10/10/2024 18:07 GMT+7

Ở trọ long đong không được vay tiền, cháu đậu đại học, cả nhà ôm nhau khóc

Kể từ ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học, Trần Thị Thảo Nguyên - tân sinh viên Trường đại học Kiên Giang - đi xin vay vốn để đóng học phí nhập học, nhưng không đủ điều kiện. Mẹ con bà cháu ôm nhau khóc sướt mướt.

Ở trọ long đong không được vay vốn, cháu đậu đại học, cả nhà ôm nhau khóc - Ảnh 1.

Em Trần Thị Thảo Nguyên (phải) phụ tiếp mẹ là bà Nguyễn Thị Minh Hồng phụ hồ tại công trình xây dựng nhà ở TP Rạch Giá - Ảnh: BỬU ĐẤU

Không có nhà nên không vay vốn đi học được

Cơn mưa nặng hạt cũng không làm căn nhà trọ ở đường Tú Xương, phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang mát hơn. Trong căn phòng trọ chật hẹp, đã xuống cấp, chị Nguyễn Thị Minh Hồng (mẹ của Nguyên) và chồng sau của chị như đang trên "đống lửa" vì món học phí đại học của con.

Chị Hồng và cha bé Nguyên ly thân khi bé mới 1 tuổi. Nguyên ở với bà ngoại 79 tuổi. Cả hai bà cháu đều ở nhờ nhà ông Út, em ruột bà ngoại.

Năm 2009, chị Hồng chính thức ly hôn. Vài năm sau chị tái hôn, ở trọ cách nhà ông Út khoảng 3km. Nguyên ở với bà rồi qua lại chỗ mẹ.

"Nó ham học lắm, mà tôi không có tiền đóng cho nó học THPT. Thấy vậy, thầy chủ nhiệm đã xin các nhà hảo tâm hỗ trợ cho nó tiền đóng học phí suốt 3 năm học.

Vợ chồng tôi có cực khổ mấy cũng cố gắng kiếm tiền lo cho con, nhưng lần này nó vào đại học đã vượt quá khả năng của tôi.

Bữa đó, tôi dẫn nó lên khu phố xin vay vốn học sinh mà họ không cho, nên về nhà ngồi khóc suốt. Họ nói tôi không có nhà cửa rõ ràng mà chỉ ở trọ là không đủ điều kiện cho vay", chị Hồng kể.

Thảo Nguyên đã trúng tuyển ngành thương mại điện tử của Trường đại học Kiên Giang, với số điểm 24,1.

Còn anh Hà Hải Đăng - trưởng khu phố Võ Trường Toản, phường Vĩnh Quang - kể cách nay vài ngày, mẹ và bé Thảo Nguyên đến phường Vĩnh Quang xin vay vốn ngân hàng thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ để đi học đại học. Tuy nhiên, Hội Liên hiệp Phụ nữ không thể cho vay được vì không đáp ứng các điều kiện, nên họ kêu hai mẹ con quay về khu phố.

"Bé Thảo Nguyên học giỏi, chịu khó ở địa phương thì ai cũng biết. Tuy nhiên muốn vay vốn phải có nhà ở rõ ràng mới được. Tội nghiệp, nó nhà nghèo vậy nhưng lúc nào cũng học giỏi, học lực lúc nào cũng trên 8 điểm mỗi môn", anh Đăng nói.

Ở trọ long đong không được vay vốn, cháu đậu đại học, cả nhà ôm nhau khóc - Ảnh 2.

Hiện nay để kiếm tiền đi học, Nguyên đã xin vào cửa hàng gà rán tại đường 3 Tháng 2, TP Rạch Giá. Mỗi ngày Nguyên làm từ 16h đến 22h, được gần 100.000 đồng/ngày - Ảnh: BỬU ĐẤU

Lớp 7 đã đi bán vé số phụ bà, thầy giáo thương hết lòng

Ở trọ long đong không được vay vốn, cháu đậu đại học, cả nhà ôm nhau khóc - Ảnh 3.

Từ bé, Trần Thị Thảo Nguyên và bà ngoại đã rong ruổi khắp các con đường ở TP Rạch Giá để bán vé số mưu sinh - Ảnh: BỬU ĐẤU

Để có tiền đi học, hằng ngày Thảo Nguyên đã đi bán vé số dạo cùng với bà ngoại từ lúc lớp 7 đến lớp 11. Nếu học buổi sáng thì buổi chiều cô đi bán vé số và ngược lại. Mẹ cô làm phụ hồ vất vả cũng gửi thêm tiền cho con.

Năm học lớp 12 là khoảng thời gian Nguyên mất ngủ nhiều nhất vì phải suy nghĩ áp lực tài chính gia đình, học gì, làm gì. "Thậm chí có lúc đến 3h sáng tôi mới ngủ, rồi đến 7h phải đi học. Gần thi đại học, tôi vẫn còn băn khoăn chưa biết chọn ngành nào, trường nào. Sau đó, tôi nhớ lại những lần mẹ vất vả chạy mượn tiền thì quyết sẽ vào Trường đại học Kiên Giang, không cần phải học ở TP.HCM như bạn bè" - Nguyên kể.

Thầy Hoàng Văn Linh - giáo viên Trường THPT Nguyễn Trung Trực, TP Rạch Giá - cho hay Thảo Nguyên là học sinh giỏi liên tục 3 năm của trường.

"Tôi đã vận động một số phụ huynh hỗ trợ Thảo Nguyên tiền học phí trong suốt thời gian đi học. Thảo Nguyên học rất siêng năng, chăm chỉ. Đặc biệt, năm học lớp 12 em đạt loại giỏi, đứng nhất lớp", thầy Linh nói.

Ở trọ long đong không được vay vốn, cháu đậu đại học, cả nhà ôm nhau khóc - Ảnh 4.

Vì ở nhà trọ trong căn phòng nhỏ, hẹp nên Trần Thị Thảo Nguyên không được vay vốn học tập, khiến mẹ em phải khóc nghẹn - Ảnh: BỬU ĐẤU

Ở trọ long đong không được vay vốn, cháu đậu đại học, cả nhà ôm nhau khóc - Ảnh 5.

Sau giờ học, Trần Thị Thảo Nguyên đã mượn xe để chở ngoại về nhà - Ảnh: BỬU ĐẤU

Bà ngoại 79 tuổi muốn... bán thận cho cháu học

Ở trọ long đong không được vay vốn, cháu đậu đại học, cả nhà ôm nhau khóc - Ảnh 6.

Khi nghe cháu ngoại buồn vì không vay vốn được, cụ Dương Thị Hà định tìm cách bán thận để lấy tiền cho cháu ăn học - Ảnh: BỬU ĐẤU

Từ khi nuôi Thảo Nguyên 3 tuổi cũng là ngần ấy thời gian bà Dương Thị Hà (nay đã 79 tuổi, bà ngoại Thảo Nguyên) đi bán vé số dạo khắp các tuyến đường nội ô trong TP Rạch Giá. Hằng ngày, cụ bà có dáng người gầy, làn da rám nắng đi khắp các con đường, ngõ hẻm bán từng tờ vé số dạo. Mỗi ngày bà bán từ 120-150 tờ vé số. Để thuận lợi theo dõi cháu học tập, cụ bà còn đến trước cổng trường để vừa bán vé số vừa đợi cháu ra về.

"Nó đậu đại học, tôi cũng mừng lắm, nhưng tôi không có tiền cho cháu ăn học lâu dài. Tiền bán vé số ngày nào xài hết ngày đó rồi. Mẹ con nó lên phường xin vay vốn không được, tôi đã tính tìm cách đi bán thận lấy tiền cho cháu nó đi học. Chắc hết cách thì phải đến nước đó, để cháu có thể thay đổi", bà Hà nói trong nghẹn ngào nước mắt.

Cuối cùng, mẹ Nguyên đã mượn tiền của người dì bà con xa 6.260.000 đồng để Nguyên bước đầu đến trường. "Mẹ mới đi làm lại phụ hồ nên chưa có tiền, còn bà ngoại thì bán vé số ít lại. Tôi cũng xin vào chỗ làm mới cũng chưa có tiền", Thảo Nguyên ngậm ngùi nói.

Ở trọ long đong không được vay vốn, cháu đậu đại học, cả nhà ôm nhau khóc - Ảnh 7.

Buổi cơm sum họp của gia đình thường xuyên vẫn là lề đường - Ảnh: BỬU ĐẤU

Thư Thảo Nguyên gửi học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ:

"Mong sau này tôi có thể chăm lo cho gia đình có một cuộc sống tốt hơn"

"Mẹ đi phụ hồ từ 6h sáng cho đến gần chiều tối mới về đến nhà. Khi mẹ đi làm, tôi ở cùng bà ngoại. Bà lo lắng chăm sóc từng bữa cơm, từng cái áo mặc. Dù còn nhỏ, chưa hiểu chuyện mấy, nhưng tình yêu thương tôi cảm nhận rất rõ cho đến tận bây giờ. Khi tôi học tới lớp 3, mẹ vẫn tiếp tục công việc đi làm phụ hồ, còn ngoại thì đi bán vé số để có thể lo cho cuộc sống của tôi được tốt hơn.

Tôi nhận thức được hoàn cảnh gia đình mình khó khăn và đi bán vé số với ngoại. Việc bán vé số gắn liền với tôi suốt khoảng thời gian từ lớp 3 cho đến hết lớp 9. Và khi lên THPT, thời gian của tôi hầu như chỉ xoay quanh việc học nên chỉ có thể tiếp tục bán vé số vào dịp hè lớp 10 và lớp 11.

Tôi không cho phép mình gục ngã. Dù mệt mỏi đến đâu, tôi vẫn cố gắng học để đáp lại mong muốn của mẹ và bà ngoại".

Ở trọ long đong không được vay vốn, cháu đậu đại học, cả nhà ôm nhau khóc - Ảnh 8.

Liên tục 3 năm học cấp 3, Trần Thị Thảo Nguyên là học sinh giỏi đứng đầu cả lớp, nên được thầy chủ nhiệm vận động tài trợ học phí cho em - Ảnh: BỬU ĐẤU

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phầntập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", Phú Yên; Câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre và CLB Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi LifeViệt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ...

Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacamcòn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 ba lô trị giá khoảng 250 triệu đồng.

Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng. Thông qua ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên...

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công Thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Ở trọ long đong không được vay vốn, cháu đậu đại học, cả nhà ôm nhau khóc - Ảnh 9.

Ở trọ long đong không được vay vốn, cháu đậu đại học cả nhà ôm nhau khóc - Ảnh 10. Tiếp sức đến trường: Các bạn chỉ cần trả nợ cho tương lai chính mình

"15 triệu đồng không thể đủ cho mấy năm đại học, nhưng gói đủ những ân tình, niềm tin" - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế Nguyễn Tân nói tại lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ cho sinh viên Huế - Quảng Ngãi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên