Tàu hàng ở cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), ngày 8-4 - Ảnh: REUTERS
Trong dòng trạng thái mới nhất ngày hôm nay (8-4) trên tài khoản Twitter, ông chủ Nhà Trắng viết: "Trung Quốc sẽ gỡ bỏ hàng rào thuế quan thương mại của nước này bởi đây là điều đúng cần làm. Chính sách thuế sẽ là có qua có lại và sẽ có thỏa thuận về sở hữu trí tuệ. Tương lai tươi sáng cho cả hai nước".
Vẫn là cách nói ngắn gọn như mọi khi và vẫn là kiểu đi cụ thể vào nội dung đang được mọi người chú ý.
Nếu như trong mấy ngày qua, cả hai bên chỉ công khai đe dọa thực thi/đáp trả qua lại về chính sách thuế thì nay ông Trump lại công khai luôn cả về quyền sở hữu trí tuệ vốn là một trong những nguyên nhân chính sâu xa gây ra căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.
Theo hãng tin Reuters, nhà lãnh đạo Mỹ nhận định rằng đây sẽ là cái kết tốt đẹp vì tương lai của cả hai nước. Tổng thống Trump cũng nói ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "sẽ luôn là những người bạn", bất chấp những gì xảy đến liên quan tới bất đồng của hai bên về vấn đề thương mại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) từng có màn tiếp đón rất trọng thị tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 11-2017. Trong ảnh, khu vực Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh đã được cấm người tham quan trong ngày vợ chồng ông Trump cùng phái đoàn ghé thăm ngày 8-11 - Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, theo Reuters, tổng thống Trump không cho biết lý do đưa ra tuyên bố trên cũng như không cho biết liệu Trung Quốc đã thông báo ý định gỡ bỏ hàng rào thuế quan với hàng hóa Mỹ hay chưa.
Có thể thấy cách thức "đàm phán" của ông Trump và đội ngũ của ông trong thương mại tương tự là tương tự nhau để giành quyền lợi cao hơn về cho nước Mỹ: tung ra biện pháp thực thi, khẳng định tính quyết tâm, rồi kêu gọi đàm phán riêng mà chắc chắn nhằm đem lại lợi ích nhiều hơn cho Mỹ so với những thỏa thuận đã có trước đó.
Trong trường hợp hai gã khổng lồ kinh tế Mỹ và Trung Quốc, phần thâm hụt thương mại của Mỹ đối với "nền kinh tế số hai thế giới" là quá rõ. Cách các chuyên gia muốn xem là ông Trump dám quyết liệt đến cỡ nào.
Và thực sự ông có sự lưu tâm nghiêm túc đến vấn đề này và hành xử không khoan nhượng.
Hôm 6-4, ông Larry Kudlow - Cố vấn Kinh tế của ông Trump, cho rằng hai nước không phải đang ở trong một cuộc chiến thương mại nhưng có căng thẳng và chuyện này có thể được giải quyết trong 3 tháng.
Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng, cố vấn Kudlow nêu rõ rằng lời đe dọa áp thuế trị giá 150 tỉ USD với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc không phải là một "thủ thuật để đàm phán" mà là quyết định "nghiêm túc" của ông Trump, bởi Nhà Trắng muốn Trung Quốc thay đổi hành vi của mình.
Khi đó, ông Kudlow đã tuyên bố tổng thống Trump tin rằng Bắc Kinh phải chấm dứt tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tổng thống Trump không chỉ sử dụng thuế quan như một thủ thuật để đàm phán. Ông nói với tôi rằng 'điều gì đó phải thay đổi'" Ông Larry Kudlow - Cố vấn Kinh tế của ông Trump
Có thông tin cho rằng hãng Boeing cũng sợ mất đơn hàng lớn từ Trung Quốc nếu căng thẳng trở thành cuộc chiến thương mại thực thụ - Ảnh: REUTERS
Có thể thấy, Trung Quốc cũng hiểu mình sẽ thiệt hại thế nào nếu mất đi thị trường khách hàng giàu có và uy tín ở Mỹ. Như hôm 4-4, giữa những tuyên bố qua lại về sự cứng rắn đáp trả, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu (Zhu Guangyao) lại đưa ra lời kêu gọi Mỹ cùng Trung Quốc tìm kiếm những biện pháp mang tính xây dựng để giải quyết các thách thức nhằm đưa các mối quan hệ kinh tế song phương trở lại lành mạnh và ổn định.
Phát biểu họp báo, Thứ trưởng Chu Quang Diệu nêu rõ Trung Quốc không muốn xảy ra một cuộc chiến thương mại vì như vậy sẽ chỉ gây tổn thất cho cả hai bên.
Theo ông, khó tránh khỏi mâu thuẫn trong bối cảnh thương mại Trung-Mỹ phát triển nhanh, theo đó 2 nền kinh tế đứng trước các thách thức lớn, tuy nhiên ông nhấn mạnh các mâu thuẫn này cần được giải quyết thông qua đối thoại.
Cũng tại buổi họp báo trên, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn (Wang Shouwen) kêu gọi Mỹ nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc nhằm giúp giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc.
Ông Vương Thụ Văn cho biết chiến lược "Made in China 2025" của Trung Quốc thúc đẩy phát triển công nghiệp với nền công nghệ tiên tiến là "minh bạch và không phân biệt đối xử", phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ông Vương cũng khẳng định việc Mỹ cáo buộc các doanh nghiệp nước ngoài bị ép chuyển giao công nghệ cho phía Trung Quốc là "thiếu căn cứ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận