24/01/2020 08:00 GMT+7

Ông Táo đi bộ

VIỆT LINH
VIỆT LINH

TTO - Gần Tết ngồi ngẫm lại, những trải nghiệm đời mình hóa ra phong phú thật, vừa lớn lên đã thoát ly vô chiến khu, du học Nga, nay lại đong đưa giữa hai bờ Pháp - Việt… Với tôi, "Tết xa nhà" nhiều hơn là "Tết xa quê".

Ông Táo đi bộ - Ảnh 1.

1

Nhà là nơi ta có ai đó chờ mong, nơi ta háo hức quay về sau những chuyến đi, nơi ta có căn bếp ấm, nấu cho người thân yêu những bữa cơm ngon... 

Nếu định nghĩa như vậy thì tôi đã ăn Tết xa nhà miên man: 16 tuổi giã biệt phố phường đi kháng chiến, thành "cán bộ" khi chưa hết lơ ngơ thiếu nữ nên tôi khá lơ mơ nghi lễ. 

Lúc nhỏ cũng từng xem, từng hụ hợ mẹ những buổi rước ông bà, đưa ông Táo… nhưng các thủ tục đó hầu như không có trong cuộc sống chiến khu, cuộc sống du học sinh. 

Chỉ từ khi lấy chồng, có nhà riêng với vai hiền thục, tôi mới tập tành sắm sửa hai lễ Tết quan trọng nhất: đưa ông Táo, rước Ông bà.

Ông bà - của ta - có hình hài/ký ức, ông Táo chỉ làm theo tập quán. Từ xa xưa, dân Việt Nam đã thờ cúng ông Táo - thần cai quản bếp, chứng kiến mọi sinh hoạt của gia đình nơi hạ giới - với hi vọng hết năm Táo sẽ về thượng giới tâu với Ngọc hoàng những điều hay đẹp. 

Cho rằng cá chép là phương tiện để ông Táo cưỡi về trời, nên sau lễ nhiều người mang cá chép đi thả nước với ngụ ý "cá chép vượt vũ môn" hay "cá chép hóa rồng".

Ăn Tết ở tây hay ở ta tôi đều không thả cá. Tự trấn an ông Táo… đi bộ cũng tốt cho sức khỏe. Chưa hết, cách đây tám năm, thông qua người quen, tôi mới biết tục cúng ông Táo toàn vẹn phải hai lễ: tiễn ông đi tối 23 và đón ông về tối 30 âm lịch. 

Ôi, vậy là mười mấy năm hiền thục đảm đang sai te tét nhưng mọi chuyện vẫn bình yên, chứng tỏ ông Táo luôn tha thứ cho “con đoảng” có lòng thành. Tôi thật tâm tin vậy và tiếp tục những sai sót đã phạm, tự nhủ ông Táo hiển linh thà đi bộ còn hơn nhìn hạ thế a dua “phóng sinh” - hoạt động tưởng như tôn vinh truyền thống nhưng dung dưỡng guồng máy kinh doanh ô nhiễm, vụ lợi. 

Tết năm này mọi thứ với tôi cũng diễn ra như cũ: chăm chỉ lau dọn bếp, nâng niu mâm lễ nhỏ trong căn hộ nhỏ… Tôi tin ông Táo - của tôi - sẽ khen: “Con khỉ này dễ thương!”.

Ông Táo đi bộ - Ảnh 2.

Đạo diễn Việt Linh - Ảnh: NVCC

2

Loanh quanh vậy để nói với bạn Tết thật ra ở tâm, chứ không hẳn nơi chốn/vật chất; dù nơi chốn/ vật chất cũng làm nên không khí. Đi qua thời nôn nao quần áo mới, thức ăn ngon, bao lì xì đỏ rực; Tết trong tôi từ lâu đã trở thành ý niệm, trạng thái cảm xúc. 

Hân hoan đón năm mới là đón cảm xúc hưng phấn, khoan dung, ước nguyện thời gian sẽ cuốn đi những buồn xui năm cũ, bắt đầu chu kỳ mới vui tươi, may mắn… 

Mà đâu chỉ Tết trong tâm, ánh sáng mặt trời cũng ở trong tâm: dù sinh trưởng trên xứ Âu xa xôi, nhưng con gái tôi giống mẹ ở chỗ cứ khí hậu âm u là ủ dột. Mùa đông kia trời đặc biệt giá buốt, hai mẹ con rủ nhau nhăn nhó; bỗng một ngày con reo lên hớn hở: “Mẹ ơi, con có mặt trời riêng của con!”. 

Thì ra bằng cây bút sáp đỏ và trang giấy trắng, nàng vẽ xong một chùm tia sáng, dán lên cửa kính phòng mình. Dĩ nhiên đó là trò chơi liến thoắng của cô bé năm tuổi nhưng với phương thức “Ta có mặt trời riêng của ta”, con đã tạo cho mình (lẫn mẹ) hứng thú “Ta có mùa xuân riêng của ta”.

Cậu nó - em tôi, kiến trúc sư trẻ - viết trên Facebook: “So với hành trình của Trái đất, loài người đã tiến những bước thật dài trong khoảng thời gian cực ngắn. Từ giã những chiếc xuồng độc mộc, loài người đã bước lên tàu vũ trụ và trôi đi giữa các hành tinh... 

Đôi khi mình tự hỏi những người đang ngồi trên những căn hộ sáng choang, chót vót có hạnh phúc hơn những con người săn bắt, hái lượm xa xưa, trú ngụ trong những vách đá? Mỗi lần nhận những căn penthouse, điều thôi thúc mình - lớn hơn cái đẹp - là làm sao những ốc đảo lơ lửng này có cảm giác chạm đất”. 

Tôi nói em ốc đảo chạm/tách đâu là do… kiến trúc sư. Cũng như thế giới giờ đâu đâu cũng ê hề chất liệu liên quan Tết, nên Tết vui, ý nghĩa đến đâu do cảm xúc của chính ta. Trong cảm xúc đó, quê hương chỉ là tọa độ để ta biết hồn ta ở nơi nào.

Trong vở kịch Thiên Thiên, tôi viết kịch bản có câu nói của nhân vật chính: “Nếu nước mắt mà dập tàn đám cháy, thì nhân gian này đâu còn nỗi đau ai; nhưng nếu nước mắt mà ráo khô đi cả, thì còn ai thương ai nữa giữa đêm dài”. 

Tết với tôi - cũng như nước mắt - không quan trọng tới mức khuynh chuyển cuộc đời, nhưng không có Tết thì đâu còn những rung động. Rung động đó là gì? Là ngạc nhiên thấy lòng bỗng dưng bao dung, nhẹ nhàng nghĩ về những kinh thiên trước đó, ký ức già cỗi như chiếc túi nặng cần gạn bỏ những điều vô ích, và trong cuộc sàng lọc đó nó chỉ muốn giữ lại những điều tốt đẹp. 

Là an nhiên nhận ra đời người dài/ngắn rốt cuộc cũng phải kết thúc - một kết thúc mà càng đi gần tới nó ta càng ngộ ra lẽ vô thường, rằng con người rốt cuộc chỉ nên nghĩ một điều đáng nghĩ: Ta sống thế nào trên cõi nhân gian. 

Là tự dưng vơ vẩn trong ta lời cảm ơn cái chu kỳ niên kỷ do ai xếp đặt. Nó không lâu, không mau, không dài, không ngắn. Nó vừa đủ chất chứa để mỗi chúng ta có dịp tĩnh tâm nhìn lại.

Như mọi người, thứ cảm xúc thiêng-liêng-hiển-nhiên không thể nào trốn tránh, tôi vẫn bâng khuâng mơ về một chu kỳ mới hanh thông; vẫn tin ông Táo đi đâu, nói chi rốt cuộc cũng do chính ta. 

Trong năm ta sống xấu xí, gian manh thì dẫu có thả vạn vạn “ngư xa” ông Táo cũng không bay; có cúng muôn muôn vật lễ ông Táo cũng không tấu điều hay, xin điều tốt với Ngọc hoàng. Trong tâm trí tôi, ông Táo đi bộ và rất công bằng.

Có nên để ông Táo nằm yên trong cổ tích? Có nên để ông Táo nằm yên trong cổ tích?

TTO - Trong căn nhà nhỏ ngày xưa của bà ngoại tôi, gian bếp luôn có một khán thờ trang trọng với các màu sơn đỏ. Mà bà luôn gọi: Ông Táo đó, người coi chuyện bếp núc gia đình.

VIỆT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên