02/05/2021 20:16 GMT+7

Ông Biden đầu tư cho xe lửa kiểu 'ăn chắc mặc bền'

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục chiến dịch cổ súy cho kế hoạch cải thiện hạ tầng và tạo việc làm trị giá hơn 2.000 tỉ USD với mục tiêu lâu dài là đầu tư để kích thích phục hồi kinh tế Mỹ.

Ông Biden đầu tư cho xe lửa kiểu ăn chắc mặc bền - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu ở Philadelphia nhân kỷ niệm 50 năm thành lập của hãng xe lửa quốc gia Amtrak - Ảnh: REUTERS

Ông Biden đã có mặt ở Philadelphia nhân kỷ niệm 50 năm thành lập của hãng xe lửa quốc gia Amtrak. Rõ ràng có thể thấy ngành đường sắt nằm trong trọng tâm phục hồi kinh tế của ông dù người dân Mỹ đang dần từ bỏ phương tiện đi lại vốn quen thuộc này để chỉ đi lại bằng xe hơi cá nhân hoặc máy bay.

Ông Biden là "mối ruột" của xe lửa 

Các chuyên gia cho rằng ông Biden có lý do ưu ái cho Amtrak, bởi trong suốt 30 năm ròng, ông đã đi xe lửa hầu như mỗi ngày giữa Wilmington, trụ sở của ông ở bang Delaware và Washington, nơi ông có mặt làm việc với vai trò thượng nghị sĩ.

Ông đã phải đi hàng ngàn chuyến xe lửa như thế bởi sau khi người vợ đầu mất trong tai nạn xe hơi, ông Biden đã hứa với hai con trai là sẽ trở về nhà mỗi chiều tối. Cũng chính vì thế mà ông còn có biệt danh là Amtrak Joe.

Tại Philadelphia, ông cho chuẩn bị hậu cảnh là một đoàn tàu khi phát biểu và ông không giấu giếm khi nói "Amtrak đã trở thành thân thuộc như gia đình tôi".

Trong kế hoạch đầu tư cho hạ tầng trị giá hơn 2.000 tỉ USD của ông, có đến 80 tỉ sẽ được dành cho đầu tư làm mới hệ thống đường ray đã xuống cấp và không rộng mở đúng mức.

"Hãy hình dung việc đi từ Atlanta đến Charlotte chỉ mất 2 giờ tàu, từ Chicago đến Detroit chỉ trong 2 giờ 30 phút. Đi xe lửa giữa Los Angeles và Las Vegas thậm chí còn nhanh hơn! Chưa kể trong kế hoạch đầu tư này chúng ta còn có cơ hội cực lớn để tạo ra việc làm khi tạo dựng lại phương tiện giao thông nhanh chóng, an toàn và sạch sẽ cho nước Mỹ", ông Biden giải thích.

Thật sự thì phần lớn người dân Mỹ mong muốn hạ tầng cơ sở với đường sá và cầu cống được cải thiện và nguồn tiền được lấy từ thuế cao hơn với các doanh nghiệp.

Ông Biden đầu tư cho xe lửa kiểu ăn chắc mặc bền - Ảnh 2.

Nhà xưởng ở Middlebury, bang Indiana (Mỹ). Công việc ổn định quan trọng cho hồi phục kinh tế hơn là những khoản chi hỗ trợ - Ảnh: REUTERS

Nhưng để có thể thông qua được dự luật ở Hạ viện, ông Biden phải thuyết phục cho được các nghị sĩ bên Cộng hòa - những người đang cho rằng chương trình của ông "quá tham vọng" và nhiều nghị sĩ không muốn lấy thuế của doanh nghiệp cao hơn nữa trong bối cảnh đại dịch đã làm nhiều người kinh doanh mệt mỏi.

Lấy tiền ở đâu ra?

Theo hãng tin Bloomberg, kế hoạch của ông Biden đang dẫn đến một cuộc tranh luận khác: Liệu có nên tài trợ cho gói chi tiêu này bằng cách tăng thuế hay không, và nếu có thì thực hiện thế nào?

Ông Biden đề xuất tăng thuế doanh nghiệp lên 28%. Thượng nghị sĩ Joe Manchin, thuộc Đảng Dân chủ có đường lối bảo thủ đến từ bang Tây Virginia, thì lại nhấn mạnh không muốn mức thuế quá 25%. Ngoài ra, các tổ chức kinh doanh và phe bảo thủ cũng đã lên tiếng phản đối đề xuất này.

Một số đảng viên Dân chủ hay thậm chí cả các quan chức chính quyền cho rằng không cần tài trợ cho toàn bộ gói xây dựng cơ sở hạ tầng này, nhưng chính ông Biden đã kiên quyết yêu cầu giải ngân toàn bộ gói chi tiêu này trước khi Nhà Trắng công bố. 

Các trợ lý của Nhà Trắng tin rằng hai đảng sẽ đạt được đồng thuận về một số phần trong kế hoạch, nhưng quá trình giải ngân sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết cơ sở hạ tầng là một trong những khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất cho nền kinh tế tại thời điểm này và chỉ riêng đề xuất tăng chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển cũng sẽ đưa Mỹ quay trở lại mức chi tiêu công ngang những năm 1960 - một mức chi tiêu chưa từng lặp lại cho đến nay. 

"Nghiên cứu và phát triển là yếu tố quan trọng quyết định năng suất của nền kinh tế", bà Yellen lập luận.

Một cựu trợ lý cho biết suy cho cùng, ông Biden là một người thực dụng và ông nhìn nhận chính trường là nghệ thuật biến những điều không thể thành có thể. Ông sẵn sàng hành xử vượt quá giới hạn để đạt được mục đích.

Theo nghị sĩ James Clyburn, một nhân vật có thế lực trong chính quyền, Tổng thống Biden cần phải đi đúng hướng. Ông Clyburn nhận định: "Joe có nhiều kinh nghiệm. Ông ấy biết mình sẽ không thể có được tất cả mọi thứ cho dù có đòi hỏi thế nào đi chăng nữa. Vậy tại sao không đưa ra nhiều đòi hỏi hơn?".

Theo một quan chức Mỹ, ông Biden có thể tiến tới các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ chỉ bằng một câu hỏi đơn giản: Bạn có đang sống tốt hơn trước hay không? 

Bằng cách đẩy mạnh tiến trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19, hỗ trợ tài chính cho các gia đình và tìm cách tạo công ăn việc làm tốt hơn cho tầng lớp lao động, về cơ bản, ông đang xây dựng nền tảng kinh tế cho năm 2022: Đảng Dân chủ mang đến chỗ dựa tài chính vững chắc hơn cho người Mỹ. Cuộc thăm dò gần đây cho thấy đa số người Mỹ ủng hộ cách quản lý kinh tế của Biden.

Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức cam go. Sự do dự trong quá trình triển khai tiêm vắc xin có thể cản trở nỗ lực khống chế đại dịch. Nếu Quốc hội không thông qua các dự luật lớn tiếp theo của ông Biden, thì nghị trình có ảnh hưởng sâu rộng của ông sẽ mất đi phần nào giá trị. 

Tổng thống Biden đã công bố Kế hoạch việc làm Mỹ và kế đó là Kế hoạch gia đình Mỹ (trợ giúp các gia đình đưa con đi nhà trẻ). Các trợ lý của ông dự đoán cuộc tranh luận về hai kế hoạch này sẽ kéo dài đến mùa thu, cho dù họ công khai tuyên bố muốn thúc đẩy gói xây dựng cơ sở hạ tầng trước ngày kỷ niệm Chiến sĩ trận vong (31-5).

Bình Nhưỡng tố Tổng thống Biden giữ chính sách thù địch với Triều Tiên Bình Nhưỡng tố Tổng thống Biden giữ chính sách thù địch với Triều Tiên

TTO - Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 2-5 tuyên bố các bình luận gần đây từ Tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng như các thành viên chính phủ của ông, cho thấy Washington vẫn giữ chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng.

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên