Anh Nguyễn Toại Nguyện đưa mai vàng đến trưng bày, dự thi tại Hội hoa xuân Tao Đàn 2018 - Ảnh: LÊ PHAN
Với nghệ nhân mai vàng, thành tựu lớn nhất chính là sau một năm chăm sóc, những ý tưởng, sáng tạo thể hiện trên cây mai của mình được đón nhận"
Anh Nguyễn Toại Nguyện
Như nhiều vùng đất khác của Nam Bộ, Sài Gòn xưa cũng có nhiều làng mai nức tiếng như làng mai Thủ Đức, Gò Vấp, An Phú Đông. Nhưng rồi theo thời gian, quá trình đô thị hóa cùng khí hậu ngày càng khắc nghiệt khiến những làng mai này thu hẹp dần.
Thế nhưng có một người vẫn âm thầm gìn giữ và phát triển làng mai, còn tìm cách đưa mai vàng sang Pháp, Mỹ. Anh là Nguyễn Toại Nguyện - nghệ nhân mai 8X ở huyện Hóc Môn, TP.HCM nhiều năm liền đạt giải cao tại các kỳ Hội hoa xuân.
Đưa mai vàng đón tết trời Âu
Gặp chúng tôi ngày giáp tết, anh "khoe" vừa chuyển qua Pháp 5 cây mai vàng cho khách. Trước đó anh đã 5 lần xuất ngoại hơn 40 cây mai vàng sang Mỹ.
Để đưa mai ra nước ngoài, theo anh Nguyện là một "hành trình gian khổ". "Phải mất hơn 6 tháng, nhờ nhiều mối quan hệ thân quen tôi mới làm xong thủ tục để chuyển mai qua Mỹ. Nhưng trong 5 lần chuyển mai thì có 3 lần bị trả ngược trở lại. Bởi chỉ cần một cây trong lô mai còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có nấm bệnh, lập tức mai bị trả về", anh Nguyện chia sẻ.
Đó là chưa kể mai trước khi xuất ngoại phải ở trạng thái "ngủ đông": cây được bứt hết lá, lấy hết đất, bộ rễ được quấn bông, mút xốp xung quanh, đóng thùng đưa lên tàu vượt đại dương mất hàng chục ngày, thậm chí hàng tháng nên cây bị mất sức, thậm chí chết khi bị trả về.
Khi mai qua được trời Tây, tiếp tục có một quy trình dưỡng trong nhà kính với các đèn sưởi ấm một thời gian dài.
"Do điều kiện khí hậu khác nhau nên mai cần được chăm sóc trong điều kiện đặc biệt. Với bà con xa xứ, dịp tết cổ truyền, được ngắm cây mai dù trổ vài bông cũng là điều rất trân quý, giúp họ cảm nhận được cái ấm áp của mùa xuân quê hương", anh Nguyện nói.
Trong giới trồng mai TP.HCM, hiện anh là một trong ít nghệ nhân liên tục đạt các giải cao về mai vàng tại Hội hoa xuân cấp thành phố, đồng thời là một trong những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn.
Người dân thưởng ngoạn mai vàng tại Hội hoa xuân Tao Đàn ngày 11-2-2018 - Ảnh: QUANG KHẢI
Năm 2014, do thời tiết thất thường, mai vàng khắp vùng miền trổ bông ít nhưng mai của anh vẫn bung đầy nụ, rực sắc màu nên đã đoạt giải mai vàng đặc biệt (giải cao nhất) Hội hoa xuân năm đó. Năm 2015, anh tiếp tục rinh giải đồng về mai vàng...
Nhắc đến giải thưởng, anh cười nói: "Với nghệ nhân mai vàng, thành tựu lớn nhất chính là sau một năm chăm sóc, những ý tưởng, sáng tạo thể hiện trên cây mai của mình được đón nhận". Đây cũng chính là động lực thôi thúc anh và các nghệ nhân mai vàng tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề mai.
Hiện anh đang ấp ủ kế hoạch xây dựng thương hiệu mai đạt chuẩn GlobalGap để đưa mai đến với nhiều người Việt ở nước ngoài hơn. Ngoài vườn mai ở Hóc Môn, anh còn mua 4ha đất ở Long An trồng hơn 10.000 gốc mai để từng bước thực hiện kế hoạch của mình.
Từ thầu xây dựng thành nghệ nhân mai
Học kinh tế, ra trường làm xây dựng rồi bất ngờ chuyển sang nghề mai, mọi thứ đến với chàng trai Nguyễn Toại Nguyện chỉ có thể bắt đầu bằng chữ "duyên". Anh cho biết sau khi ra trường, anh làm chủ thầu xây dựng nhà cửa quy mô nhỏ ở huyện Hóc Môn và học thêm chứng chỉ về kiến trúc để chắc tay nghề.
Cuối năm 2003, anh đến nhà một người bạn ở quận 10 chơi và rất ấn tượng với một cây mai vàng dáng lạ, bông nhiều, khác hẳn những cây mai dáng tự nhiên bán ở chợ hoa. Bạn anh cho biết đây là giống mai miền Trung, giá gần 3 triệu đồng.
Không lâu sau đó, trong một lần ra Bình Định, anh phát hiện những cây mai tương tự nhưng hỏi giá chưa tới 1 triệu đồng. Là dân kinh tế, anh nghĩ ngay: sao mình không thử mua về bán Tết kiếm thêm thu nhập?
Nghĩ là làm, anh liên hệ nhà vườn, thuê xe tải chở vào Sài Gòn hơn 300 gốc mai. Nhưng ngay lần buôn mai đầu tiên này, anh không gặp may khi quá trình vượt hàng trăm km, một tầng chứa mai bên trong xe tải bị sập, đè gãy hơn 1/3 số cây mai nằm phía dưới.
Nhiều người trồng mai, các nghệ nhân còn khuyến cáo anh rằng mai miền Trung không hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Sài Gòn nên sẽ không bung nụ như mong muốn. Nhưng những điều này càng khiến anh quyết tâm ''chinh phục'' cây mai.
"Lúc đó tôi nghĩ tuy khí hậu có khác nhau nhưng nếu tiếp cận được kỹ thuật chăm sóc, mình sẽ tạo được giống mai mới, chất lượng", anh Nguyện nhớ lại.
Thế là anh khăn gói ra miền Trung thọ giáo kỹ thuật chăm sóc mai của các nghệ nhân lão luyện ở đây, rồi liên hệ với Trường Đại học nông lâm TP.HCM để học thêm kiến thức, kỹ thuật trong cách lai tạo giống, chiết cành, xử lý sâu bệnh…
"Mai miền Trung thiên về dáng thế và bông nhiều cánh, màu đậm như hoa cúc. Còn mai miền Nam bông to, cánh dày, màu vàng tươi. Thời gian canh lặt lá mai ở hai vùng chênh lệch nhau rất nhiều ngày", anh cho biết.
Từ những kiến thức học được, anh đã lai tạo ra giống mai vàng mang ưu điểm của cả mai hai miền: bông nhiều, to, màu tươi, cánh lớn và lâu tàn.
"Ở Sài Gòn hiện nay chắc chưa có nghệ nhân nào nhiều hơn 12.000 gốc mai như anh Nguyện. Điều đáng quý ở anh là không giấu nghề, anh sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật chăm sóc mai trên các trang mạng, tạp chí về cây cảnh", ông Hồ Vĩnh Anh - trưởng bộ môn mai vàng Công ty TNHH một thành viên công viên cây xanh TP.HCM nói.
Tạo việc làm thời vụ cho người khó khăn
Với vườn mai hàng ngàn gốc, hàng năm vào khoảng thời gian 14, 15 tháng Chạp (âm lịch), anh Nguyện phải thuê khoảng 50 lao động để lặt lá, chăm sóc mai. Và các ''suất'' làm việc này anh đều để dành cho những người khó khăn, người lớn tuổi, trẻ bán vé số.
"Với tiền công 250.000 đồng/ngày, tôi kiếm được tiền triệu mua dưa, thịt cho mấy ngày Tết", cô Hương, một người dân được anh thuê cho biết.
Mai tại vườn nhà anh Nguyện được lặt lá, kiểm tra trước khi đưa ra thị trường Tết - Ảnh: QUANG KHẢI
Người làm thuê lặt lá mai tại vườn của anh Nguyện thời điểm 15 tháng chạp - Ảnh: QUANG KHẢI
Giấy chứng nhận anh Nguyện đoạt giải mai vàng ở Hội hoa xuân Tao Đàn - Ảnh: QUANG KHẢI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận