Phá bỏ hàng loạt vườn cao suVàng trắng kể về đời sống công nhân cao suCao su mất giá, nông dân chặt bỏ hàng ngàn hecta
Theo số liệu thống kê, đến năm 2013 diện tích cao su cả nước đạt 915.000ha, vượt xa con số 800.000ha, là mốc trong chiến lược phát triển cao su đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt. Sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam cũng đã vượt mức 1 triệu tấn, trị giá hơn 2,8 tỉ USD/năm.
Dù đứng thứ tư thế giới về sản lượng khai thác, nhưng mức tiêu thụ cao su nội địa rất thấp, chưa đến 20% tổng lượng, còn lại xuất khẩu dạng thô với giá thấp. Việt Nam xuất khẩu cao su đến hơn 70 nước trên thế giới, nhưng thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 62%. Phía sau ánh hào quang của loài cây công nghiệp chủ lực này là những bất cập khiến “nước mắt của cây” còn chảy ngược.
Mới năm trước, tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát bị các đại biểu Quốc hội chất vấn về tình trạng chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su đã bị lợi dụng và làm tràn lan. Các đại biểu đã đề nghị Chính phủ phải rà soát, kiên quyết ngăn chặn nhiều nơi lấy cớ trồng cao su để phá rừng. Vậy mà năm nay tình hình quay chiều hướng lo ngược lại. Mấy ngày qua, các phương tiện thông tin, truyền thông báo động tình trạng hàng ngàn hecta cây cao su mới trồng, đang phát triển lẫn đang kỳ thu hoạch tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, từ miền Đông đến miền Trung, bị đốn hạ do giá mủ cao su giảm mạnh, thu không đủ bù chi. Sau khi lên đỉnh vào năm 2011, giá mủ cao su liên tục lao dốc trong ba năm qua, hiện chỉ còn bằng 1/3 so với trước.
Cùng số phận của cây dừa, cây mía và nhiều mặt hàng nông sản khác, cây cao su cũng đang bị xoay vòng luẩn quẩn: trồng - chặt, mà bài toán đầu ra chưa được giải căn cơ.
Việt Nam là nước xuất khẩu cao su lớn trên thế giới, nhưng hằng năm phải nhập hàng trăm ngàn tấn để phục vụ cho sản xuất trong nước. Thống kê từ Bộ Công thương, năm 2012 chúng ta phải nhập hơn 4,8 tỉ USD cao su, các sản phẩm từ cao su và chất dẻo. Công nghiệp ôtô nước ta qua mấy chục năm được nuông chiều vẫn phát triển lệ thuộc phụ kiện, vật liệu ngoại; công nghiệp phụ trợ nhiều năm được quan tâm vẫn chưa ngóc đầu lên được, nên một cường quốc mủ cao su như nước ta vẫn phải chấp nhận xuất mủ thô, giá trị thấp để nhập về vật liệu ngoại cùng loại là phải.
Câu chuyện của ngành cao su không mấy khả quan trong ngắn hạn là nhận định chung của nhiều chuyên gia, không chỉ trước áp lực lệ thuộc yếu tố Trung Quốc chiếm hơn 60% lượng xuất khẩu cao su Việt Nam mà còn chịu thêm áp lực khi cường quốc số một thế giới là Thái Lan có kế hoạch “xả hàng” 200.000 tấn cao su từ kho dự trữ.
Cũng như số phận của hạt gạo cắn làm tám, cây mía chặt nhiều lóng, con cá tra bị chặt thành nhiều khúc, cây cao su cũng đang cần “cuộc chuyển đổi lớn”. Yêu cầu nâng cao chất lượng quy hoạch trồng và thực thi, kết nối với sản xuất tinh chế, giải quyết đầu ra, phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng cầu trong nước với thị trường hơn 90 triệu dân Việt... đang là đòi hỏi bức xúc từ cao su - cây công nghiệp chủ lực của quốc gia, để “nước mắt của cây” thôi chảy ngược.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận