29/06/2024 09:18 GMT+7

Ông Trump thắng thuyết phục, ông Biden lộ điểm yếu chí tử

Cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên giữa hai ứng viên Donald Trump (Đảng Cộng hòa) và Joe Biden (Đảng Dân chủ) đã khép lại trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Những con số thú vị trong màn tranh luận Trump - Biden - Ảnh: AFP - Nguồn: Đài CNN - Dữ liệu: Minh Khôi - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Những con số thú vị trong màn tranh luận Trump - Biden - Ảnh: AFP - Nguồn: Đài CNN - Dữ liệu: Minh Khôi - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Ngỡ ngàng bởi bất chấp dư luận Mỹ và giới quan sát đã lường trước khó khăn về mặt tuổi tác của đương kim Tổng thống Biden, ít người tin rằng vị lãnh đạo 81 tuổi lại có màn thể hiện thiếu thuyết phục trước ông Trump ở TP Atlanta, bang Georgia, vào tối 27-6 (sáng 28-6, theo giờ Việt Nam).

Điểm yếu chí tử của ông Biden

Ít nhất từ năm 2016, khi bước vào nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump đã làm mất lòng hàng loạt cơ quan truyền thông lớn tại Mỹ. Nhưng kết thúc màn tranh luận tổng thống vừa qua, người bị nhận đánh giá tiêu cực lại là ông Biden.

Đài CNN, nơi tổ chức màn tranh luận này và có quá khứ đầy tranh cãi với ông Trump, nhận xét ông Biden đã có màn trình diễn "yếu nhất" kể từ lúc hai ứng viên John F. Kennedy và Richard Nixon khởi đầu cho truyền thống tranh luận trên truyền hình vào năm 1960.

Ron Klain, người phụ trách huấn luyện tranh luận của ông Biden, có lập luận nổi tiếng rằng "bạn có thể thua một cuộc tranh luận bất kỳ lúc nào, nhưng chỉ có thể thắng trong 30 phút đầu tiên". Trên thực tế, ông Biden đã không thể tận dụng 30 phút ấy và thậm chí đã thua chỉ sau... vài phút.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris sau đó thừa nhận ông Biden "khởi đầu chậm", song đã "có một kết thúc mạnh mẽ". Tuy nhiên, sự kết thúc mạnh mẽ của ông Biden dường như quá muộn.

Đối diện ông Trump, ông Biden đã nhiều lần mắc lỗi nói lắp bắp, giọng khàn và có lúc gần như chỉ lẩm bẩm - những cử chỉ phản ánh dấu hiệu tuổi tác mà không ít lần báo chí đề cập trong thời gian qua. Đây là điểm yếu "chí tử" cho một cuộc tranh luận tổng thống vì hình ảnh trực quan sẽ ăn sâu vào trí nhớ khán giả.

"Rắc rối cho ông Biden khi một khán giả chỉ chú ý hình ảnh trực quan chắc chắn sẽ hình thành ấn tượng rằng ông Trump là người có cá tính mạnh mẽ hơn. Và lịch sử các cuộc bầu cử tổng thống cho thấy ứng viên có vẻ mạnh hơn thường đánh bại người yếu" - Đài CNN viết về cuộc tranh luận giữa ông Trump và ông Biden ngày 27-6

Đảng Dân chủ đau đầu

Đảng Dân chủ đã hy vọng ông Biden sẽ tận dụng màn tranh luận này để đảo ngược tình hình, bởi trước đó tỉ lệ ủng hộ theo thăm dò của đương kim tổng thống Mỹ đang thấp hơn đối thủ Trump. Tuy nhiên, những gì đã thể hiện khiến nhiều người hoài nghi rằng liệu ông Biden có thể làm tốt nhiệm kỳ 4 năm tới nếu đắc cử hay không, ở thời điểm ông sẽ 86 tuổi.

Đảng Dân chủ đã cố gắng đẩy cuộc tranh luận này lên sớm nhất có thể, và một trong những lợi ích của việc này là tiết kiệm thời gian để điều chỉnh, sửa sai. Nhưng sẽ "sửa sai" tới mức nào, thậm chí có thể... tìm người thay ông Biden hay không?

Dĩ nhiên chuyện chọn ứng viên đại diện khác ông Biden lúc này là chuyện rất khó xảy ra, trừ phi ông Biden tự nguyện từ chối đề cử. Nhưng đây trở thành một ý kiến thực sự nghiêm túc đối với báo chí Mỹ và quốc tế. CNN lưu ý hiện Đảng Dân chủ cũng không còn ứng viên nào sáng cửa, kể cả Phó tổng thống Harris lẫn Thống đốc California Gavin Newsom và Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer.

Tình thế hiện nay vì vậy giống một sự đảo ngược so với nhận định của giới quan sát năm 2020, khi ông Biden gặp ông Trump tại "chung kết" bầu cử. Cách đây 4 năm, người ta thường mô tả cuộc bầu cử ấy là "Trump hay không Trump", nay những cử tri không muốn ủng hộ ông Trump lại... không biết chọn ai ngoài ông Biden.

Ông Steven Okun, một nhà phân tích kinh tế - địa chính trị từng có thời gian phục vụ trong chính quyền cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, nhận định với Tuổi Trẻ rằng "rất ít người Mỹ muốn chứng kiến trận tái đấu giữa ông Biden và ông Trump".

"Một cuộc thăm dò từ Pew cho thấy 25% người Mỹ có thái độ không thiện cảm với cả hai. Với một nhóm lớn cử tri không thích cả ông Trump lẫn ông Biden, chúng ta gọi nhóm này là nhóm "ghét cả hai". Như vậy, câu hỏi đặt ra là "Ai sẽ lấy được số phiếu của nhóm "ghét cả hai" này?" - ông Okun nhận xét hôm 24-6, tại một buổi chia sẻ với phóng viên châu Á về chủ đề ảnh hưởng của bầu cử Mỹ 2024 đến thương mại toàn cầu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Okun cho rằng đa phần người Mỹ quan tâm đến giá cả, như chi phí mua hay thuê nhà, giá thực phẩm, giá nhiên liệu... cũng như tình trạng tội phạm và ma túy. "Và với câu hỏi "Ai sẽ xử lý 3 vấn đề này tốt hơn, Biden hay Trump?" thì câu trả lời sẽ là Trump. Cử tri Trump tin tưởng vào việc đảm bảo an ninh biên giới và kiểm soát nhập cư. Họ tin tưởng Trump hơn trong việc giải quyết vấn đề kinh tế. Họ tin tưởng Trump hơn trong việc giải quyết tội phạm và bạo lực. Vì vậy, Biden không có lợi thế với Trump khi đề cập đến những vấn đề then chốt mà hầu hết cử tri Mỹ đang quan tâm", ông nói.

67% cử tri khen ông Trump

Theo cuộc thăm dò nhanh của Đài CNN sau cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên Nhà Trắng, 67% cử tri cho rằng ông Trump đã thể hiện tốt hơn đối thủ.

Đáng chú ý 57% người xem tranh luận ngày 27-6 cho biết họ không có niềm tin thực sự vào khả năng lãnh đạo đất nước của ông Biden, trong khi con số này đối với ông Trump là 44%.

36% người xem bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của ông Trump, so với chỉ 14% đối với ông Biden.

Cuộc thăm dò được thực hiện qua tin nhắn với 565 cử tri đã đăng ký tại Mỹ, những người cho biết đã xem cuộc tranh luận.

Mời bạn đọc theo dõi chuyên trang bầu cử tổng thống Mỹ 2024 của Tuổi Trẻ Online tại đây.

Đảng Dân chủ hoảng loạn với màn tranh luận bất ổn của ông BidenĐảng Dân chủ hoảng loạn với màn tranh luận bất ổn của ông Biden

Dư luận toàn cầu ngày 28-6 có phản ứng choáng váng với màn tranh luận bất ổn với đối thủ Donald Trump của ông Joe Biden, có ý kiến cho rằng ông nên từ chức.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên