02/03/2023 11:01 GMT+7

Bỏ cưỡi voi, để... cười cùng voi

Lấy logo là hình ảnh chú voi nên doanh nghiệp làm du lịch quyết chuyển đổi từ cưỡi voi sang cười cùng voi, vì sợ mai này Bản Đôn không còn voi.

Đoàn du khách không cưỡi voi và vui vẻ khiến chú voi cũng thân thiện, “chịu chụp” chung rất nhiều kiểu ảnh - Ảnh: TRUNG TÂN

Đoàn du khách không cưỡi voi và vui vẻ khiến chú voi cũng thân thiện, “chịu chụp” chung rất nhiều kiểu ảnh - Ảnh: TRUNG TÂN

Từ ngày 10-2 đến nay, Trung tâm du lịch Buôn Đôn (thuộc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk - Simexco 2-9) đã bỏ hình thức du lịch cưỡi voi sang cười cùng voi để bảo tồn những chú voi nhà cuối cùng. Việc thay đổi hình thức này cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Bất ngờ, giận dỗi

Từ Nghệ An vào thăm người nhà ở huyện Cư M'Gar (Đắk Lắk), ông Lê Văn Toàn được chở đi tham quan ở Trung tâm du lịch Buôn Đôn. Sau khi mua vé điện tử ở cổng (40.000 đồng/vé) vào trong để cưỡi voi thì ông nghe các hướng dẫn viên cho biết khu du lịch đã dừng dịch vụ này. Khách phải mua một lần vé nữa để qua đảo... ngắm, chụp hình cùng voi. "Vô đây để được thử cảm giác cưỡi voi một lần, chứ mua vé để ngắm thì nói chi nữa", ông Toàn hậm hực.

Nhóm người thân của ông Toàn cố kỳ kèo với các hướng dẫn viên cho ông ấy cưỡi voi một lần. "Ổng đi cả ngàn cây số, mất mấy tiền cũng được, cho ổng ngồi lên bành voi, chụp cái hình thôi. Làm du lịch kiểu chi lạ hè, mua vé vào cổng rồi còn phải mua vé... chụp hình với voi?", ông Hòa, người nhà ông Toàn, trách móc.

Dung, cô hướng dẫn viên của trung tâm cố gắng nhẹ nhàng giải thích với đoàn. Dung nói trước Tết Nguyên đán, đơn vị vẫn duy trì dịch vụ cưỡi voi nhưng từ 10-2 đã chuyển hình thức "cưỡi" sang "cười" cùng voi. "Khách chưa quen, phần lớn đều rất hậm hực vì mất công đến đây mà không được cưỡi voi", Dung kể.

Một người có voi đang phục vụ ở Trung tâm du lịch Bản Đôn cho biết cả ngày ngồi chờ được vài vé. Chủ không có tiền, voi cũng không có thêm thức ăn. "Mỗi đêm tôi phải đưa voi vào rừng cột, không dám thả vì sợ voi phá hoa màu người ta và đối mặt với nguy cơ bị kẻ xấu chặt đuôi, trộm ngà. Tờ mờ sáng, tôi đã đưa voi về nhưng đến hơn 3h chiều còn chưa có vé nào", người này than thở.

Đồng cảm và cùng nhau bảo vệ voi

Thấy ông chủ voi buồn rầu, một nhóm khách từ Hà Nội vào đang chụp hình ở ven sông chủ động mua năm vé chụp hình cùng voi. Hai bó mía nhóm khách mua nhanh chóng được chú voi 40 tuổi ăn sạch sau chưa đầy vài phút. Một vị khách gọi nhân viên cho thêm ba bó mía nữa để voi ăn, cũng có cảnh để chụp hình đẹp.

Nhóm khách rất lịch sự, từng người hoặc 2-3 người lần lượt chụp, không gây ồn ào để voi sợ, giận dữ. "Ăn nhanh thế, từ từ thôi, còn nhiều mà. Ôi đói cả ngày, ăn ngấu nghiến thế" - bà Hoa (60 tuổi), một thành viên trong đoàn vừa đưa mía vừa thủ thỉ nói chuyện với chú voi.

Thấy nhóm khách thân thiện và được người nài dứ dứ khúc mía từ trên lưng, chú voi nhướng mình lên, chiếc vòi cong vút ra sau đón cây mía. Những vị khách chụp được khung hình voi mạnh mẽ ngược lên nền trời xanh thì vô cùng thích thú, cười vang.

Nói về vấn đề này, ông Lê Đức Huy - tổng giám đốc Simexco 2-9 - thừa nhận dịch vụ cưỡi voi đã in sâu vào tiềm thức nhiều du khách khi đến Bản Đôn. "Cái khoái nhất là được cưỡi lên voi, chụp được một tấm hình trên lưng voi. Nhưng nếu cứ thế, những chú voi sẽ không thể chịu đựng được mãi, phải thay đổi" - ông Huy nói.

Ông cho biết thêm Bản Đôn được mệnh danh là làng đảo, xứ sở của những câu chuyện xưa đầy hào hùng, đậm chất sử thi. Khu vực này là nơi từ rất sớm, những người Lào di cư đến đây, tạo nên vùng "làng đảo" với những câu chuyện dũng sĩ săn, thuần dưỡng voi rừng đậm chất sử thi. 

Bên cạnh đó, nơi con sông chảy ngược - Sêrêpốk tạo nên nhiều thác ghềnh, những cồn, đảo giữa sông rất đẹp, yên bình. Trên những cồn đất giữa sông, xuất hiện nhiều rừng si già với bộ rễ như mái tóc óng mượt thả trôi xuống dòng sông... Đó là những lợi thế để thu hút du khách phương xa mê trải nghiệm, thích khám phá văn hóa.

Đoàn du khách miền Trung hào hứng với mô hình du lịch “cười cùng voi” tại Buôn Đôn - Ảnh: TRUNG TÂN 

Đoàn du khách miền Trung hào hứng với mô hình du lịch “cười cùng voi” tại Buôn Đôn - Ảnh: TRUNG TÂN

Tuy nhiên, theo ông Huy, từ khi nhận tiếp nhận Trung tâm du lịch Bản Đôn, Simexco 2-9 gặp nhiều khó khăn. Hơn 10ha đất tại khu du lịch này đều là đất thuê của người dân và đều là đất nông nghiệp. "Chính vì điều này, đơn vị cũng chưa dám đầu tư, mở rộng quy mô, hình thức du lịch mới để thu hút du khách. Vậy nên sản phẩm "gắn chặt" du khách với Bản Đôn vẫn là hình ảnh những chú voi oằn lưng cõng khách hết ngày này qua năm khác", ông Huy nói.

Logo của Simexco 2-9 lấy hình ảnh chú voi dũng mãnh, thân thiện của Bản Đôn. "Thế nhưng thương hiệu chú voi con ở Bản Đôn đã bị lạm dụng, khai thác quá nhiều. Hiện những chú voi dần già đi, sợ mai kia Bản Đôn sẽ không còn voi. Vì vậy, dù nấn ná mãi, chúng tôi quyết định chuyển mô hình du lịch từ cưỡi sang cười với voi", ông Huy tâm sự.

"Tới đây, đơn vị sẽ xây dựng mô hình nhà người Lào vào dịp Tết người Lào đầu tháng 4-2023, để du khách chụp hình với voi bên nhà sàn này. Đồng thời, chúng tôi sẽ thiết kế tour khép kín từ thăm voi trong rừng thuộc Vườn quốc gia Yok Đôn, trải nghiệm thác ghềnh Sêrêpốk, thưởng thức các món ăn đa dạng của người Lào, M'Nông, Êđê và thăm nhà cổ của vua săn voi Ama Kông...", ông Huy dự định.

Bản Đôn đã cấm bán nhẫn lông đuôi, ngà voi

Nếu du khách đến Trung tâm du lịch Bản Đôn trước đây có thể vô tư mua các sản phẩm lông đuôi, nhẫn ngà voi thì hiện nay 100% cửa hàng đều không được bày bán. Trước đây, dù thật giả chưa rõ nhưng nhiều cửa hàng bày bán công khai, vô tư quảng cáo các sản phẩm từ voi hoặc động vật hoang dã khác. Thậm chí, nhiều nài voi còn nhổ lông đuôi voi đang cõng khách để bán cho du khách.

Theo lãnh đạo trung tâm du lịch, hiện nay tất cả các cửa hàng bán đồ lưu niệm tại đây đều phải cam kết không được bán các sản phẩm lông đuôi, ngà voi dù là đồ thật hay giả. "Mấy anh công an, kiểm lâm thường xuyên đi kiểm tra, nếu cửa hàng nào vi phạm sẽ xử lý ngay, rất nặng. Việc các cửa hàng không bày bán các sản phẩm về voi, động vật hoang dã cũng tạo nhận thức mới cho du khách trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, trong đó có voi" - vị này nói.

Lễ hội cà phê lần 8 năm 2023 không còn đua voi

Đại diện ban tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 khẳng định Hội voi Buôn Đôn (khai mạc ngày 12-3) năm nay vẫn là một trong 18 sự kiện chính nhưng không còn những môn thi ảnh hưởng sức khỏe voi. Cụ thể, hội voi sẽ không tổ chức thi voi chạy, voi bơi, voi đá bóng hoặc thi kéo co giữa voi với người. Thay vào đó, các hoạt động lễ khai mạc và lễ bế mạc, cúng bến nước và cúng sức khỏe cho voi, thi trang điểm cho voi, tiệc buffet cho voi, thi voi chào khán giả, chụp hình với voi... sẽ được chú trọng.

Việc đổi mới tổ chức Hội voi Buôn Đôn nhằm thực hiện nội dung ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác năm năm giữa UBND tỉnh Đắk Lắk và Tổ chức Động vật châu Á (AAF) về chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang du lịch thân thiện với voi. Cũng theo bản ghi nhớ này, tại lễ hội đường phố trong Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 cũng sẽ không sử dụng voi diễu hành. Ban tổ chức sẽ mời các đoàn nghệ thuật quốc tế, nghệ nhân cồng chiêng và nông dân trồng cà phê... tham gia biểu diễn phục vụ du khách.

Du lịch voi trong kỷ nguyên 'hợp đạo đức'Du lịch voi trong kỷ nguyên "hợp đạo đức"

TTCT - Ngay lúc này, trên khắp thế giới, hàng ngàn con voi đang khổ sở vì phục vụ du lịch, theo nhiều cách khác nhau. Nhưng ngành du lịch voi của châu Á đã có không ít thay đổi tích cực, dù đôi khi chỉ mới dừng lại trong suy nghĩ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên