04/03/2023 13:47 GMT+7

Nuôi tôm ở rốn nước ngọt Đồng Tháp Mười

Mấy năm nay, đi dọc các tuyến đường về các huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường (Long An) thường xuyên bắt gặp những chiếc quạt tạo oxy tung trắng nước dưới nhiều ao nuôi tôm mọc lên giữa đất lúa.

Nuôi tôm ở rốn nước ngọt Đồng Tháp Mười - Ảnh 1.

Dân xã Tân Lập (Mộc Hóa, Long An) rải vôi bột cải tạo nước nuôi tôm - Ảnh TIẾN TRÌNH

Những ao nuôi tôm này loang lổ như các "đám da beo" ngày càng lan rộng trên đồng lúa Đồng Tháp Mười.

Nghỉ làm trưởng ấp để... nuôi tôm

"Những "đám da beo" này lan rộng nhanh, đất trồng lúa bị thu hẹp lại... Tới giờ thì nhiều nơi diện tích nuôi tôm muốn lấn át diện tích trồng lúa rồi" - ông Bảy Nhâm, một nông dân ở Mộc Hóa, nói.

Không chỉ lo nước mặn từ các ao nuôi tôm ảnh hưởng trồng lúa, ông Bảy Nhâm và những nông dân trong vùng còn "sốt ruột" khi thấy các hộ dân lân cận nuôi tôm có thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa. "Gần nhà tôi có nhiều người đào ao thả tôm. Chính quyền địa phương không cho, nhưng họ làm lén, làm đại tới đâu hay tới đó. Chứ trồng lúa không khá nổi", ông Bảy Nhâm nói thêm.

Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước rộng gần 700.000ha, trải rộng trên địa bàn ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Trong đó, Long An chiếm diện tích trên 300.000ha. Trong quy hoạch chung, bên cạnh việc trồng lúa, tràm, vùng này cũng có nhiều khu vực được khuyến khích nuôi trồng thủy sản nước ngọt như các loại cá lóc, trá trê, cá rô...

Tuy nhiên, gần đây người dân không còn tha thiết nghề nuôi cá nước ngọt, bởi nhiều khi chi phí thức ăn, con giống tăng cao mà đầu ra lại bấp bênh, lỗ lã. Ngay cả trồng lúa trong năm năm trở lại đây cũng gặp nhiều khó khăn khi liên tiếp gặp phải cảnh thất mùa, dịch bệnh. Cây tràm cũng "rớt xuống giá vốn" khiến người dân không còn mặn mà.

Trong khi đó, từ năm 2017, một hộ dân ở ấp 3, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh (Long An) sau thời gian đi làm thuê ở tỉnh nuôi tôm về đã đào ao, bơm nước mặn từ lòng đất lên để nuôi tôm thẻ chân trắng. Bấy giờ, địa phương cũng đến lập biên bản, xử phạt. Hộ dân này cam kết nuôi hết lứa tôm đầu sẽ thả.

Tuy nhiên, vụ tôm ấy, người này "trúng" tiền tỉ. Số tiền xử phạt chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận sau một vụ tôm được giá. Thế là sau đó mô hình đào ao, bơm nước mặn dưới lòng đất lên nuôi tôm trở thành "hình mẫu" khiến hàng loạt người dân xung quanh làm theo.

Khoe vừa được hai vụ tôm trúng tiền tỉ, ông Phan Văn Luận, người có 11 nhiệm kỳ làm trưởng ấp 3, xã Tân Lập, nói ông đã xin nghỉ công tác để... đào ao nuôi tôm.

"Hồi đó, tôi làm 3 mẫu ruộng không lợi nhuận bao nhiêu. Thậm chí còn thiếu tiền... đi đám. Nay làm hai ao tôm lời trên 1 tỉ đồng. Tôi tiếp tục đầu tư mở rộng thêm. Mình biết canh tác trái quy hoạch là không đúng. Nhưng mình có đất đai, mà để đời sống chật vật sao được. Tôi làm vài ba năm rồi nghỉ cũng được - ông Luận nói thêm - Nuôi một con tôm bán giá cao hơn ký lúa, ai làm được mà không làm".

Nuôi tôm ở rốn nước ngọt Đồng Tháp Mười - Ảnh 2.

Những “đám da beo” ao nuôi tôm nước mặn đang lan rộng ra tại vùng nước ngọt Đồng Tháp Mười

Nhiều người "chịu bị phạt" để nuôi

Không khác gì phong trào tự phát ương nuôi cá tra bột trước đây, hiệu ứng domino nuôi tôm lập tức lan khắp các huyện Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An từ huyện Tân Thạnh đến huyện Mộc Hóa, Tân Hưng, thị xã Kiến Tường, Thạnh Hóa.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, chỉ riêng trong năm 2022 đã có 132ha diện tích nuôi tôm mới, nâng lên hơn 349ha nuôi tôm ở các huyện kể trên.

Tuy nhiên, việc xử phạt gần như "không ăn thua" với mong ước làm giàu của người dân. Anh Nguyễn Trường Thạnh, cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Tân Lập, cho biết xã đã lập biên bản xử lý 79 trường hợp nông dân tự ý đào ao, đưa nước mặn vào nuôi tôm, làm trái quy hoạch của địa phương. Nhiều hộ dân "chấp nhận bị phạt". Xã tính nhiều cách, cả chuyện mời tài xế lái xe ủi đất lên làm việc. Nhưng tài xế này về thì tài xế khác làm.

Ông Lê Văn Phân, chủ tịch UBND xã Tân Lập, chia sẻ ông về nhận nhiệm vụ xã Tân Lập được năm năm nhưng "chưa được tấm giấy khen nào" do không ngăn được người dân trong xã đào đất ruộng nuôi tôm.

"Tôi biết, không phải hộ dân nào cũng nuôi tôm trúng. Có hộ cũng trắng tay, nhưng người ta giấu. Mình đã làm hết sức rồi. Từ vận động, tuyên truyền, cho đến các biện pháp mạnh như xử phạt, ngăn chặn các hành vi cải tạo đất... nhưng dân làm lén trong đêm, lực lượng của xã không thể túc trực để can thiệp", ông Phân phân trần.

Nuôi tôm ở rốn nước ngọt Đồng Tháp Mười - Ảnh 3.

Đất trồng lúa đang được đào ao nuôi tôm

Lợi và hại

Năm 2019, tại hội thảo khoa học "Những tác động khi nuôi tôm trên vùng Đồng Tháp Mười", nhiều nhà khoa học đã khuyến cáo việc đưa nước mặn lên đất lúa để nuôi tôm là "lợi bất cập hại".

PSG.TS Lê Anh Tuấn, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL, cho rằng vấn đề người dân đưa nước mặn lên đất lúa để nuôi tôm là rất nguy hiểm tại vùng ngập như Đồng Tháp Mười.

"Hành động (đưa nước mặn vào nuôi tôm) sẽ gây ô nhiễm nguồn nước và xung đột lợi ích khi người đưa nước mặn vào nuôi tôm ảnh hưởng đến nguồn nước của dân trồng lúa, nuôi cá nước ngọt lân cận".

Trong khi đó, bà Đinh Thị Phương Khanh, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết dù đa số hộ nuôi kiến nghị được tiếp tục nuôi tôm, nhưng tỉnh đã có chủ trương là không cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười bằng cách tạo môi trường nước mặn nhân tạo để nuôi như khoan giếng lấy nước mặn và sử dụng muối.

Trước mắt, Long An sẽ tiếp tục quản lý chặt và xử lý đối với các hộ đang nuôi nhưng không đạt yêu cầu kỹ thuật ao nuôi, xả thải ra môi trường. "Còn các trường hợp đào ao mới từ đất trồng lúa để nuôi tôm thẻ không đúng quy định pháp luật, địa phương phải kiên quyết xử lý và buộc khôi phục hiện trạng ban đầu", bà Khanh nói thêm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, so với năm 2021, huyện Mộc Hóa tăng 52ha lên thành 172ha nuôi tôm, Tân Hưng tăng hơn 29ha lên thành hơn 99ha, Tân Thạnh tăng hơn 26ha lên thành 34ha, Kiến Tường tăng gần 5ha lên thành hơn 6ha, Thạnh Hóa tăng 20ha lên thành 38ha. Số hộ dân nuôi tôm từ các huyện thống kê vào cuối năm 2022 là 259 hộ, tăng 144 hộ so với năm 2021.

Cuối năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cũng đã thực hiện khảo sát, điều tra 206 hộ thì có tới 128 hộ (hơn 62%) đào ao nuôi tôm từ đất trồng lúa, còn lại chuyển từ ao nuôi cá tra giống hoặc nuôi các loại cá khác. Trung bình, mỗi hộ nuôi đến năm ao tôm, diện tích ao khoảng 800m2, có hộ nuôi tổng diện tích lên đến 180.000m2.

Cũng trong khảo sát này, có đến 157 hộ (76%) khoan giếng tầng nông để lấy nước mặn nuôi tôm, 25 hộ (12,2%) dùng muối ăn nâng cao độ mặn, còn lại sử dụng cả nước giếng kết hợp với muối ăn.

Độ mặn của nước giếng khảo sát có nồng độ cao nhất là 10‰, độ mặn của ao nuôi tôm cao nhất là 11‰. Đặc biệt, chỉ có các hộ đào mới nuôi tôm có đầy đủ hệ thống ao chứa nước thải, bùn thải, ao lắng sẽ chứa nước thải lại, xử lý và tái sử dụng để nuôi ở vụ nuôi kế tiếp chiếm tỉ lệ 67%. Còn lại xả thải trực tiếp ra sông, rạch.

Báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, khảo sát 180 hộ nuôi tôm vùng Đồng Tháp Mười thì có 18 hộ bị lỗ và 162 hộ nuôi có lời từ 21 triệu đến 5 tỉ đồng/ha. Trung bình đối với các hộ nuôi lời thì được khoảng 1,25 tỉ đồng/ha.

"Do hệ sinh thái nước ngọt, ao mới đào nuôi tôm thời gian đầu tương đối thuận lợi, cho lợi nhuận cao, nhưng khi đã nuôi từ 2 - 3 năm trở lên sẽ gặp khó khăn hơn như môi trường nuôi bị ô nhiễm, các bệnh đặc trưng của tôm thẻ, số vụ nuôi trong năm giảm, mật độ thả nuôi giảm, năng suất thấp, khiến lợi nhuận cũng thấp hơn", bà Khanh nhận định thời gian nuôi tôm ở đây ban đầu tuy có hiệu quả nhưng tồn tại nhiều rủi ro, không ổn định và bền vững.

Bỏ cưỡi voi, để... cười cùng voiBỏ cưỡi voi, để... cười cùng voi

Lấy logo là hình ảnh chú voi nên doanh nghiệp làm du lịch quyết chuyển đổi từ cưỡi voi sang cười cùng voi, vì sợ mai này Bản Đôn không còn voi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên