04/10/2024 15:28 GMT+7

Tân sinh viên liệt nửa người vào Đại học Vinh: Tự mình trở thành điều kỳ diệu

Biến cố từ vụ tai nạn giao thông làm cậu học trò nhỏ xứ Nghệ liệt nửa người. Mọi việc đi lại, sinh hoạt hằng ngày phải nhờ vào bàn tay chăm sóc của người mẹ và "người bạn" là chiếc xe lăn.

Con liệt nửa người vào đại học luôn có bóng hình mẹ: Đi học tiếp để chiến thắng số phận - Ảnh 1.

Tân sinh viên Trần Anh Đức và mẹ trong căn phòng trọ gần Trường ĐH Vinh - Ảnh: DOÃN HÒA

Vượt lên nghịch cảnh đời mình, chàng trai ấy rất sáng dạ và vừa trúng tuyển vào Trường ĐH Vinh (Nghệ An). Trên hành trình chông gai đến giảng đường bằng xe lăn của cậu luôn có bóng hình mẹ.

Tân sinh viên Trần Anh Đức: Tự biến đời mình thành điều kỳ diệu

Cú tông xe khiến một cuộc đời thành nghịch cảnh

"Gia đình tôi chỉ có hai mẹ con, phải thuê trọ để được đi học. Mẹ tôi đã hai lần mổ cột sống, đi lại khó khăn và chưa có việc làm. Còn tôi là tân sinh viên Trường ĐH Vinh, bị liệt nửa người, phải đi bằng xe lăn đến trường hết sức khó khăn" - Trần Anh Đức tâm sự trong lá thư gửi đến chương trình Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ.

Nhà trọ của hai mẹ con Đức là căn phòng không khép kín, nằm gần Trường ĐH Vinh, lợp bằng mái tôn, rộng chỉ chừng 20m2 còn ngổn ngang đồ đạc mà hai mẹ con mới chuyển từ quê xuống thành phố chưa kịp sắp xếp.

Mẹ Đức - bà Lê Thị Đương (58 tuổi) - lưng đeo đai lưng cột sống khó nhọc bê tấm kệ sắt nặng cho vừa với cửa phòng trọ thì Đức mới chạy xe lăn vào trong được. Gần một tháng nay, mỗi ngày khi Đức tới trường, bà Đương đều phải làm việc này, bởi nền phòng trọ thấp hơn bên ngoài.

Bà Đương kể thuở học sinh trong lúc đi đò qua sông đến trường do trượt ngã, lưng bà đập vào mạn thuyền, bị chấn thương cột sống. Tuổi thanh xuân của bà là những chuỗi ngày dài bệnh tật, và phải trải qua hai lần phẫu thuật cột sống.

Đến năm bà 39 tuổi, Đức ra đời trong niềm vui và mơ ước về một mái ấm mẹ con nương tựa nhau. Bà thuê một căn phòng nhỏ ở thị trấn Mường Xén, huyện miền núi Kỳ Sơn, mở quầy tạp hóa trước cổng trường học kiếm sống qua ngày.

Con liệt nửa người vào đại học bằng xe lăn có bóng hình mẹ - Ảnh 2.

Bạn Trần Anh Đức và mẹ ở quán tạp hóa nhỏ vào năm 2018 - Ảnh: ĐÀO THỌ

Nhưng niềm vui của người mẹ đơn thân rất ngắn ngủi khi vụ tai nạn đáng tiếc đã khiến con bà mang thương tật suốt đời.

Tháng 4-2010, Đức mới vừa lên 5 tuổi, một chiếc ô tô đã đụng phải xe đạp chở Đức tới trường. Đức bị xe tông văng xuống cống bên vệ đường và bất tỉnh.

"Cháu được bác sĩ kết luận bị đứt dây thần kinh ở đốt sống lưng, nửa người từ ngực xuống dưới bị liệt. Mọi sinh hoạt vệ sinh cá nhân của con đều một tay tôi chăm sóc từ đó đến nay…", bà Đương vừa nói vừa lấy tay lau nước mắt.

Con liệt nửa người vào đại học bằng xe lăn có bóng hình mẹ - Ảnh 3.
Con liệt nửa người vào đại học bằng xe lăn có bóng hình mẹ - Ảnh 4.
Con liệt nửa người vào đại học bằng xe lăn có bóng hình mẹ - Ảnh 5.

Bị liệt nửa người sau tai nạn giao thông, cuộc sống của Đức phụ thuộc vào người mẹ già yếu - Ảnh: DOÃN HÒA

"Nếu bạn không nhận được một điều kỳ diệu, hãy tự mình trở thành điều kỳ diệu"

Thấy mẹ khóc khi kể về những tháng ngày vất vả chưa có một ngày nào được thảnh thơi, Đức cũng chực trào nước mắt.

"Lúc tỉnh dậy trên giường bệnh, tôi thấy trên cơ thể chi chít dây truyền thuốc và hằn nhiều vết bầm tím vì bị lấy máu. Chỉ đến khi bác sĩ nắn hai chân, tôi đều không có cảm giác đau đớn, tôi mới biết mình không còn khả năng đi lại nữa", Đức nhớ lại.

Nằm viện gần một năm trời, việc học của Đức vì thế cũng gián đoạn theo. Quanh quẩn ở nhà một thời gian, Đức năn nỉ mẹ cho tới trường để học cùng các bạn.

Trần Anh Đức

Tôi luôn giữ trong mình câu nói truyền cảm hứng của Nick Vujicic: 'Nếu bạn không nhận được một điều kỳ diệu, hãy tự mình trở thành một điều kỳ diệu'. Anh Nick Vujicic đã học được cách đứng thẳng dù không có chân tay, để từ đó chiến thắng số phận và tự mình trở thành một điều kỳ diệu giữa đời thường. Những tấm gương về người khiếm khuyết giúp tôi bỏ qua mặc cảm, tự ti.

Tân sinh viên liệt nửa người vào Đại học Vinh: Tự mình trở thành điều kỳ diệu - Ảnh 6.

Bù cho khiếm khuyết về cơ thể, Đức lại rất sáng dạ và ham học - Ảnh: DOÃN HÒA

Thời gian đầu bà Đương không quản nắng mưa, lầm lũi đẩy xe đưa con tới lớp rồi lại đón về. Bù lại khiếm khuyết về cơ thể, Đức tiếp thu bài rất nhanh và say sưa học tập.

Nguồn sống của hai mẹ con chủ yếu dựa vào tiền trợ cấp người khuyết tật của con, mỗi tháng gần 1 triệu đồng.

Ngoài ra, tiền thu nhập của bà Đương từ quán hàng tạp hóa nhỏ tằn tiện lắm cũng chỉ vừa đắp đổi qua ngày và chữa bệnh cho cả hai mẹ con.

Bà Đương chưa bao giờ nghĩ con sẽ bước chân vào đại học. Nhưng rồi có ngày Đức báo tin với mẹ mình trúng tuyển vào ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Vinh.

Tiền đâu cho con theo học 4 năm đại học với chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố? Ai sẽ chăm sóc con khi xa nhà, tới trường khi con bị liệt nửa người?

Bấy nhiêu câu hỏi khó ấy cứ bủa vây lấy suy nghĩ của bà suốt mấy đêm trắng. Nhưng nhìn cậu con trai say sưa với ước mơ học hành, bà lại thấy mình phải mạnh mẽ hơn.

"Tôi tính khi việc học của Đức ổn định hơn, tôi sẽ tìm việc gần trường đại học để vừa có tiền trang trải cuộc sống vừa ở bên cạnh con", bà Đương chia sẻ.

Còn với Đức, mẹ là nguồn sống, là chỗ dựa tinh thần để vượt qua những lúc chênh vênh nhất...

Con liệt nửa người vào đại học bằng xe lăn có bóng hình mẹ - Ảnh 7.
Con liệt nửa người vào đại học bằng xe lăn có bóng hình mẹ - Ảnh 8.
Con liệt nửa người vào đại học bằng xe lăn có bóng hình mẹ - Ảnh 9.
Con liệt nửa người vào đại học bằng xe lăn có bóng hình mẹ - Ảnh 10.

Trần Anh Đức đã nhập học Trường ĐH Vinh và bà Đương theo con xuống thành phố để chăm sóc - Ảnh: DOÃN HÒA

Gương sáng về ý chí không bỏ cuộc

Là giáo viên chủ nhiệm năm học lớp 12 của Đức, thầy Bùi Tiến Dũng - giáo viên Trường THPT Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) - luôn nhớ về cậu học trò cũ giàu ý chí. Thầy cô, bạn bè rất quý mến và dành tình thương, hỗ trợ Đức đến lớp để Đức không bỏ giữa chừng việc học.

"Việc đưa đón, đẩy xe lăn cho Đức đến trường hầu hết đều nhờ bạn bè. Với những giờ học ở lớp tầng cao, Đức đi lại vất vả hơn thì chúng tôi sẽ chuyển xuống học tầng trệt. Tôi tin là Đức sẽ vững bước hơn nếu nhận được học bổng Tiếp sức đến trường", thầy Dũng nói.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm "Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường", "Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ" - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", "Nghĩa tình Phú Yên"; các câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Con liệt nửa người vào đại học bằng xe lăn có bóng hình mẹ - Ảnh 12.Chàng trai không tay từng được Tiếp sức đến trường nay là cử nhân IT 'có thể tự nuôi mình'

Nhẫn sinh ra đã không có tay. Chàng sinh viên từng nhận học bổng Tiếp sức đến trường nay đã bước vào đời với công việc phù hợp với bản thân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên