Xuân chăm sóc bệnh nhân tại khoa thận nhân tạo - Ảnh: LAN ANH
Các chị đồng nghiệp cũng phản đối em lấy anh Linh, nhưng thấy em quyết tâm nên các chị đành ủng hộ
NGUYỄN THỊ XUÂN
Cô dâu của đám cưới này là Nguyễn Thị Xuân, điều dưỡng của khoa, còn chú rể tên Linh cũng không xa lạ gì, bởi anh từng là bệnh nhân đã hơn 10 năm chạy thận tại khoa này.
Sau đám cưới rồi Tết Nguyên đán qua, đôi vợ chồng trẻ vẫn chưa có tuần trăng mật. Họ định hè này sẽ đi nghỉ ở Hạ Long cùng hai bên gia đình.
Dịp Tết Nguyên đán, cô dâu đi trực ngay trong tết. Chú rể không thấy đó là điều xa lạ, bởi anh từng nhiều năm cũng ăn tết trong bệnh viện, qua những ca lọc máu, nơi họ gặp nhau lần đầu và bắt đầu một câu chuyện tình đặc biệt.
Chuyện tình chép ở bệnh viện
Khi nghe chuyện có đám cưới giữa nhân viên điều dưỡng và bệnh nhân, tôi thấy lạ.
Người bệnh mắc bệnh suy thận mãn, nay cưới được một cô gái khỏe mạnh, xinh xắn lại càng lạ, bởi thông thường người bệnh suy thận mãn sẽ phải gắn cuộc đời với máy chạy thận, với ba lần chạy thận/tuần.
Họ không thể đi đâu xa trong vòng ba ngày xa chiếc máy chạy thận, họ phải kiêng ăn uống đủ thứ, những ngày sát ca chạy thận họ sẽ bị mệt, rồi những cục phồng ở cánh tay họ do phải lọc máu lâu ngày.
Một điều dưỡng làm việc ở khoa thận nhân tạo chắc chắn biết điều này.
Xuân, cô điều dưỡng "biết tất cả" ấy, kể: "Trước đây khi còn là học viên đến thực tập ở khoa thận nhân tạo tôi đã gặp anh ấy, nhưng lúc đó chúng tôi chưa nói chuyện nhiều. Rồi tôi đến làm việc ở khoa này, tôi và anh ấy gặp nhau thường xuyên hơn vì bệnh nhân nào cũng đến bệnh viện ba lần mỗi tuần.
Chúng tôi thấy mến nhau, nhưng từ dịp 30-4-2017, tôi và anh ấy mới bắt đầu nói chuyện với nhau nhiều hơn. Tôi cảm mến anh ấy vì anh ấy nhiệt tình và biết quan tâm đến người khác.
Nhưng không như những lứa đôi khác, câu chuyện của tôi đi được đến đám cưới là cả một chặng đường dài".
Đúng là một chặng đường dài, vì ban đầu ba mẹ Xuân không đồng ý, dù Xuân đúng là có cảm mến chàng trai. Linh bắt đầu phải đi chạy thận từ khi anh học xong THPT rồi lên Hà Nội học ngành ngân hàng.
Học được một thời gian ngắn, Linh bị ốm, và cuộc đời gắn với máy lọc máu từ đó. Phản ứng phụ của việc lọc máu là da Linh luôn vàng, anh cũng bị thiếu canxi khiến chiều cao giảm dần, từ 165cm ban đầu nay chỉ còn chưa đầy 160cm.
Trong khi Xuân là điều dưỡng của khoa, Xuân biết tất cả những khó khăn mà người bệnh suy thận mãn phải chịu đựng. Chưa kể cuộc sống ở phía trước còn rất dài mà hai người phải vượt qua.
Nhưng tình cảm thì cứ lớn dần. Xuân nói với ba mẹ: "Cuộc sống của con sẽ do con lựa chọn".
Có một cuộc "đấu tranh" ở trong Xuân. Cô làm nghề y nên biết bệnh thế nào, sau này sẽ thế nào... Nhưng cuối cùng Xuân vẫn quyết định chọn Linh, chàng trai da bị sạm, chiều cao đang thấp dần, mỗi tuần phải chạy thận ba lần làm người đồng hành trong phần còn lại của cuộc đời.
Dù trái tim còn mơ mộng, nhưng lý trí của một người làm ngành y cho cô biết phía trước còn rất nhiều thử thách.
Thật may mắn cho họ khi cuối năm 2017 Linh được ghép thận. Dù sẽ phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời, nhưng sau ca ghép Linh cũng khỏe lên nhiều, da anh bớt sạm, Linh cũng thấy tự tin hơn khi ngỏ lời gắn bó với cô điều dưỡng mà anh yêu thương.
Tết 2018 là tết đầu tiên Linh được ăn tết ở nhà mà không phải vào viện như thường lệ hơn 10 năm trước đó, bên cạnh anh lại có cô bạn gái là Xuân. Cuối năm 2018, một đám cưới thật đẹp đã được tổ chức.
Giở cho chúng tôi xem ảnh cưới, trong ấy cô dâu chú rể rất đẹp đôi, Xuân mỉm cười cho biết: "Các chị đồng nghiệp cũng phản đối em lấy anh Linh, nhưng thấy em quyết tâm nên các chị đành ủng hộ".
Hạnh phúc của Xuân và Linh - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Đó là tình yêu!
Trong ngôi nhà nhỏ cách bệnh viện không xa là nơi vợ chồng Linh - Xuân sống cùng với ba mẹ. Ngôi nhà ấy luôn có tiếng cười. Mỗi tuần, Xuân đi làm từ thứ hai đến thứ bảy. Còn Linh vừa nhận được một việc mới là đưa đón bốn đứa trẻ hàng xóm đến trường.
Sau hơn một năm được ghép thận, Linh không phải đến bệnh viện để lọc máu định kỳ, nhưng lại phải uống thuốc chống thải ghép hằng ngày. Nhưng giờ thì anh không lo lắng việc "phải uống thuốc" hay giờ nào uống thuốc nữa, vì có một người ở bên cạnh luôn nhắc anh, biết những dấu hiệu không tốt cho sức khỏe và chia sẻ với anh.
Không phải lọc máu định kỳ, da Linh sáng hơn, nhưng dấu hiệu của một người hơn 10 năm chạy thận vẫn còn, đó là cục phồng ở cầu tay (nơi châm kim lọc máu) vẫn đập như người đang chạy thận.
TS Nguyễn Hữu Dũng, trưởng khoa thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ở khoa này từng có một chàng trai khỏe mạnh lấy một nữ bệnh nhân. Cô gái đó rất yếu ớt và qua đời sau đám cưới không lâu. Đó cũng là một chuyện tình rất đẹp.
"Như đám cưới của Linh và Xuân thì đó là kết quả của một tình yêu, phải rất yêu thì mới có đám cưới như vậy. Một người điều dưỡng luôn biết sức khỏe của người suy thận mãn, những khó khăn mà họ gặp phải, nhưng rồi Xuân vẫn lựa chọn" - TS Dũng nói.
Rời ngôi nhà có tiếng cười, tôi thầm nghĩ hình như ông trời luôn sắp đặt cho mọi người những phần đều nhau, mỗi người đều được nhận một mảnh của hạnh phúc, các cụ đã dạy "trời chẳng lấy hết của ai".
Như chuyện tình này, rồi cũng đâu vào đấy, từ chuyện tình khó tin ở bệnh viện biến thành một gia đình nhỏ hạnh phúc. Và chàng trai - bệnh nhân ấy đã được bù đắp, và cô vợ - người điều dưỡng cũng vậy.
"Xuân mang lại cho tôi những ngày tốt đẹp"
"Tôi chạy thận tổng cộng 13 năm, trong 13 năm ấy có lúc buồn, lúc hi vọng nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có một y tá ở bệnh viện chọn mình làm bạn đời.
Ban đầu tôi quen Xuân qua "cách" của một bệnh nhân: hỏi cô ấy về thuốc men, huyết áp, các chỉ số sức khỏe mà bệnh nhân suy thận mãn gặp phải. Chính Xuân đã cho tôi biết một quỹ thiện nguyện đang có chương trình ghép thận miễn phí.
Tôi đăng ký, được ghép thận, mở ra cơ hội mới cho cuộc đời.
Cuộc sống từ khi có Xuân tốt hơn trước nhiều, nhất là về tinh thần. Từng có lúc tôi tuyệt vọng, nhưng Xuân đã mang lại cho tôi những ngày tốt đẹp.
Anh CHU VŨ LINH (34 tuổi)
________________________
Kỳ tới: Thoát khỏi tử thần
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận