11/03/2021 10:55 GMT+7

Ông Biden ưu tiên dân Mỹ, nói 'có dư mới chia sẻ vắc xin' với thế giới

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Tuyên bố xuất hiện trong cùng ngày Mỹ, EU và một số nước giàu bác bỏ một nỗ lực tập thể của 80 nước ở Tổ chức Thương mại thế giới. Nhóm này kêu gọi tạm thời bỏ các quy định về sở hữu trí tuệ để tăng tốc sản xuất vắc xin trong nước.

Ông Biden ưu tiên dân Mỹ, nói có dư mới chia sẻ vắc xin với thế giới - Ảnh 1.

Binh sĩ Mỹ tiêm vắc xin Pfizer cho một người dân ở Florida ngày 10-3 - Ảnh: REUTERS

"Chúng tôi sẽ bắt đầu và đảm bảo người Mỹ được chăm sóc trước tiên rồi mới cố gắng giúp phần còn lại của thế giới", Tổng thống Biden nói với báo giới Mỹ ngày 10-3. 

Phát ngôn được đưa ra ngay sau khi ông Biden chỉ đạo mua thêm 100 triệu liều vắc xin của hai hãng Merck và Johnson & Johnson.

Mặc dù thừa nhận đại dịch COVID-19 sẽ không biến mất cho tới khi toàn thế giới đều chế ngự được virus, ông Biden nhấn mạnh chính quyền ông vẫn ưu tiên dân Mỹ trước.

"Nếu có dư, chúng tôi mới chia sẻ với thế giới. Chúng tôi biết sẽ không an toàn cho tới khi cả thế giới đều được an toàn", Tổng thống Biden khẳng định, đồng thời lưu ý Mỹ đã cam kết sẽ chi 4 tỉ USD cho cơ chế phân phối vắc xin COVAX.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cam đoan chính quyền ông Biden vẫn muốn góp sức cho tham vọng tiêm chủng toàn cầu, song trước tiên cần đảm bảo tiêm đủ liều cho những người Mỹ "muốn được tiêm chủng".

Cũng theo bà này, Washington đang thảo luận với các đối tác về việc triển khai vắc xin ngừa COVID-19 tới những nước đang phát triển nhưng từ chối đi vào chi tiết.

Theo hãng tin Reuters, tuyên bố xuất hiện trong cùng ngày Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước giàu bác bỏ một nỗ lực tập thể của 80 nước ở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhóm này kêu gọi WTO vì đại dịch khẩn cấp, hãy tạm thời bỏ các quy định về sở hữu trí tuệ với hi vọng có thể tăng tốc sản xuất vắc xin, đáp ứng nhu cầu trong nước.

Nam Phi và Ấn Độ là hai nước đi đầu trong nỗ lực này. Tuy nhiên, các nước giàu như Mỹ lập luận cần phải bảo vệ sở hữu trí tuệ vắc xin COVID-19, bởi có như vậy mới khuyến khích được đổi mới và sáng tạo, giữ ổn định nguồn cung và giá vắc xin.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, tính đến sáng 9-3 đã có gần 128 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 được phân phối trên khắp nước Mỹ. Hơn 96 triệu liều trong số này đã được tiêm cho người dân.

Đừng mơ xin xỏ bản quyền vắc xin COVID từ các ông lớn Đừng mơ xin xỏ bản quyền vắc xin COVID-19 từ các ông lớn

TTO - Chính phủ Mỹ đang chịu sức ép từ giới vận động hành lang trừng phạt Hungary, Colombia, Chile và một số nước khác vì có ý định đẩy nhanh sản xuất thuốc và vắc xin ngừa COVID-19 mà không có sự cho phép của các công ty dược.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên