23/07/2021 11:52 GMT+7

Nghiên cứu của Hà Lan: Nguyên nhân lớn gây xâm nhập mặn ở ĐBSCL là do xây đập

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Các nhà khoa học Hà Lan cảnh báo các quốc gia dọc sông Mekong chỉ còn hạn chót đến năm 2050 để khắc phục tình trạng xâm nhập mặn vùng đồng bằng.

Nghiên cứu của Hà Lan: Nguyên nhân lớn gây xâm nhập mặn ở ĐBSCL là do xây đập - Ảnh 1.

Cánh đồng lúa ở Việt Nam - Ảnh: Mongabay

Theo trang tin Mongabay, nghiên cứu mới của Viện nghiên cứu độc lập Deltares (Hà Lan) đánh giá nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng xâm nhập mặn ở vùng châu thổ sông Mekong hiện nay là do con người (xây đập chặn dòng nước), nhưng đến năm 2050 biến đổi khí hậu sẽ đóng vai trò chính.

Nói cách khác, các quốc gia sông Mekong, đặc biệt là Việt Nam nằm ở cuối nguồn, chỉ có từ đây đến năm 2050 để áp dụng các biện pháp giảm thiểu thiệt hại, từ đó về sau mọi thứ sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát của con người.

Theo ông Sepehr Eslami - trưởng nhóm nghiên cứu, công trình này là tổng hợp dữ liệu của 12 năm nghiên cứu thuộc dự án "Rise and Fall" hợp tác giữa Đại học Utrecht và Viện Deltares (Hà Lan), cung cấp dữ liệu cần thiết cho các nhà lãnh đạo hoạch định chính sách cũng như các nhà khoa học đang theo đuổi vấn đề này trên thế giới.

Trước đó, hai nghiên cứu khác cùng thuộc dự án "Rise and Fall" lần đầu tiên xác lập mối liên hệ giữa tình trạng "đói phù sa" do con người gây ra (xây đập chắn dòng nước) và xâm nhập mặn ở cuối nguồn.

Mặc dù đầu thế kỷ 21 đã có nhiều nhà khoa học cảnh báo sớm, xâm nhập mặn lại thường bị cho là liên quan chủ yếu đến nước biển dâng và biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu của Hà Lan: Nguyên nhân lớn gây xâm nhập mặn ở ĐBSCL là do xây đập - Ảnh 2.

Lũ ở khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia những năm giữa thập niên 2000 - Ảnh: Mongabay

Nhóm nghiên cứu Hà Lan đánh giá trong 20 năm qua, biến đổi khí hậu chỉ gây ra chưa đến 5% thách thức mà vùng châu thổ Mekong đối mặt, hiện tượng "đói phù sa" và xâm nhập mặn gay gắt đều do các đập thủy điện trên thượng nguồn và nạn khai thác cát gây ra.

Hiện nay dòng chính sông Mekong đang gánh 11 đập thủy điện ở Trung Quốc, 2 ở Lào và ít nhất 300 đập nhỏ trên các phụ lưu. Những đập này chia dòng sông thành những hồ chứa nước, chặn phù sa chảy ra biển và thay đổi hình dạng, độ sâu của lòng sông.

Theo chuyên gia Marc Goichot - cố vấn của tổ chức WWF, các đập nước đang giữ lại phần lớn phù sa trên sông Mekong - ước tính 50-60%.

Bên cạnh đó, nạn khai thác cát phục vụ xây dựng làm mất đi 50-100 triệu m3 cát mỗi năm. Hậu quả là lòng sông sâu thêm 200-300mm mỗi năm, khiến nước biển xâm nhập sâu hơn, ở lại lâu hơn và độ mặn cao hơn ngày xưa.

Nói tóm lại, nghiên cứu đánh giá trong những thập niên tới, biến đổi khí hậu sẽ gây thêm nhiều mối nguy hiểm mới cho lưu vực sông Mekong, nhưng ngay trước mắt "nhân tai" mới là yếu tố chính gây ra khủng hoảng.

Việt Nam, Lào bàn về Biển Đông và nguồn nước Mekong Việt Nam, Lào bàn về Biển Đông và nguồn nước Mekong

TTO - Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith ngày 28-6 chia sẻ một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông và việc sử dụng nguồn nước sông Mekong.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên