22/09/2021 12:30 GMT+7

Nuôi dạy trẻ mồ côi: mô hình nào?

NGUYỄN THÚY UYÊN PHƯƠNG
NGUYỄN THÚY UYÊN PHƯƠNG

TTO - Thông tin chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình công bố xây trường nuôi 1.000 trẻ mồ côi vì COVID-19 nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều bạn đọc gửi ý kiến, hoan nghênh, ngưỡng mộ tấm lòng và hành động kịp thời này.

Nuôi dạy trẻ mồ côi: mô hình nào? - Ảnh 1.

Trẻ mồ côi luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền và người dân. Trong ảnh: Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trò chuyện với một học sinh lớp 3 mồ côi cha vì COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bạn đọc cũng góp thêm góc nhìn để việc nuôi dạy trẻ mồ côi được bền vững và hiệu quả. Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương và mong chờ những ý kiến, phản hồi của bạn đọc.

Khi hay tin một tập đoàn lớn sẽ xây trường dành cho trẻ em mồ côi trong đại dịch và một vài dự án tương tự nữa cũng đang trong quá trình hình thành, tôi cảm thấy mừng nhưng không tránh khỏi một vài băn khoăn. 

Trước hết, tôi muốn nói rằng tôi luôn dành sự trân trọng cho những người đã quyết định khởi xướng và dấn thân cho ý tưởng rất cao đẹp nhưng cũng đầy thách thức này. Và những băn khoăn dưới đây của tôi nhằm góp thêm một góc nhìn giúp những hoạt động hỗ trợ trẻ em này mang lại lợi ích bền vững nhất.

Trẻ cần một gia đình

Cho đến nay, tôi vẫn chưa đọc được đề án cụ thể của những dự án xây trường này mà chủ yếu biết tin qua báo chí và mạng xã hội. Qua các thông tin ban đầu thì về bản chất, những dự án này gần với mô hình "mái ấm" / "nhà cho trẻ mồ côi" (orphanage) hoặc "residential care" (làng cư trú cho trẻ mồ côi) hơn là trường học (school). 

Sở dĩ tôi nhận định như vậy là bởi vì các dự án này có chung những đặc điểm sau: quy tụ các em lại thành một cộng đồng riêng, có quy mô tương đối lớn; không chỉ dạy học mà còn nuôi ăn ở, chăm sóc đến lớn.

Và điều khiến tôi băn khoăn là mô hình "mái ấm" hay "trại trẻ mồ côi" trong thời gian gần đây đã được nhiều tổ chức bảo vệ trẻ em quốc tế chỉ ra rằng đó không phải là giải pháp tốt và đúng nhất cho trẻ em bị tổn thương. Save The Children - tổ chức hàng đầu thế giới về các hoạt động nhân đạo cho trẻ em - còn có cả một chiến dịch vận động các tình nguyện viên của mình không tham gia các hoạt động tình nguyện ngắn hạn cho các mái ấm/trại mồ côi. Vì sao vậy?

Nhiều nghiên cứu đáng tin cậy đã chỉ ra rằng những trẻ em trưởng thành trong môi trường này thường gặp các vấn đề lâu dài về phát triển cảm xúc - nhận thức và rối loạn tâm lý. Mô hình này cũng không thực sự giải quyết được thiếu hụt lớn nhất của các em: có một gia đình riêng quan tâm đến mình một cách riêng biệt. 

Nó còn có thể khiến các em bị tách khỏi "gia đình mở rộng" (tức họ hàng, người thân ngoài cha mẹ) và trở thành một cộng đồng "đặc biệt". Trong khi đó, chi phí cho một trẻ em trong mô hình này thường cao gấp 10 lần chi phí của các mô hình hỗ trợ có tính chất gần với gia đình hơn như là nhận con nuôi hoặc cha mẹ đỡ đầu.

Một số mái ấm thường dùng tình nguyện viên ngắn hạn đến dạy học để giảm chi phí hoặc chơi đùa với các em. Việc này đã được các tổ chức trẻ em cảnh báo là lợi bất cập hại vì gây ra cho các em một vấn đề là "sự gắn bó giả tạo" (fake attachment). Nhiều em rơi vào trạng thái hụt hẫng, có những vết thương tâm lý lớn sau khi một tình nguyện viên mà em yêu thương và gắn bó rời đi, sau đó phải mất nhiều thời gian để chữa lành.

Đáng lưu ý là những vấn đề nêu trên không chỉ được nhận thấy ở những mô hình quản lý kém, mà cả những mô hình được quản lý tốt và có cơ sở vật chất sạch đẹp. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không có nghĩa rằng vậy thì cứ để mặc kệ các em bơ vơ.

Hai đề xuất

Với hàng ngàn trẻ em mất cha mẹ do COVID-19 (con số này trên toàn thế giới lên đến gần 1 triệu em), hơn lúc nào hết, các chương trình hỗ trợ, bảo trợ cho các em là cực kỳ cần thiết. Sau đây là một số đề nghị để các chương trình này được hiệu quả bền vững hơn:

1. Xin hãy ưu tiên thực hiện những mô hình bảo trợ mà gần với mô hình một gia đình nhất, chẳng hạn:

Nếu các em có người thân, họ hàng có thể nhận nuôi dưỡng các em, hãy hỗ trợ cho họ để họ là gia đình thứ hai của các em. Tất nhiên là cần có một quy trình thẩm định và đồng hành dài hạn. Nếu các em không còn họ hàng hoặc họ hàng không đủ tốt, có thể cân nhắc mô hình "gia đình thay thế" (cha mẹ nuôi) hoặc "gia đình đỡ đầu" (cha mẹ nuôi có quyền chăm sóc nhưng không có quyền giám hộ).

2. Nếu không có lựa chọn khác tốt hơn mô hình orphanage (do trong điều kiện của Việt Nam, việc nhận đỡ đầu hay nhận con nuôi còn nhiều điểm phức tạp) thì sau đây là một số điều nên cân nhắc:

Hãy ưu tiên thành lập những mái ấm có quy mô nhỏ như một gia đình ấm áp, tránh chạy theo số lượng để thành một "trại tập trung" lớn. Thay vì tập hợp các em vào một ngôi trường riêng, hãy tài trợ để các em được đi học trong các ngôi trường bình thường, hòa nhập và kết nối với những trẻ em bình thường khác. Điều đó tốt hơn cho các em so với việc học chung với 100 bạn mà cả 100 bạn đều mồ côi giống mình.

Bên cạnh đó, cần đầu tư ngân sách để tuyển dụng giáo viên, nhân viên làm việc dài hạn và cam kết gắn bó lâu dài; hạn chế việc dùng tình nguyện viên tạm thời, ngắn hạn. Các chương trình tham vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các em cũng cần được chú trọng.

Những tấm lòng vì trẻ em lúc nào cũng đáng quý và đẹp đẽ. Rất mong những người đã khởi động những ý tưởng hỗ trợ trẻ mồ côi COVID-19 tiếp tục bước thêm một bước nữa, để những điều đẹp đẽ này đi được xa hơn!

Cần "cái đầu lạnh"

Các nhà hảo tâm cũng có thể xem xét việc kết hợp với các chuyên gia hay các tổ chức uy tín, có chuyên môn về công tác xã hội và bảo trợ trẻ em trong quá trình xây dựng mô hình của mình. Vì đây là vấn đề không chỉ cần đến "trái tim nóng" mà còn cả "cái đầu lạnh" để đi được xa và mang lại lợi ích bền vững cho các em. Cộng đồng bảo vệ trẻ em thế giới cũng đã có những kế hoạch nhất định để giải quyết vấn đề này mà chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo.

Cần mái ấm lâu bền cho con trẻ mồ côi vì COVID-19 Cần mái ấm lâu bền cho con trẻ mồ côi vì COVID-19

TTO - Nuôi dưỡng, dạy dỗ, rèn luyện, đào tạo cho một trẻ mồ côi vài ba tuổi đến 18 tuổi, 22 tuổi có nghề nghiệp lập thân là một quá trình dài đằng đẵng và không chỉ cần tài chính, chỗ ở mà cả tình thương yêu vô bờ bến lẫn phương pháp, kỹ năng.

NGUYỄN THÚY UYÊN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên