Nhiều bạn trẻ hưởng ứng trend “Tôi ở nhà” trên mạng
Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến sau đây về những ngày ở nhà. Mời bạn đọc tham khảo và đóng góp thêm những cách tổ chức cuộc sống ở nhà của bạn.
* PHẠM HẢI (Hà Nội): Cơ hội tổ chức lại cuộc sống
Có những thứ mà cuộc sống bình thường chúng ta không để ý hoặc không có cơ hội để thực hiện bỗng trỗi dậy trong mùa dịch khiến ta phải thích ứng, thay đổi, trong đó đáng nói nhất là cách thức tổ chức cuộc sống cho gia đình nhỏ của mình.
Đó là những chuyện nhỏ mà không nhỏ như "thiết kế" bữa ăn sáng cho gia đình, trước đây vốn là "bổn phận" của nhà trường (cho các con), nhà hàng (cho cha mẹ); "tạo công ăn việc làm" cho mấy đứa con trong cả ngày dài ở nhà, không chỉ một ngày mà nhiều ngày, nhiều tháng.
Đó là những việc như hướng dẫn con học, trước đây là offline, giờ là online; "quân sư" cho con về công nghệ, cài đặt, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng (app) học trực tuyến; cùng con học cách sử dụng Internet; cùng con coi phim trên Netflix, YouTube; cùng con thảo luận về tái cấu trúc chi tiêu trong gia đình trong bối cảnh "nguồn thu" thắt chặt... Toàn những chuyện trước đây ít hoặc chưa từng làm.
Nhưng có lẽ điều lớn nhất thu được từ mùa dịch này, đó là tôi bỗng nhận ra rằng kiến thức, điểm số hình như chưa phải là quan trọng nhất đối với con. Ngày thường hết quay cuồng với công sở, cha mẹ chúng ta lại quay cuồng với việc đưa đón con đi học, học chính khóa, rồi học thêm, học nâng cao, học tiếng Anh, học kỹ năng...
Con mệt, cha mẹ cũng kiệt sức nhưng không thể không làm, vì gần như ai cũng làm như vậy, lao vào cuộc đua tranh mà đích đến thật mơ hồ. Rồi dịch đến, mọi hoạt động học tập ở trường, trung tâm tạm dừng, thời gian đầu cả con và cha mẹ đều ngỡ ngàng, nhưng rồi niềm vui, nụ cười dần xuất hiện. Ở nhà con vẫn học, mà học với niềm hân hoan, với tâm thế chủ động, hào hứng.
Nói như vậy không phải là để phủ nhận vai trò của nhà trường, khi gần đây con đã bắt đầu nhớ trường, nhớ bạn sau "kỳ nghỉ tết" quá lâu, nhưng rõ ràng từ mùa dịch này, gia đình và nhà trường có cơ hội để nhìn lại việc nuôi dạy con em.
Còn tôi cũng thầm cảm ơn mùa dịch vì những trải nghiệm, bài học chưa từng có trong đời.
* NGUYỄN THỊ LOAN (Vũng Tàu): Một ngày nhiều hoạt động
Những ngày này, buổi sáng của gia đình tôi bắt đầu muộn hơn thường lệ. 6h30 tôi mới trở dậy, thay vì đi đến chợ mua thực phẩm, tôi bắt tay ngay vào việc chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà.
Để hạn chế việc ra ngoài nơi tập trung đông người, tôi thường đi siêu thị 1 tuần 1 lần vào giờ thấp điểm. Một số đồ rau củ quả có thể mua online, vừa an toàn mà thực phẩm luôn tươi mới. Khi đồ ăn đã được dọn lên bàn, các con tôi cũng đã dậy và vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Cả nhà dùng bữa sáng tại nhà, vừa đảm bảo vệ sinh vừa tiết kiệm.
Nghỉ một chút là đến giờ học trực tuyến, thường con sẽ học 1 đến 2 môn mỗi ngày. Bé nào không có giờ học sẽ giúp mẹ giặt giũ, phơi đồ, dọn dẹp nhà cửa. Sạch sẽ rồi cả nhà được làm việc theo ý thích của mình. Mẹ kiểm tra email, cập nhật tin tức, nghe một vài video clip tiếng Anh, các bạn nhỏ có thể chơi trò chơi, đọc sách, chơi đàn, học vẽ hoặc lắp Lego.
Chẳng mấy chốc mấy mẹ con lại cùng nhau chuẩn bị bữa trưa. Con vo gạo, con nhặt rau, con bóc hành bóc tỏi. Vừa nấu cơm vừa nghe nhạc rôm rả như vậy chỉ 45 phút là xong. Ba đi làm về là có ngay cơm ngon canh ngọt.
Thường mẹ chỉ ngủ trưa mươi, mười lăm phút rồi chuẩn bị nguyên liệu, các con dậy sẽ cùng nhau làm bánh, xay sinh tố hoặc nấu chè. Đây là thời gian để cả mấy mẹ con thử làm đủ các món mà bình thường rất ít khi có thời gian thực hiện.
Nắng tắt là đến lượt vườn rau trên sân thượng được quan tâm. Nhà tôi đầu tư hệ thống thủy canh vừa nuôi cá vừa trồng rau nên việc chăm sóc cũng khá nhàn và đem lại khá nhiều niềm vui. Khi dưới sân nghe thấy tiếng các bạn nhỏ lao xao cũng là lúc mấy mẹ con ngừng tay, xuống trước sân nhà lấy vợt cầu lông ra đánh, lấy vòng ra lắc hoặc ván ra trượt. Hoạt động chân tay khoảng 30 phút, mồ hôi mồ kê túa ra là đã hết giờ "dã ngoại".
Buổi tối là lúc rảnh rang nhất, cả nhà thường lên xe kéo nhau qua nhà ông bà nội/ngoại, ngồi chơi với ông bà một chút rồi về. Hoặc bố có thể chọn một bộ phim phù hợp để cả nhà cùng xem. Một ngày kết thúc không quá bận rộn nhưng cũng đủ để gia đình tôi duy trì được việc lao động, học tập, giải trí.
* Nguyễn Thanh Loan (nhân viên văn phòng ở TP.HCM): Hãy cứ tươi vui mà sống
Tính đến nay gia đình tôi ở nhà gần như toàn thời gian cùng nhau đã được mấy tháng. Ngày nào cũng như ngày nào, tôi nấu 3 bữa ăn cho gia đình. Con trai nhỏ của tôi lên thực đơn và phụ giúp mẹ chuẩn bị.
Đầu tháng 2 đại gia đình tôi tranh thủ dịp rảnh để chụp bộ ảnh kỷ niệm với đông đủ thành viên. Bây giờ đại dịch diễn biến phức tạp, gia đình tôi ở hẳn nhà. Mỗi ngày tôi cho con lên học nhóm với bạn ở cùng tòa nhà. Vợ chồng tiếp tục nấu ăn 3 bữa một ngày.
Cuộc sống mùa dịch của gia đình mình vẫn tràn đầy năng lượng tích cực do tôi cố nhìn vào những mặt tích cực. Không được đi đâu thì "cuồng chân" đấy, nhưng bù lại cả nhà có thời gian quây quần, nấu nướng, chơi game rất vui.
Không ra ngoài vợ chồng tôi tiết kiệm được rất nhiều tiền. Không đi du lịch, không ăn nhà hàng hay đi cà phê. Không dự sự kiện nên chẳng cần mua thêm quần áo đẹp. Mỗi tuần tôi đi siêu thị hết khoảng 2 triệu đồng tiền ăn cho cả gia đình.
Tất nhiên công việc của vợ chồng tôi đình trệ rất nhiều. Quá trời việc bị hủy và hoãn, thu nhập giảm. Nhưng vợ chồng tôi không hề trò chuyện về chủ đề đó vì coi là chuyện đương nhiên. Cả thế giới như vậy chứ đâu riêng mình. Hãy cứ vui tươi mà sống!
* Trần Thăng Long (quản lý tại công ty truyền thông, TP.HCM): Lập ra những chiến dịch nho nhỏ
Mỗi ngày, tôi dậy lúc 9h30, làm việc đến 13h, xem một tập phim hoạt hình mất 22 phút và ngủ trưa 20 phút. Từ 14h, tôi làm việc tiếp đến 18-19h thì nấu ăn tối, ăn rồi làm việc. Trước khi đi ngủ, tôi xem một tập phim truyền hình mất khoảng 1 tiếng.
Mỗi ngày tôi đặt mục tiêu gọi điện hỏi thăm 3 người bạn ở vùng dịch. Tôi có khá nhiều bạn bè đang sống gần vùng dịch ở Anh, Mỹ, Thái Lan, Úc… Nhưng thú thật tôi chưa hoàn thành tốt mục tiêu này.
Tôi không phải người hướng ngoại, nhưng ở nhà nhiều cũng mau chán. Tất cả chúng ta phải tự tìm niềm vui khi ở nhà quá nhiều, đừng để bản thân rơi vào chán nản.
Nếu rảnh hơn tôi sẽ dành thời gian nấu ăn thêm. Nấu ăn là cách giải trí rất tốt. Tôi độc thân, nấu ăn không giỏi nhưng vẫn thích nấu vì muốn có thời gian dứt khỏi máy tính trong ngày.
Chơi thử game mới cũng là cách hay. Hãy chọn những trò chơi cần liên kết với bạn bè để chơi nhóm trực tuyến, tạo không gian giao tiếp ngoài công việc. Đây cũng là cách tạm thay cho tụ tập ngoài đời mà vẫn kết nối.
Tôi cùng bạn bè, đồng nghiệp lập ra những chiến dịch nho nhỏ về COVID-19 như chia sẻ chuyện ở nhà làm gì, giải trí gì, cách thú vị để sống trong những ngày này… Đó cũng là cách duy trì chia sẻ và tương tác trên mạng xã hội để không cảm thấy cô đơn.
* TS Giáp Văn Dương: Dạy những gì trường không dạy
Thời gian đầu tháng 2, chúng tôi để con chơi và nghỉ ngơi. Nhưng sau đó khi việc nghỉ học kéo dài hơn, tôi bắt đầu nghĩ đến việc dạy học cho con. Chủ trương của tôi là: tranh thủ dạy những gì quan trọng mà nhà trường không dạy khi con được nghỉ ở nhà.
Về phần kỹ năng, trong thời gian này, tốt nhất là dạy con làm việc nhà và chơi với nhau để kết nối gia đình. Còn về phần kiến thức, đang mùa dịch tốt nhất là dạy con về giữ gìn sức khỏe và phòng chống dịch. Học từ người thật việc thật, diễn biến thực tế, chứ không phải là học trong sách vở như ở trường.
Vì thế trong suốt tháng 2 và sang đầu tháng 3, chúng tôi chỉ dạy con hai nội dung trên. Hướng dẫn các con dọn nhà, trang trí nhà cửa, học nấu ăn, chơi với nhau, đọc sách, kể chuyện… và hỏi đáp, thảo luận về virus corona và ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cuối tháng 2, các con tôi còn làm một bài thuyết trình nho nhỏ về virus corona và dịch Covid-19 cho cả nhà cùng nghe.
Nhiều gia đình đua nhau cho con làm bài tập về nhà, nhưng chúng tôi không chọn cách ấy. Chúng tôi muốn dùng kỳ nghỉ tránh dịch này như một cơ hội để dạy các con những nội dung mà nhà trường không có điều kiện để dạy. Đó là kỹ năng tổ chức cuộc sống cá nhân và gia đình, và dựa vào bối cảnh thực để dạy con hiểu về dịch bệnh, xử lý thông tin, cách thức bảo vệ bản thân.
Thời gian còn lại, chúng tôi để các con chơi và đọc sách cùng nhau.
Tuy nhiên, đến nửa cuối tháng 3, tôi đã nâng cấp việc học tại nhà cho các con bằng cách mở rộng nội dung học tập tại gia và cho con theo học khóa kỹ năng viết online mà tôi đang dạy.
Đó là học tập làm thơ, tập làm văn, với mục tiêu sau 4 buổi học thì học sinh lớp 2-5 sẽ viết được 1-2 bài thơ và 1-2 bài văn, để giúp các em hết sợ môn tập làm văn ở trường, có được tư duy mạch lạc và dần hình thành niềm vui khi viết.
Vậy với việc giáo dục tại gia khác thì sao? Có gì cao siêu, phức tạp không mà phải nâng cấp? Xin thưa là không. Đó vẫn chỉ là những kỹ năng sống trong gia đình. Nôm na thì gọi là học làm việc nhà. Còn chuyên môn thì gọi là học tổ chức cuộc sống cá nhân và cuộc sống gia đình.
* Rosie Nguyễn (tác giả sách Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?): Tôi ngồi thiền, tập luyện lấy lại cơ bụng số 11
Là một người có công việc gắn liền với di chuyển, thực địa, quen tiếp xúc với con người và hoạt động xã hội, cảm giác ở yên trong nhà quả là không thoải mái. Nhưng trong mùa dịch, tôi tranh thủ sắp xếp lại cuộc sống, tập trung vào phát triển bên trong bản thân.
Mỗi ngày tôi cố gắng dậy vào lúc 4 - 5 giờ sáng, ngồi thiền tĩnh tâm để đầu óc được thư giãn. 6 giờ, tôi ngồi vào bàn viết, viết tiếp những ý tưởng, bài báo dang dở mà trước đây mải bận bịu nhiều việc vẫn chưa triển khai xong.
Viết bài xong, tôi tập luyện thể chất. Tôi thường thay thế giữa các bài tập yoga, tabata hoặc HIIT qua các ngày để duy trì thể lực của mình. Được gia đình nấu ăn với thực phẩm hữu cơ thay vì ăn uống hàng quán thất thường như trước, cộng với luyện tập thể dục thường xuyên hơn, sau gần một tháng, tôi đã dần lấy lại được cơ bụng số 11 tưởng đã biến mất từ hồi sang 30 tuổi.
Sau bữa sáng là khoảng thời gian mà tôi toàn tâm toàn ý cho việc đọc sách. Buổi chiều, tôi luân phiên giữa chuyện giải quyết công việc tồn đọng, trả lời email và học các khóa học trực tuyến đại chúng.
Ban đầu tôi cảm thấy không quen với việc phải nói chuyện với người khác thông qua màn hình máy tính, thay vì giao tiếp trực tiếp. Nhưng sau một thời gian, tôi cảm thấy bất ngờ bởi chất lượng của các buổi trò chuyện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận