nhưng chỉ sau một năm diện tích này đã tăng lên 50ha với hơn 100 nông dân tham gia, đến nay đã là 500 hộ và con số nông hộ liên kết vẫn còn tiếp tục tăng. 

"Các công ty chế biến khoai tây tại VN cho biết sản lượng hiện nay mới chỉ đáp ứng được 40% công suất nhà máy trong khi thị trường của họ vẫn còn tiếp tục mở bên ngoài VN. Họ muốn mình có mạng lưới liên kết mạnh hơn nữa" - ông Tuấn nói chuyện này mà không giấu được phấn khởi.

Nhập giống từ Hàn Quốc

Ông Tuấn chia sẻ một thời gian dài giống khoai tây Atlantic trở thành giống khoai nguyên liệu phổ biến tại Lâm Đồng cung ứng cho các nhà máy, tuy nhiên giống này có nhược điểm dễ bị bệnh mốc sương và gây thiệt hại 30% sản lượng.

"Thiệt hại này chính là phần lợi nhuận canh tác cả vụ của nông dân. Nếu không có giải pháp thì nông dân thiệt hại nặng và vỡ liên kết" - ông Tuấn nhận định.

1620tuan khoai 3 2(read-only)

Nông dân tham gia liên kết trồng khoai tây do ông Tuấn tổ chức để cung ứng cho các nhà máy chế biến tại VN - Ảnh: M.V.

Năm 2017, ông Tuấn đến gặp công ty Hàn Quốc và đề nghị thẳng phải hỗ trợ đưa giống mới kháng được bệnh mốc sương cho nông dân, nếu không nông dân xin phép phải ngừng hợp tác vì trước sau gì cũng lỗ.

Bốn tháng sau đề nghị thẳng thắn này, giống khoai tây Doobak mới từ Hàn Quốc được đưa về sản xuất tại Lâm Đồng cho năng suất 28 tấn/ha (tăng 8 tấn/ha). Nhiều người làm trong ngành nông nghiệp tại Lâm Đồng cho rằng đó là tốc độ nhanh chưa từng có để một giống ngoại nhập có mặt trên đồng.

"Cứ vậy đi!"

Chỉ vào xấp giấy dày cộm bảo đó là kế hoạch và danh sách nông dân sản xuất cho mùa tới, ông Tuấn cười hể hả. Sản xuất theo chuỗi liên kết, theo ông Tuấn, khó nhất là làm cho nông dân tin và đảm bảo quyền lợi cho nông dân thông qua hợp đồng.

"Còn lại dễ lắm, cái gì cũng có kế hoạch trước hết, từ giá, sản lượng, diện tích đều được các công ty đưa ra trước cả vài tháng". Chuyện phân tro ông nói giờ cũng chẳng phải lo, các công ty tranh nhau chào bán, cho nông dân nợ, thu hoạch xong mới thanh toán nên giảm được chi phí đầu tư ban đầu.

Tổ chức liên kết đình đám nhưng ông Tuấn không trồng một cây khoai tây nào. Hỏi thì ông Tuấn cười: "Mình thích tổ chức nên mình đứng ra làm cho vui. Mình trồng cũng không ai nói gì nhưng mình cùng chung cái lợi với bà con rồi dễ sinh điều tiếng, sau này khó nói chuyện với nhau. Thôi, giữ cái tiếng của mình cũng là để bà con được lợi. Cứ vậy đi!".

"Cứ vậy đi!" - ông nói chắc nụi như cái cách ông uống đánh ực ly rượu tình nghĩa với nông dân sau mỗi vụ khoai.

Xong chuyện khoai tây, ông Tuấn khấp khởi với kế hoạch mới: "Bà con người Chu Ru ở huyện làm nông nghiệp hữu cơ tốt lắm. Sẵn đà này tôi sẽ liên kết bà con lại thành một mạng lưới sản xuất rau, lúa gạo hữu cơ. Bàn bạc với bà con, với doanh nghiệp xong cả rồi. Giờ làm thôi".

Trong tay ông Tuấn là bản kế hoạch liên kết người nông dân K’Ho, Chu Ru ở huyện Đức Trọng, Đơn Dương trồng rau, lúa hữu cơ với tổng diện tích hơn 200ha. Ông Tuấn không giấu giếm đã có doanh nghiệp đặt vấn đề bao tiêu toàn bộ nguồn nông sản này và xây dựng nhà máy sơ chế ngay trong vùng sản xuất.

Những cuốc xe ý nghĩa của ông Việt Những cuốc xe ý nghĩa của ông Việt 'xe ôm'

TTO - 15 năm qua, ông Trần Quốc Việt (50 tuổi, ngụ tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã làm một việc rất có ý nghĩa: sử dụng xe gắn máy chở miễn phí rau củ quả mà các tiểu thương tặng đến những ngôi chùa và bếp ăn từ thiện.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên