03/10/2022 10:43 GMT+7

Ông mù lặn biển như rái cá

CHÍ CÔNG
CHÍ CÔNG

TTO - Giữa trưa, thủy triều ở Ba Hòn Cò lên nhanh. Gió rít mạnh, sóng vỗ ầm ầm. Nhưng ông Chín Liều, mù cả hai mắt, vẫn xách cái thùng ra biển và lặn bắt cá, mò cua thành thạo như ngư dân sáng mắt...

Ông mù lặn biển như rái cá - Ảnh 1.

Phút nghỉ ngơi trên bờ của ông mù - Ảnh: C.CÔNG

Cuộc sống giờ dư dả thì không dư dả, nhưng cha con tui sống được và sống vui vẻ, đùm bọc nhau. Ngày nào dư thì mình tích cóp để hôm khó cha con có cái xoay xở".

Chị Vương Thị Kim Vui

Cuộc mưu sinh dưới đáy biển của ông Chín Liều (Vương Hoài Ân, 58 tuổi, ở huyện Kiên Lương, Kiên Giang) hồi đó giờ kỳ lạ hổng giống bất kỳ ai. 

Không có ống hơi và đồ bảo hộ, ông mù này chỉ cần những dụng cụ đơn sơ như bao tay, cái thùng tự chế đựng cá và một chai nước uống cho đỡ khát...

"Con mắt đặc biệt" của ông mù

"Con cua, con cá, con tôm nào cũng khôn hết. Muốn bắt chúng hổng dễ chút nào. Nước thủy triều mà đang lên re re, chúng ém kỹ vào hang sâu, khó bắt dữ thần", ông Chín Liều cười nói rổn rảng.

Lội ra xa cách mé bờ chừng vài chục mét, hít một hơi thật sâu, ông Chín Liều nhẹ nhàng hụp xuống biển. Sóng trên mặt biển ở Ba Hòn Cò đánh mạnh hết đợt này đến đợt khác. Tôi nhìn theo chiếc thùng nổi nhấp nhô trên mặt biển để đoán đáy biển ông đang lặn.

Chút sau, ông Chín Liều ngoi lên mặt nước. Một tay ông mù vuốt mặt, tay còn lại đã cầm con cá mang ếch đang quẫy đuôi mạnh để tìm cách thoát thân mà ai thấy cũng hết sức ngỡ ngàng, nể phục.

"Ba Hòn Cò này đá nhỏ sắc bén xếp lớp dưới đáy biển nên cá mang ếch, cua đá ưa sống. Lặn xuống biển bắt cá, tui cảm nhận chủ yếu qua đôi tay. Chỗ nào có cá, có cua nó tung ra trúng tay mình mạnh lắm. Con cá có vẩy ở hang có rong. Cá không vẩy nó ở hang trơn. Lặn bắt riết tui biết mà không cần nhìn à", ông Chín Liều nói.

Cá, cua nào cũng bắt nhưng ông Chín Liều cảnh giác nhất là gặp cá mú, cá ngát - hai loài cá này mà không có thế bắt sẽ khó bắt được chúng.

Cá mú bự mạnh, thêm cả răng bén sắc. Còn cá ngát mình trơn, ngạnh dài mà đâm trúng thì ông Chín Liều có thể nhức cả cánh tay và nghỉ lặn biển dài ngày. Nói đâu xa, cách đây khoảng một năm, cũng tại bãi Ba Hòn Cò này, ông mù đã bị cá ngát đâm một nhát tới xương, phải nghỉ ở nhà cả tuần.

Sợ thì có sợ nhưng vì kiếm cơm bằng nghề "bà cậu" bắt cá, mò cua dưới biển nên gặp con nào ông cũng mừng. Đụng cá hiểm, ông phải nghĩ chiêu bắt chúng. Biết cá ngát, ông cẩn thận, hổng vội bắt ngay. 

"Sóng ngầm dưới biển đánh làm mình lắc lư, khó bắt lắm. Biết trúng cá thì tay vừa nhẹ nhàng vừa dứt khoát ấn mạnh chúng xuống đá hoặc bùn. Con cá bị kẹt lại không thoát được. Đụng cá ngát thì một tay bóp chặt đầu, tay còn lại cầm chắc đuôi cá", ông Chín Liều nói bí quyết. 

Lúc đang bắt cá lỡ hết hơi, ông chỉ cần uống ngụm thật nhỏ nước biển là có thể kéo dài thêm thời gian lặn.

Với cách săn bắt không cần nhìn này có ngày trúng mánh ông Chín Liều lặn bắt được 4-5kg cua đá, cá ngát có khi dính 4-5kg, rồi cá mang ếch... Ông đem ra chợ bán giá 100.000 đồng/kg cua đá, 40.000 - 50.000 đồng/kg cá ngát thì gia đình cũng có cái bén lửa nồi cơm no bụng.

Ông mù lặn biển như rái cá - Ảnh 3.

Ba Hòn Cò - vùng biển mà ông Chín Liều mù lặn biển mưu sinh - Ảnh: C.CÔNG

Bắt cá mú 50kg, mang danh Chín Liều

Tranh thủ lúc nghỉ lấy lại sức, ông Chín Liều kể khi sinh mình vẫn như bao đứa trẻ khỏe bình thường. Nhưng đến năm 7 tuổi, ông mắc bệnh nên bị mù.

"Ở biển hồi đó cha mẹ nghèo xác xơ, lại đông con. Tui bị bệnh, ba má cũng chạy chữa nhiều nhưng không hết. Chấp nhận hay không thì tui đành chịu sống mù lòa", ông Chín Liều chùng giọng. Mấy năm đầu bị mù, với cậu bé 7 tuổi là nỗi ám ảnh kinh hoàng, cả những thứ cơ bản sinh hoạt hằng ngày như ăn uống... cũng không thể tự lo được.

Nhưng nghĩ đến cha mẹ và anh chị em nghèo quá nên ông Chín Liều phải tìm cách tự sống và xin cha cho tập đi biển. Ban đầu ông chỉ dám theo cha xuống bãi biển đánh cá trích, giăng câu gần bờ cho quen dần với mùi biển. Sau đó, ông mới xin mấy anh đi đánh cá lưới khơi.

"Mấy ổng không cho đâu. Tui năn nỉ lắm mới được theo. Đi biển ở ngoài khơi, tui chênh vênh dữ lắm. Ghé vô đảo, lên bờ đi còn khó. Tui đi dò từ từ mà cũng có lúc cắm đầu xuống biển", ông Chín Liều cười kể.

Nhưng rồi đi riết đâm quen, và như người ta nói, người mù có "đôi mắt đặc biệt" của riêng mình. Dần dà, chân ông Chín Liều đi trên ghe cá vững vàng hơn. Ông cũng ngày càng lặn giỏi, gia đình mới cho đi ra khơi xa. Trong một lần đi câu, ông đã đánh cược mạng sống của mình để "thu phục" con cá mú đại dương bự khổng lồ mắc câu.

Hôm đó, tàu câu của ông ở khơi xa. Cá mú lớn dính câu, kéo sợi dây căng cứng. Cuộc chiến của cá mú khổng lồ và ông mù bắt đầu. Sóng gió mạnh, tàu lắc lư dữ dội. Ông Chín Liều nhanh tay cột cục chì 6kg vào mình và đeo bình hơi để chìm nhanh xuống biển. Ông hai tay men theo dây câu, lặn xuống đáy biển bắt cá. 

"Độ sâu tui xuống lúc đó khoảng 40m. Con cá mú bự nằm trong hang đá ghìm lại. Trầy trật phải mất 10 phút mới kéo nó ra khỏi hang đá" - ông mù nhớ lại, và con cá mú lúc đó nặng khoảng 50kg. "Vùng biển đó sâu, có cá mập. Tui lặn xong đợt đó có danh Chín Liều luôn", ông mù cười kể.

Ông Chín Liều kể thêm: "Tui lúc đó 20 tuổi, khỏe và được cái liều vì vùng biển đó sâu, có cá mập. Đâu mấy ai dám lặn đâu. Tui lặn luôn nên dính danh Chín Liều". Hơn 30 năm đi biển "trong bóng tối", nên khi lớn tuổi về huyện Kiên Lương sống, ông Chín Liều lại một mình lặn bắt cá, mò cua, nhưng cũng có lần ông đã bị sóng cuốn ra xa.

"Bữa đó tui mê lặn, sóng gió nổi lên vỗ ầm ầm, cuốn tui ra xa rồi không biết hướng nào vô bờ. May là tai tui thính nghe tiếng ghe chạy. Chỗ tui mò ốc thì ghe từ bờ chạy ra thường, nghe tiếng máy nổ tui định hướng lần mò vô, lúc đó khoảng 8h tối rồi", ông Chín Liều nhớ mãi lần hụt chết trên biển.

Ông mù lặn biển như rái cá - Ảnh 4.

Ông Chín Liều mù nhưng nhanh nhẹn như rái cá dưới biển - Ảnh C.CÔNG

Ở nhà lại nhớ biển cồn cào

Kể thêm chuyện đời mình, ông mù chân chất: "Hồi đó, tui còn trẻ và cũng có cô muốn kết bạn trăm năm. Nhưng tui mù lại đi biển miết, cưới về không lo được cho người ta thì cũng buồn lắm. Nghĩ bụng vậy mà tui ở một mình tới giờ".

Không có vợ, ông Chín Liều đã nhận con nuôi là chị Vương Thị Kim Vui cho vui nhà vui cửa. Chị Vui năm nay cũng ngoài 40 tuổi, có cô con gái đang học lớp 5.

Căn nhà nhỏ của ông mù có tiếng trẻ thơ vui vẻ, ấm áp hẳn lên. Mỗi ngày, ông đi lặn biển kiếm cá, cua về bán. Ở nhà chị Vui lo cơm nước, chờ ba về ăn. Bữa cơm hôm nay, chị Vui nấu canh khoai mỡ, cá biển muối chiên và ít miếng thịt heo kho mặn - những món ăn mà ba mình rất thích.

Chị Vui cũng đang cố khuyên ba mình nghỉ đi biển do tuổi tác lớn rồi, "ở nhà, cha con có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít, miễn sao an toàn, đầm ấm bên nhau". Nhưng ông nói đã quá quen "mùi biển" rồi, ở nhà lại nhớ biển cồn cào...

Có biệt tài kỳ lạ

Ông Huỳnh Văn Do ở huyện Kiên Lương cho hay biết ông Chín Liều khoảng sáu năm nay và rất thán phục biệt tài lặn biển bắt cá, mò cua của ông.

Ở đây không ai làm được như ông. Có khi ông đi lặn biển cả ngày. Người ta lặn có ống hơi, riêng ông Chín Liều lặn biển chỉ hai bàn tay không. Vậy mà nhiều lần ông lại bắt được nhiều hơn người sáng mắt, kể cả những con cá rất bự...

'Rái cá' biển Cồn Cỏ kể chuyện săn 'quái vật' 150kg dưới đáy đại dương

TTO - "Những con cá nhồng nặng 20kg trở lên có răng sắc nhọn như hai lưỡi mác. Phải ngắm bắn trúng vào huyệt "lá vàng rơi" của nó, nếu không nó kéo người mình chạy theo giống như chiếc thuyền. Còn săn cá đuối khổng lồ 150kg càng nguy hiểm hơn nữa".

CHÍ CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên