25/08/2021 17:21 GMT+7

Ở nhà không biết làm gì? Hãy đặt nhiều câu hỏi khai vấn

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Trải qua nhiều thăng trầm, anh Trần Tiến Công - một 8X tốt nghiệp ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), chọn đi theo nghề coaching (khai vấn) - nhận ra rằng hầu hết các thử thách của cuộc sống đều ẩn chứa sẵn lời giải.

Ở nhà không biết làm gì? Hãy đặt nhiều câu hỏi khai vấn - Ảnh 1.

Tự phản tư là một năng lực quan trọng trong cuộc sống, góp phần giúp “hóa giải” nghịch cảnh - Ảnh: Thinkstock

"Đại dịch không là ngoại lệ. Vấn đề còn lại là chúng ta có đặt câu hỏi đúng cho chính mình để từ đó dẫn lối giải pháp", anh Công nhận xét. 

Anh cùng các đồng nghiệp những ngày qua cũng đang triển khai các chương trình coaching miễn phí cho nhiều bạn trẻ. 

Bài học vô giá từ khoản nợ nửa tỉ đồng

Tốt nghiệp ngành cơ điện tử từ ngôi trường hot, anh Công sau đó đầu quân vào một tập đoàn dầu khí. 

"Môi trường làm việc lẫn thu nhập, cơ hội học tập, phát triển đều ổn, nhưng trong sâu thẳm tôi cảm nhận một sự trống vắng niềm vui, thiếu đam mê. Và tôi đọc ngấu nghiến sách, coi nhiều clip trên mạng về phát triển bản thân, rồi nhận ra coaching (khai vấn) là một lựa chọn phù hợp", anh Công nhớ lại.

Bắt đầu bằng việc "cắn răng" trả 495 USD cho một giờ học với người khai vấn quốc tế, anh Công sau đó quyết định nghỉ việc hẳn, thành lập Trường coaching VCI vào tháng 3-2012. 

"Có thể hiểu nôm na coaching là bạn lắng nghe, thấu hiểu người khác, từ đó đặt câu hỏi 'trúng tim đen' để họ tự khám phá ước mơ, mục tiêu phù hợp thật sự của chính mình", anh Công chia sẻ.

Do quá xa lạ với thị trường thời điểm đó, mô hình trên thất bại, để lại khoản nợ nửa tỉ đồng. Gắng gượng đứng dậy, anh quay lại làm công ăn lương để kiếm tiền trả nợ. Khi đã trả dứt nợ cũng là lúc anh quay lại đam mê coaching toàn thời gian với một tâm thế, lộ trình bài bản hơn. 

VCI sau đó được cả 2 tổ chức quốc tế uy tín trên thế giới chứng nhận, đó là ICF (Liên đoàn Khai vấn quốc tế) và CCA (Liên minh Nhà khai vấn được chứng nhận).

"Nhìn lại, tôi biết ơn thất bại trên vì giúp tôi học được cách làm việc thực tế, hiệu quả, thay vì chỉ biết sống với đam mê, biết khiêm tốn và phải nỗ lực hơn nữa. Quan trọng nhất, nó buộc tôi đặt câu hỏi bản thân đang muốn trở thành một người coaching truyền cảm hứng hay chỉ là người đi bán các khóa học, kiếm tiền đơn thuần", anh Công nhớ lại. 

Sự nghiệp coaching của anh cũng từ đó dần tươi sáng hơn, với nhiều lời mời đào tạo từ các công ty, tập đoàn.

Ở nhà không biết làm gì? Hãy đặt nhiều câu hỏi khai vấn - Ảnh 2.

“Trước đây tôi rất thiếu tự tin khi nói chuyện hoặc dạy qua camera, nhưng COVID-19 không cho tôi lựa chọn, và giờ tôi đã vận dụng hiệu quả”, anh Trần Tiến Công chia sẻ - Ảnh: H.TOÀN

Nghịch cảnh có mang lại cơ hội?

Trước thực trạng nhiều bạn trẻ đang cảm thấy bi quan, trống rỗng do không có việc làm, thừa mứa thời gian trong dịch…, anh Công cho rằng một trong những lý do chính là ít ai chịu hành động, tự phản tư, nỗ lực hết sức trước khó khăn.

"Có thể bắt đầu từ những việc nhỏ, như trau dồi nội lực bản thân bằng các 'nguồn tài nguyên' đang có, chẳng hạn đọc sách, nghe podcast, viết lách... Nó sẽ tốt hơn việc chỉ biết tám chuyện với những người giống hoàn cảnh mình, đọc mãi những tin tức tiêu cực nhưng không chắc là thật về COVID-19, để rồi tâm trạng thêm cám cảnh, bi quan", anh Công phân tích.

Khi tâm trạng tích cực, cân bằng, chúng ta sẽ tỉnh táo hơn trong việc nhìn trực diện vào nghịch cảnh, thử thách bằng con mắt khác. 

Chẳng hạn, đầu tiên chúng ta có thể nhìn lại, tự vấn để xem khả năng bản thân có thể tạm kiếm sống bằng các nghề khác hay không (dịch tài liệu, thiết kế…)? Còn nếu năng lực mình không thể kiếm sống bằng các nghề khác thì lý do là gì? Đâu là con người mình muốn trở thành, kỹ năng hay phẩm chất nào bản thân muốn có? Trong 5, 10 năm nữa mình muốn trở thành ai? Nghịch cảnh này có mang lại cơ hội gì không?...

Theo anh Công, khi đặt đúng câu hỏi, chúng ta tự khắc vỡ ra được những mảnh khuyết để ráp vào, từ đó sống tích cực hơn.

"Chẳng hạn với cá nhân tôi, giãn cách vì đại dịch khiến các lớp học trực tiếp bị hủy, tôi có thêm thời gian để viết quyển sách thứ hai. Và cũng do phải dạy online, tôi buộc phải tìm hiểu sâu hơn về công nghệ, được tiếp cận được học viên cả nước thay vì chỉ ở một khu vực nhất định, kết quả kinh doanh của tôi tăng gần gấp đôi", anh Công chia sẻ.

Mời bạn chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online cách nâng chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình, bạn bè khi ở nhà mùa dịch, từ việc học tập, thể thao, giải trí... Bài viết không quá 800 chữ, có thể kèm ảnh và video. Email gửi về tto@tuoitre.com.vn. Bạn đọc vui lòng cung cấp thông tin tài khoản để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Ở nhà để thấm hơn từng trang sách, hiểu thế nào là bữa ăn ngon Ở nhà để thấm hơn từng trang sách, hiểu thế nào là bữa ăn ngon

TTO - Nếu như khoảng thời gian đầu tôi rất lo lắng, thấy buồn tẻ khi TP.HCM giãn cách theo chỉ thị 16, hiện tôi (một 8X cuồng đi) lại thấy mỗi ngày mới đến thật yên bình và đầy háo hức.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên