24/08/2021 11:38 GMT+7

Nước về thiếu hụt 10%, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng đến sớm

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Dự báo lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long thiếu khoảng 5-10% so với trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn khả năng đến sớm và cao hơn ở mức trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô 2019-2020.

Nước về thiếu hụt 10%, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng đến sớm - Ảnh 1.

Cống Cái Lớn - Kiên Giang được ví là "siêu cống" ở miền Tây để ngăn mặn - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Hoàng Văn Đại - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - nhận định như vậy khi dự báo về nguồn nước và hạn hán xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô 2021-2022.

Ông Đại cho biết theo số liệu quan trắc, tổng lượng mưa từ tháng 6 đến nay ở khu vực thượng lưu sông Mekong cao hơn trung bình nhiều năm 15-20%. 

Khu vực trung lưu thấp hơn trung bình nhiều năm 10-20%. Khu vực hạ lưu thấp hơn trung bình nhiều năm từ 25-35%. Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30-50%.

Về tình hình thủy văn, từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7 mực nước trên sông Mekong biến đổi chậm, xuất hiện một số đợt lũ nhỏ và biến đổi tại các trạm từ 2-5 mét, đỉnh lũ tại các trạm ở mức thấp và xuống dần. 

Hiện tại nước ở các trạm thấp hơn phổ biến từ 0,8 đến 3,5 mét so với trung bình nhiều năm, cao hơn 0,9 đến 2,1 mét so với cùng kỳ năm 2019. Mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) thấp hơn trung bình nhiều năm 1,6 mét, cao hơn năm 2019 là 0,84 mét. 

Tổng lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong về hạ lưu ít hơn trung bình nhiều năm khoảng 21% (khoảng 21 tỉ mét khối), cao hơn cùng kỳ năm 2019 là 34% (khoảng 34 tỉ mét khối). 

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, mực nước ở đầu nguồn dao động theo thủy triều. Hiện tại, mực nước tại Tân Châu - Châu Đốc thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,8 đến 1,1 mét, thấp hơn cùng kỳ 2019 từ 0,15 đến 0,2 mét.

Về dự báo mưa trong thời gian tới, ông Đại cho biết ở khu vực thượng lưu sông Mekong, tổng lượng mưa thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 15 đến 30%. 

Ở khu vực trung lưu, tháng 9 xấp xỉ trung bình nhiều năm. Ở hạ lưu từ tháng 10 đến tháng 1-2022 có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 15 đến 30%. 

"Ở Đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến tháng 2-2022, phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 đến 40%, mùa mưa có khả năng kết thúc muộn, trong những tháng mùa khô có thể xuất hiện mưa trái mùa" - ông Đại nhận định.

Về dự báo lũ trong năm 2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông Đại dự báo đỉnh lũ tại Tân Châu - Châu Đốc dao động ở mức báo động 1, xuất hiện muộn, theo tính toán có khả năng vào giữa tháng 10. 

Mực nước tại các trạm hạ nguồn Đồng bằng sông Cửu Long phổ biến báo động 2 - báo động 3, có nơi trên báo động 3. Nguy cơ xảy ra ngập lụt, ngập úng tại vùng trũng thấp ven sông, ven biển, đặc biệt tại thành phố Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long.

Về dự báo lượng nước và xâm nhập mặn, ông Đại cho biết trong mùa khô năm 2021-2022 từ thượng nguồn sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt khoảng 5-10% so với trung bình nhiều năm, cao hơn mùa khô 2019-2020 từ 15 đến 20%. 

Tổng lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long (tính đến trạm Kratie - Campuchia) khoảng 83 tỉ mét khối, thiếu hụt khoảng  2,5 tỉ mét khối.

"Xâm nhập mặn có khả năng đến sớm và cao hơn ở mức trung bình nhiều năm, khả năng tương đương 2016-2017 và 2020-2021, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô 2019-2020" - ông Đại nhận định.

Chủ động ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19

Để chủ động ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, hạn chế thiệt hại, nhất là trong tình huống xảy ra mưa lũ, bão lớn tại khu vực bị dịch COVID-19.

Ngày 23-8, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức rà soát phương án ứng phó thiên tai hiện có, chủ động xây dựng phương án ứng phó từng tình huống thiên tai cụ thể trong bối cảnh phải phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là tình huống mưa lũ, bão lớn để triển khai thực hiện khi có tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ.

Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các bộ Quốc phòng, Công an chỉ đạo các đơn vị rà soát, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để hỗ trợ địa phương ứng phó thiên tai, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời bảo đảm công tác phòng chống dịch...

Trước đây chưa từng ghi nhận TP.HCM có mưa đá trong tháng 8 Trước đây chưa từng ghi nhận TP.HCM có mưa đá trong tháng 8

TTO - Hiện tượng mưa đá xảy ra ngày 22-8 khá bất thường, vì thông thường mưa đá xảy ra ở Nam Bộ, TP.HCM vào thời điểm đầu mùa mưa và gần kết thúc mùa mưa. Cơ quan khí tượng chưa từng ghi nhận mưa đá xảy ra ở TP.HCM trong tháng 8.

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên