09/02/2018 00:11 GMT+7

Có nên để ông Táo nằm yên trong cổ tích?

SƠN MINH.
SƠN MINH.

TTO - Trong căn nhà nhỏ ngày xưa của bà ngoại tôi, gian bếp luôn có một khán thờ trang trọng với các màu sơn đỏ. Mà bà luôn gọi: Ông Táo đó, người coi chuyện bếp núc gia đình.

Có nên để ông Táo nằm yên trong cổ tích? - Ảnh 1.

Bày bán đồ cúng ông Táo

Nhà ngoại tôi ngày đó có ba bàn thờ, bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà và bàn thờ ông Táo. Bàn thờ Phật cao nhất, luôn có hoa và trái cây. Bàn thờ ông bà cứ lư đồng, đôi chân đèn..Còn bàn thờ ông Táo thì có đôi đèn dầu nhỏ bằng kim loại, mà cứ đến Tết lại được rước ra cùng bộ chân đèn, lư hương để chà đánh sáng bóng. Rồi bà đi chợ, mang về những tờ giấy đỏ cắt dán tỉ mỉ, dán quanh cái trang thờ đó..Nói ông Táo vui thì gia đạo vui.

Không biết nhà khác thế nào, nhà ngoại tôi kính trọng ông Táo lắm. Tôi nhớ nhất là khi mẹ tôi sinh em, đưa em về nhà bà đều bế ra bàn thờ ông Táo, lấy bụi tro quệt vào trán rồi lẩm bẩm khấn vái. Tôi hỏi thì mẹ giải thích: ông Táo quý trẻ con, bảo vệ gia đình, nên con trẻ mới về nhà phải đi gặp ông Táo để ông bảo trợ. Hồi nhỏ con cũng vậy..

Không biết tôi ngày nhỏ thế nào, nhưng em tôi có thời gian khóc đêm. Mỗi lần thế bà ngoại lại kêu ông Táo đuổi tà ma quỷ quái, rồi thắp nhang khấn vái ..

Rồi ngoại tôi đi xuất cảnh. Mẹ tôi đưa mọi thứ mà bà thờ cúng về nhà mình, trong đó có bài vị ông Táo.. Tôi cũng thấy mẹ thắp nhang thành kính, có gì cũng vái ông Táo..Ngày 23 đưa ông táo về trời, bà lại nấu chè ỷ cúng, cùng hoa, trái cây và các loại giấy mà ngoài chợ gọi là Cờ Bay Ngựa Chạy..

Đó cũng là ngày mà gia đình chúng tôi bắt tay vào việc nấu nướng, dọn dẹp. Để nguyên căn nhà đều sạch đẹp từ trong ra ngoài.. Để  tưng bừng đón Tết với tủ đầy ắp thức ăn. Với quần áo mới, với đi chơi và nghỉ Tết..

Rồi thời gian qua nhanh, chúng tôi túi bụi đi học rồi đi làm, ba mẹ cũng lớn tuổi, được khuyến khích lấy dưỡng sinh, du lịch, họp mặt bạn bè làm niềm vui. Căn nhà sau mấy lần xây sửa, cái trang thờ ông Táo lạc đi đâu mất. Mà khi đó cũng không ai để ý. Rồi bếp sau này cũng khác đi, không còn bếp củi, than, dầu hôi..mà là bếp gaz.

Rồi hạn chế cháy nổ. Thêm bàn thờ cao quá, nên việc thắp nhang cúng bái quá nhiều cũng tiết chế bớt. Rồi trong nhà ai cũng thân ai nấy lo. Ba mẹ tôi thường nấu rất ít vì người già cũng làm biếng ăn. Thêm vào trong nhà lúc nào cũng đầy bột dinh dưỡng, gạo lức, yến...nên căn bếp hiếm khi đỏ lửa.

Ngay cả khi nhà có đám tiệc, giỗ, chúng tôi cũng chỉ đặt nấu nhanh gọn. Tết thì cận ngày ba mươi mới nghỉ. Nên đón Tết là ngủ li bì..

Cái nghi lễ cúng đưa ông Táo, rước ông táo cùng ông bà về ăn Tết ban đầu là do quá bận nên..quên. Dần dà thì lãng quên luôn. Sau đó chỉ còn cúng giao thừa với ít trái cây. Bày mâm cơm cúng ông bà vào sáng mùng một .. Ông Táo không còn hiện hữu..

Nếu còn có, thường chỉ là trong câu chuyện cổ tích Việt Nam và trong chương trình Táo Quân trên truyền hình.

Rồi một ngày, ông Táo bỗng dưng quay lại trong nhà chúng tôi qua việc nghỉ hưu của người chị lớn trong nhà..

Có lẽ do không có việc gì làm, nên cái năm đầu tiên của "thời nghỉ hưu" là chị tuyên bố vực lại truyền thống xưa. Bắt đầu là lễ cúng khởi động cho mùa cúng Tết: Cỗ cúng rước ông Công, ông Táo về trời chầu Ngọc Hoàng. Với cái âu đầy cá chép con để mang đi thả ra sông hay kênh. Về mâm cỗ nào gà luộc, nào xôi chè, bánh mứt...Rồi áo mão, cờ lọng, vàng bạc, ngựa giấy...Để các ông bà ăn no, ngọt miệng về tấu Thiên đình cho trơn tru, nói toàn điều tốt, hay...sau đó là cúng các ngày khác trong Tết.

Dĩ nhiên, cái gì quá sẽ không hay. Hai đứa em là chúng tôi có cảm giác là cái mâm cỗ ấy, nó như của hối lộ ông Táo. Mà xưa kia, trong cái thời của bà ngoại, chỉ là dĩa trái cây, bình hoa, chút thèo lèo, ít bánh kẹo. và vài tờ giấy in chữ gọi là cờ bay ngựa chạy..

Cúng tiễn ông Táo với người xưa, có thể chỉ là một sự nhắc nhở: Đã sát Tết. Còn chuyện ông Táo về trời trình tấu Ngọc Hoàng, cũng chỉ là cách người xưa dùng tâm linh khuyên con người đừng làm điều xấu.. Chứ thế kỷ 21, làm gì còn Ngọc Hoàng Thượng Đế..

Nên chúng tôi nói rằng: Thay vì bày mân cỗ cúng linh đình, hãy biến thành mâm cơm liên hoan sum vầy cuối năm, để cả nhà ngồi lại bên nhau. Cùng bàn chuyện dọn nhà  dẹp cửa, cùng nhau đón Tết, vui Tết..

Để ông Táo trở thành một nét văn hóa ngày giáp Tết, chứ không biến thành vị thần linh chuyên nghe ngóng ghi chép, cuối năm làm một chuyến về trời để "méc" chuyện xấu tốt của gia đình..    

Nhưng chị cứ khư khư: Còn nhiều nghi lễ nữa. Tỉ như là sau khi ông Táo về chầu trời, phải hóa vàng bài vị cũ của ông, mua bài vị mới, để ông về nhìn thấy sẽ vui, sẽ phù hộ.. Không thể cho phép truyền thống mai một.. 

Ba mẹ tôi đều lớn tuổi, chỉ mong tuổi già an vui. Việc thờ cúng ông Táo cũng là do kế thừa truyền thống. Có lúc xao lãng vì con cái quá bận, nên cũng không thúc ép, vì ông bà cũng biết: Có những tục lệ mang tính truyền thuyết. Và đến lúc nào đó sẽ trở thành sắc màu văn hóa, mang tính nghi thức hơn là ép buộc..

Nên vì cớ gì mà mua dây cột vào mình. Với những việc như cổ cúng linh đình, khấn vái xì xụp, rồi đốt thật nhiều vàng mã để ông Táo đi chầu thiên đình cho thật trơn tru..

Nhưng xem ra chị lớn vẫn chưa thuận.

Ngẫm cũng khó, khi có những truyền thống đã thành tiềm thức, và vẫn còn những ý thức thích trộn lẫn giữa văn hóa và mê tín..

Như có người: Cúng ông Táo là sau 12h ngày 23 tháng Chạp. Có người nói cúng vào buổi sáng 23, rồi người khác lại là trưa 23, chiều 23. Rồi thắp một tuần hương, hai tuần hương.. Cúng mặn hay cúng chay..

Có lẽ, với Tết Việt Nam, hãy để ông Táo sống mãi trong kho tàng cổ tích, trong câu chuyện sự tích ông đầu rau..

Để Tết là vui trong an bình, nghỉ ngơi. Chơi Tết hơn là cúng bái.

Mời bạn tham gia viết bài 'Tết của tôi'

Cứ mỗi độ xuân về, kỷ niệm về cái Tết lại ùa về trong mỗi chúng ta. Tết trong tôi là hương của chiếc áo mới. Tết của bạn là những những bao lì xì. Tết của những ai xa quê là mong về đoàn tụ bên gia đình, người thân...

Những thứ ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp, không cần hồi tưởng, nó vẫn cứ ùa về trong nỗi nhớ miên man.

Tết, cũng có thể không chỉ là kỷ niệm, mà còn là những chiêm nghiệm, suy nghĩ về bản thân, những điều cần làm, những yêu thương, dự định cần thắp lên.

Xuân Mậu Tuất sắp đến, nhằm ghi lại những ký ức đẹp và chia sẻ những suy nghĩ, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Tết của tôi ' cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.

Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ... có độ dài tối đa 1200 từ (có thể kèm theo clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.

Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: tetcuatoi@tuoitre.com.vn.Thông tin bạn đọc, số tài khoản... xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!



SƠN MINH.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên