Bữa tiệc ngàn đô trong bối cảnh đồng quê của The Field - Ảnh: LINH TRANG
Trước mắt là một "nhà hàng" chẳng giống nơi đâu: gian nhà tranh mong manh, bốn bề lộng gió mọc lên giữa đồng lúa chín vàng. Ngồi trên bộ bàn ghế bằng tre được đóng đơn sơ, nhiều người tò mò nhìn xuống. Tất cả những thứ xung quanh họ đều bằng tre, lá lúa, cây cỏ, không có bóng dáng nào của những vật liệu gây ức chế cho môi trường bên ngoài.
Để được ngồi vào bữa tiệc này, mỗi du khách phải trả số tiền không dưới... 1.000 USD. Trên cánh đồng lúa vào độ chín rực, những bàn tiệc được trải trên ba chái nhà tranh tre.
Thực đơn bữa ăn không có gì quá cao sang, đáng tiền chính là không gian nơi họ ngồi: những nông dân đang dắt trâu ra đồng cày cấy, những bà mẹ quê ngồi ngóng khách bên mớ cau trầu, những đôi quang gánh trĩu nặng... gợi lên ký ức của một làng quê đầy nhớ thương.
Để tổ chức bữa ăn trên đồng, The Field hợp tác với tổng cộng 38 nông dân trồng lúa ở cánh đồng thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh. Nông dân chỉ việc trồng lúa, làm nông nghiệp như chính họ sinh hoạt, cày cấy hằng ngày nhưng tuyệt đối không phun thuốc hóa học, không sử dụng bao bì nilông.
Khi lúa chín vàng, nhà hàng sẽ lựa chọn một đám ruộng trong toàn bộ cánh đồng đã được “mua” của dân để làm không gian cho bữa tiệc. Dù không gian chiếm dụng ruộng lúa chỉ chiếm một khoảnh nhỏ nhưng nông dân được trả gấp 3-4 lần giá mùa lúa họ thu hoạch được.
“Bữa tiệc chỉ diễn ra trong vài ngày, sau đó nhà hàng được dỡ ra, hoàn trả nguyên vẹn cánh đồng. Dân cắt lúa về thu hoạch và được chúng tôi trả thêm gấp nhiều lần số tiền lúa họ thu được.
Ngoài ra trong quá trình chuẩn bị tiệc, nông dân còn được mời vào làm “diễn viên” đóng vai chính mình và được trả chi phí” - ông Phan Xuân Thanh, chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, nói.
Theo ông Thanh, dù lượng khách đăng ký rất lớn nhưng mỗi năm nhà hàng chỉ tổ chức hai bữa tiệc. Du khách được chọn lọc, là những người am hiểu về môi trường, có xu hướng thụ hưởng và hoàn trả đúng giá trị họ được nhận.
Trong bữa tiệc, phía nhà hàng sẽ kể hành trình của bữa ăn mà khách được thưởng thức với một chuỗi cộng hưởng mà giá trị lớn nhất là công sức lao động của nông dân, nhân viên phục vụ, những cộng đồng ở quanh không gian khách ngồi đã miệt mài giữ môi trường cảnh quan.
“Đây là bữa tiệc của không gian văn hóa và những giá trị nguyên bản của tự nhiên. Mỗi du khách sẽ hiểu rằng họ đang trả chi phí cho nông dân, cho môi trường thuần tự nhiên.
Cái mà họ được hưởng ngoài thức ăn là câu chuyện, môi trường” - ông Thanh nói. Nhà hàng không thu nhận các nguồn hàng sử dụng đồ nhựa, đồ dùng một lần. Rác thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh được xử lý theo vòng quay sinh thái.
Chị Lê Lan Lợi - kỹ sư môi trường làm việc tại nhà hàng - cho biết nhiệm vụ hằng ngày của chị là tái chế nguồn rác phát sinh từ nhà hàng. Rác hữu cơ tùy loại mà được chế biến thành phân bón, thành nước rửa chén bán, nước lau sàn, hoặc dầu ăn thải thì làm thành xà phòng.
Mô hình không gian xanh, quay về với tự nhiên, lấy môi trường làm thông điệp truyền cảm hứng sống đang được nhân rộng tại Hội An...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận