Xe
24/09/2023 05:30 GMT+7

Ô tô cá nhân phải lắp camera hành trình: Lo ảnh hưởng quyền tự do và bí mật cá nhân?

Quy định xe cơ giới khi tham gia giao thông phải lắp camera hành trình mà Bộ Công an đưa ra trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Đa số các chủ ô tô hiện nay đều lắp camera hành trình - Ảnh: NAM TRẦN

Đa số các chủ ô tô hiện nay đều lắp camera hành trình - Ảnh: NAM TRẦN

Dù việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen), thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe là yêu cầu bắt buộc đối với ô tô kinh doanh dịch vụ vận tải nhưng nếu áp dụng cho xe cá nhân có thể ảnh hưởng đến quyền tự do và bí mật cá nhân.

Chỉ khuyến khích, không nên bắt buộc

Ngay từ khi mới mua ô tô bốn năm trước, anh Nguyễn Văn Tiến (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) đã lắp camera giám sát hành trình trong xe để nếu chẳng may xảy ra va chạm giao thông có chứng cứ hay không bị xử phạt oan. 

Theo quan sát cá nhân, anh Tiến thấy đa số các chủ xe ô tô đều lắp camera giám sát hành trình bên ngoài, còn nếu quy định lắp bên trong xe thì chỉ nên dừng ở việc khuyến cáo chứ không nên bắt buộc vì còn liên quan đến vấn đề kinh tế, sở thích, nhu cầu của mỗi người.

Theo TS Khương Kim Tạo - nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, dù chi phí lắp camera trên ô tô dao động từ 2 - 5 triệu đồng sẽ khó khăn khi triển khai song cần xét về ý nghĩa, tác dụng mang lại trong việc bảo đảm an toàn giao thông, đảm bảo tính mạng con người. 

"Tôi cho rằng hiệu quả việc lắp camera giám sát hành trình sẽ được nhiều hơn mất. Dù chưa có quy định nhưng rất nhiều chủ xe đã chủ động lắp đặt thiết bị này, đồng thời camera quay bên ngoài xe nên cũng không ảnh hưởng đến quyền riêng tư, tự do cá nhân", ông Tạo nêu.

Ông Nguyễn Văn Quyền, chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải, cho biết hiện nay doanh nghiệp lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chịu hai chi phí gồm: tiền mua thiết bị và tiền trả cho bên cung cấp dịch vụ bảo trì, truyền dẫn, khai thác dữ liệu dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/tháng. Do vậy, cần làm rõ mục tiêu của đề xuất cũng như việc quản lý, tích hợp dữ liệu thu thập... đối với ô tô cá nhân. 

Ông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nên có nghiên cứu, khảo sát, trình bày rõ mục tiêu, ý tưởng để xem xét tính khả thi cũng như đánh giá tác động chi phí xã hội bỏ ra thực thi như thế nào so với tác dụng mang lại.

Mới chỉ là dự thảo

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho hay việc lắp camera hành trình với ô tô cá nhân là cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh ô tô mới thì có rất nhiều ô tô cũ không lắp camera hành trình. Do đó, cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể với các xe này. 

Đồng thời, có thể nghiên cứu theo hướng, với các ô tô mới lưu thông sau khi luật có hiệu lực thì yêu cầu phải có camera hành trình; còn các ô tô cũ có thể cho khoảng thời gian nhất định để chủ xe thực hiện.

Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), hiện đã có nhiều chủ phương tiện lắp camera để tự bảo vệ mình trong các tình huống xảy ra sự cố trên đường, có thể chứng minh được đúng hay sai trong các tình huống bất ngờ, lưu lại bằng chứng khi có kẻ gian xâm hại xe. 

Mục đích lớn nhất khi cơ quan chức năng xây dựng dự luật này nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đảm bảo an toàn giao thông và làm giảm tai nạn. Đồng thời, xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, bảo vệ tính mạng con người.

Đại diện cục khẳng định cơ quan chức năng sẽ không thu thập dữ liệu từ các thiết bị này, mà chỉ đề nghị người dân hợp tác, cung cấp khi xảy ra các sự cố trên đường hoặc ghi nhận được các sự cố của xe khác.

Tuy nhiên, vị này nêu rõ các đề xuất được đưa ra mới chỉ là bản dự thảo, Bộ Công an sẽ chỉnh lý và ghi nhận sự đóng góp của người dân, cơ quan chức năng để điều chỉnh hợp lý, khoa học.

Lắp camera hành trình: đánh giá tác động chi phí

Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết việc lắp thiết bị giám sát hành trình đối với xe kinh doanh vận tải đã có quy định cụ thể và mang lại nhiều lợi ích trong công tác quản lý nhà nước cũng như phục vụ quản trị của doanh nghiệp.

Đối với đề xuất ô tô cá nhân cũng phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì rất nhiều chủ xe đã lắp, mang lại nhiều ích lợi nên cần ủng hộ. Lượng xe ô tô cá nhân hiện lên đến gần 4 triệu chiếc nên đề xuất này sẽ có tác động lớn với người dân.

Ông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nên có nghiên cứu, khảo sát, trình bày rõ mục tiêu, ý tưởng quản lý để xem xét tính khả thi cũng như đánh giá tác động chi phí xã hội bỏ ra thực thi như thế nào so với tác dụng mang lại.

Cùng với đó, nên khuyến khích người dân lắp thiết bị giám sát hành trình thay vì đưa ra yêu cầu bắt buộc.

"Tôi nghĩ cần bắt buộc các xe có camera lùi"'Tôi nghĩ cần bắt buộc các xe có camera lùi'

“Tôi thấy nhiều xe dịch vụ, xe tải chở hàng thiếu nhiều trang bị an toàn. Trong đó camera lùi là một trong những vật dụng cần thiết nhất”, một độc giả nhận xét.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên