31/01/2019 09:45 GMT+7

Ông Trump đang yếu thế trên bàn đàm phán với Trung Quốc?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Tổng thống Mỹ Donald Trump hi vọng dùng sức ép kinh tế và luật pháp để tăng trọng lượng trên bàn đàm phán, nhưng bản thân ông cũng có áp lực riêng.

Ông Trump đang yếu thế trên bàn đàm phán với Trung Quốc? - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ở Washington để đàm phán về thương mại với Mỹ - Ảnh: REUTERS

Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã có mặt tại Washington (Mỹ) cho hai ngày công tác 30 và 31-1. Cuộc đàm phán giữa cố vấn kinh tế thân cận của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Trump dự kiến mang tới bước ngoặt, trong bối cảnh cuộc "đình chiến" thương mại Mỹ - Trung chỉ còn thời hạn một tháng.

Mỹ tung đòn áp đảo

Trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, tư thế của bên đàm phán đều được xác định bằng lợi thế họ nắm trong tay. Thông tin từ hành lang của cuộc gặp Trump - Lưu vì vậy trở nên tràn ngập trước giờ hai bên bước vào bàn họp, và nó vẽ ra những lợi thế nhất định cho từng người.

Chính vì vậy, không lạ khi cái tên Huawei xuất hiện ầm ĩ rất đúng lúc. Hôm 28-1, Bộ Tư pháp Mỹ công bố hai cáo trạng chống lại Huawei. 

Đầu tiên là cáo buộc nhằm vào Huawei và các giám đốc, trong đó có giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu, về tội danh lừa đảo ngân hàng, rửa tiền và vi phạm liên quan tới lệnh cấm bán thiết bị do Mỹ sản xuất tới Iran. 

Thứ hai là cáo buộc Công ty Huawei trộm tài sản sở hữu trí tuệ của Công ty viễn thông T-Mobile.

Huawei là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Mỹ - Trung, khi Bắc Kinh đến nay vẫn liên tục kêu gọi Washington và Canada thả vị giám đốc đồng thời là con gái của nhà sáng lập đại gia công nghệ nêu trên. 

Vụ bắt giữ bà Mạnh rõ ràng không dừng lại ở mức độ tranh chấp quyền công dân, mà còn tạo ra những áp lực ngoại giao. Một số ý kiến phân tích cho rằng Trung Quốc rất có thể phải chấp nhận sự nhượng bộ nào đó để không "mất mặt" trong vụ Huawei.

"Thế cửa trên" mà Tổng thống Trump tự tin trong lần gặp ông Lưu cũng lấy cơ sở từ các chỉ số kinh tế Trung Quốc gần đây. 

Tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2018 đạt 6,6%, mức thấp nhất trong vòng 28 năm qua. Điểm đặc biệt là thống kê ấy xuất hiện giữa lúc tranh chấp thương mại Mỹ - Trung đang "nóng" với hàng loạt màn áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa của nhau. 

Và nói cách khác, xét về bề nổi, người Mỹ có thể tự tin cho rằng đó là hậu quả từ chính sách cứng rắn mà Washington đang áp dụng với Bắc Kinh.

Con bài của Trung Quốc

Thế khó của Trung Quốc cũng từng được phản ánh trong một cuộc họp giữa hai phái đoàn Mỹ - Trung ngày 7-1 ở Bắc Kinh. Khi ấy, người ta phát hiện ông Lưu Hạc bất ngờ xuất hiện, dẫu đó chỉ là một vòng đàm phán cấp thứ trưởng. Điều này chứng tỏ Trung Quốc phần nào đang sốt sắng hơn.

Tuy nhiên, rất có thể Bắc Kinh vẫn còn một con bài quan trọng để chiếm lợi thế: thời gian.

Vừa qua, sau 35 ngày đóng cửa chính phủ vì mâu thuẫn giữa ông Trump và Đảng Dân chủ trong ngân sách chi cho bức tường biên giới Mexico, tổng thống Mỹ đã nhượng bộ, mở cửa chính phủ để tạo điều kiện đàm phán tiếp. 

Hành động đó không "cứng" như cách ông Trump dọa sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp để xây tường.

Hãng tin Bloomberg ngày 30-1 phân tích rằng Trung Quốc có thể nhìn thấy tia hi vọng từ chi tiết ông Trump bó tay trong chiến thuật lấy "hạn chót" để dồn ép đối phương. 

Ông Trump chỉ còn hai năm trước thềm cuộc tổng tuyển cử 2020, thời điểm ông mong rằng sẽ tái đắc cử tổng thống. Nếu Trung Quốc quyết câu giờ, chính tổng thống Mỹ mới là nạn nhân trong những màn cò cưa, rèn tính nhẫn nại này.

Tại cuộc họp với Cục Nông trại Mỹ cách đây hai tuần, ông Trump đã nhắc tới cái tên Trung Quốc 18 lần, theo Wall Street Journal. Điều này bắt nguồn từ thực tế rằng Trung Quốc đang đánh trúng "yết hầu" của Mỹ khi áp thuế nhập khẩu lên các lĩnh vực có nhóm cử tri ủng hộ ông Trump mạnh mẽ nhất. 

Đó là những nông dân trồng đậu nành ở khắp vùng đại bình nguyên Great Plains, công nhân chế tạo xe hơi ở vùng trung tây Midwest và công nhân dầu mỏ ở Dakota và Texas.

Và kể cả khi ông Trump xuất hiện trên mặt báo sau ngày 31-1 với những thắng lợi, điều đó xem ra cũng... không mấy ý nghĩa về thực tế. Phân tích của Bloomberg cho rằng Trung Quốc vẫn có thể tỏ ra nhượng bộ, cam kết một số điểm, nhưng về khoản thực thi thì không ai dám chắc.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, một trong những nhân vật then chốt trong cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, đã nói trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng rằng: "Chúng tôi kỳ vọng sẽ chốt một thỏa thuận, rằng thỏa thuận ấy sẽ được thực thi. Nhưng chi tiết về việc phải làm như thế nào thì rất phức tạp".

Nếu cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung lần này không tìm ra giải pháp cho tới ngày 1-3, Mỹ sẽ đánh thuế 25% lên 200 tỉ USD giá trị hàng nhập khẩu Trung Quốc. Hiện nay, mức áp thuế nhập khẩu trên số hàng hóa này đã là 10%.

Trung Quốc kêu gọi bắt tay với Mỹ và Nga "ổn định toàn cầu" Trung Quốc kêu gọi bắt tay với Mỹ và Nga 'ổn định toàn cầu'

TTO - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng kêu gọi Mỹ nên dẹp "nỗi sợ mơ hồ", bỏ chính sách đối đầu và chuyển sang hợp tác với Trung Quốc, Nga để duy trì sự ổn định toàn cầu.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên