27/06/2024 20:17 GMT+7

Nuôi biển là con đường cho dân thoát nghèo, Kiên Giang bàn gỡ khó

Chiều 27-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị thực trạng và định hướng phát triển nuôi biển của tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Ông Phùng Đức Tiến - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết bộ sẽ đồng hành cùng Kiên Giang gỡ khó vấn đề nuôi biển - Ảnh: CHÍ CÔNG

Ông Phùng Đức Tiến - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết bộ sẽ đồng hành cùng Kiên Giang gỡ khó vấn đề nuôi biển - Ảnh: CHÍ CÔNG

UBND tỉnh Kiên Giang cho biết nuôi biển Kiên Giang hiện còn nhiều khó khăn như: công tác triển khai giao khu vực biển còn nhiều vướng mắc, chưa thực hiện việc giao khu vực biển cụ thể cho tổ chức, cá nhân nuôi lồng bè trên biển theo quy định; hạ tầng phục vụ nuôi biển hiện nay địa phương vừa yếu vừa thiếu, người dân nuôi nhỏ lẻ…

Ông Lê Quốc Anh - bí thư Thành ủy Phú Quốc - cho biết nuôi biển là con đường duy nhất để người dân địa phương có thể thoát khỏi nghèo, hạn chế cạn kiệt tài nguyên và vi phạm IUU.

"Địa phương đề xuất trong thời gian tới Kiên Giang cần làm liền bản đồ, trong đó có tọa độ ranh giới và mạnh dạn phân cấp (trong vùng biển Kiên Giang thì UBND tỉnh chịu trách nhiệm) để địa phương triển khai kinh tế nuôi biển bền vững", ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Ông Trần Đình Luân - cục trưởng Cục Thủy sản - cho rằng Kiên Giang cần sắp xếp lại cơ sở đang nuôi vào vị trí phù hợp, rà soát lại tất cả diện tích có thể nuôi biển được ở địa phương.

Địa phương cần có xây dựng quy chuẩn lồng bè nuôi, lựa chọn vật liệu, mô hình mới. Qua đó, nuôi biển Kiên Giang sẽ đẹp lên rất nhiều gắn liền với khai thác du lịch biển đảo địa phương.

Kiên Giang có thế mạnh nuôi cá bớp phát triển kinh tế địa phương - Ảnh: CHÍ CÔNG

Kiên Giang có thế mạnh nuôi cá bớp phát triển kinh tế địa phương - Ảnh: CHÍ CÔNG

Ông Nguyễn Thanh Nhàn - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp sở, ngành và địa phương liên quan cụ thể hóa quy hoạch và xác định vị trí ranh giới, tọa độ và danh mục kêu gọi đầu tư thuộc danh mục dự án nuôi biển.

Sau đó, đơn vị trình UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất để thực hiện nuôi biển và hoàn thành vấn đề trên trong tháng 7-2024.

Ông Phùng Đức Tiến - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đánh giá cao về tiềm năng và lợi thế nuôi biển ở Kiên Giang. Bộ sẽ đồng hành cùng địa phương tháo gỡ khó khăn để phát triển kinh tế nuôi biển.

Ông Tiến đề nghị Kiên Giang quy hoạch và tập trung gỡ khó về giao mặt nước biển để doanh nghiệp, ngư dân nuôi biển.

Địa phương cần tập trung đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp, hạ tầng thủy sản; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nuôi biển. Địa phương có chính sách thu hút doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế lớn đầu tư công nghệ lồng nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển trở thành trung tâm nuôi biển lớn của cả nước.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang: Kiên Giang mạnh lên, giàu lên từ kinh tế biểnPhó thủ tướng Trần Lưu Quang: Kiên Giang mạnh lên, giàu lên từ kinh tế biển

Năm 2030, Kiên Giang là trung tâm kinh tế biển quốc gia và có chất lượng sống cao ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, địa phương phát triển tam giác kinh tế TP Rạch Giá - TP Hà Tiên - TP Phú Quốc theo hướng thương mại và dịch vụ hướng biển.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên