
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời truyền thông trước khi lên chuyên cơ Không lực 1 hôm 6-4 - Ảnh: REUTERS
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế ít nhất 10% với tất cả các nước, và mức thuế đối ứng cao tới gần 50% với khoảng 60 quốc gia, lần lượt có hiệu lực vào ngày 5 và 9-4.
Các quan chức trong chính quyền của ông Trump thông báo đến nay đã có 50 quốc gia tiếp cận Nhà Trắng để thảo luận việc hạ thuế quan.
Theo Đài CNN, vào tối 6-4, Tổng thống Trump kể rằng ông đã nhận được cuộc gọi từ các lãnh đạo thế giới và người đứng đầu các tập đoàn công nghệ về vấn đề thuế quan.
"Tôi đã thảo luận với nhiều nước. Mọi nước đều gọi và rất quan tâm, rất, rất tử tế", ông phát biểu với báo chí từ chuyên cơ Không lực 1.
Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố sẵn sàng đàm phán nếu các nước giải quyết được thâm hụt thương mại với nước này.
"Tôi muốn giải quyết vấn đề thâm hụt mà chúng ta đang gặp phải ở Trung Quốc, với Liên minh châu Âu và các quốc gia khác, và họ sẽ phải làm điều đó. Và nếu họ muốn nói về điều đó, tôi sẵn sàng đàm phán", ông chủ Nhà Trắng khẳng định.
Tuy nhiên, các quan chức và cố vấn trong chính quyền của ông lại phát biểu trái chiều về khả năng đàm phán mức thuế mới. Họ coi thuế quan là việc thiết lập lại nền kinh tế, đồng thời hạ thấp những phản ứng tiêu cực từ thị trường.
Trên chương trình "Face the Nation" của CBS News, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick khẳng định chính quyền nước này không có kế hoạch hoãn thuế quan có hiệu lực vào ngày 9-4 tới.
"Không có chuyện hoãn lại. Thuế quan chắc chắn sẽ được áp dụng trong nhiều ngày và nhiều tuần. Điều đó khá rõ ràng. Tổng thống (Trump) cần thiết lập lại thương mại toàn cầu. Ông ấy đã tuyên bố điều đó và ông ấy không hề đùa, thuế quan sẽ được áp dụng", ông Lutnick nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent lại cho rằng ông Trump đã tạo được đòn bẩy tối đa cho chính mình: "Đây không phải là chuyện có thể đàm phán trong vài ngày hoặc vài tuần", ông phát biểu trên chương trình "Meet the Press" của NBC.
Bộ trưởng Nông nghiệp Brooke Rollins cũng không thể khẳng định rõ liệu thuế quan có tồn tại lâu dài hay liệu có cơ hội cho các thỏa thuận hay không.
“Đây là một người đàm phán cừ khôi, một doanh nhân đứng đầu chính phủ của chúng ta. Nhưng tổng thống rất kiên quyết trong sự tập trung và sự táo bạo, không sợ hãi và không ngừng nghỉ để đảm bảo rằng chúng ta đặt lợi ích của Mỹ lên hàng đầu bằng cách sử dụng thuế quan” - bà nói với CNN.
Trong khi đó, tỉ phú Elon Musk, một trong những cố vấn có ảnh hưởng nhất của ông Trump, hôm 5-4 nói rằng ông hy vọng châu Âu và Mỹ hướng tới "không thuế quan", cho thấy có hy vọng mở ra không gian đàm phán.
"Cuối cùng, tôi hy vọng cả châu Âu và Mỹ sẽ đồng thuận, theo quan điểm của tôi, rằng nên hướng đến một hệ thống thuế bằng 0, tạo ra một khu vực thương mại tự do giữa châu Âu và Bắc Mỹ", ông Musk phát biểu qua video tại một hội nghị ở Florence, do Đảng League cầm quyền của Ý tổ chức.
Giới chức Mỹ cũng trấn an trước những biến động mạnh trên thị trường chứng khoán. Khi thị trường đóng cửa hôm 4-4, Dow Jones đã ghi nhận mức giảm lớn nhất liên tiếp kể từ tháng 3-2020. Hợp đồng tương lai của chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào tối 6-4, và thị trường chứng khoán dự báo sẽ lao dốc mạnh khi mở cửa vào hôm nay 7-4.
Cố vấn kinh tế của ông Trump và "kiến trúc sư" thuế quan đối ứng, ông Peter Navarro, đã khuyên các nhà đầu tư Mỹ "hãy bình tĩnh" và "đừng hoảng loạn". Trong khi Bộ trưởng Bessent bác bỏ những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế do cú sốc thuế quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận