
Tỉ phú Elon Musk - Ảnh: REUTERS
Đề xuất của ông Musk
Theo tạp chí Newsweek, ý tưởng thành lập đảng chính trị mới mang tên "America Party" (Đảng Mỹ) đã được tỉ phú Elon Musk nêu lên kể từ khi rời chính quyền của Tổng thống Donald Trump vào tháng 5, và giữa lúc ông mâu thuẫn gay gắt với dự luật chi tiêu "Big Beautiful Bill" mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua.
Đúng vào Ngày Quốc khánh Mỹ 4-7, ông Musk đăng trên mạng xã hội X đề xuất cách mà "Đảng Mỹ" có thể xây dựng quyền lực và gây ảnh hưởng đáng kể ở Quốc hội.
"Ngày Quốc khánh là thời điểm hoàn hảo để hỏi liệu bạn có muốn giành lấy sự độc lập khỏi hệ thống lưỡng đảng hay không!", ông Musk viết.
Ông cho rằng đảng mới nên "tập trung tuyệt đối" vào 2 đến 3 ghế tại Thượng viện và 8 đến 10 ghế tại Hạ viện để có đủ quyền lực đóng vai trò then chốt trong việc quyết định dự luật nào được thông qua.

Bài đăng trên X của tỉ phú Elon Musk vào Ngày Quốc khánh Mỹ - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH
"Với những cách biệt sít sao hiện nay ở Quốc hội, số ghế đó đủ để nắm lá phiếu quyết định đối với các đạo luật gây tranh cãi, đảm bảo chúng phục vụ ý chí thực sự của người dân", tỉ phú Musk nhấn mạnh.
Tuyên bố của ông Musk được đưa ra sau một cuộc khảo sát gần đây của Quantus Insights với 1.000 cử tri, trong đó kết quả cho thấy 40% người được hỏi sẵn sàng cân nhắc ủng hộ đảng mới của ông.
Ông Musk từng viết hồi tháng 6: "Nếu dự luật chi tiêu điên rồ này được thông qua, Đảng Mỹ sẽ được thành lập ngay ngày hôm sau".
Có thực sự khả thi?
Chuyên gia chính trị cho rằng việc lập và duy trì một đảng thứ ba ở Mỹ là rất khó khăn. Nói với Newsweek, giáo sư khoa học chính trị Grant Davis Reeher tại Đại học Syracuse, "có một số rào cản về mặt cấu trúc để tạo dựng và duy trì một đảng thứ ba".
"Trừ một số ngoại lệ ở cấp địa phương, hệ thống bầu cử lập pháp và hành pháp của Mỹ dựa trên các khu vực bầu cử địa lý, và mỗi khu bầu một người duy nhất theo hình thức ai về nhất thì thắng, bất kể tỉ lệ phiếu bầu.
Mô hình đó được áp dụng trong bầu cử tổng thống thông qua cử tri đoàn. Ngoại trừ Nebraska và Maine, tất cả các bang đều trao toàn bộ số phiếu đại cử tri cho ứng viên về nhất", ông giải thích.
Điều này, theo ông, khiến các đảng không có khả năng về nhất khó có sức hấp dẫn với cử tri và "rất khó duy trì lâu dài kể cả khi đã thành lập được".
Ngoài ra, ông Reeher nhận định quan điểm chính trị của người Mỹ không quá đa dạng, nên càng khó để một đảng mới có thể bứt phá.
Trong khi đó, nhà khoa học chính trị Larry Sabato nói với Đài CNN: "Về lý thuyết thì điều này hoàn toàn khả thi, nhất là với người giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, đây là việc vô cùng khó khăn.
Tôi không nghĩ ông Elon Musk đã thực sự nghiên cứu kỹ quy trình thành lập một đảng chính trị. Những người như chúng tôi, sau hàng thập kỷ nghiên cứu, đều biết rằng bạn phải sẵn sàng dành lượng lớn thời gian, tiền bạc và lên kế hoạch cực kỳ kỹ lưỡng. Liệu ông Musk có theo đuổi lâu dài không?".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận