![Nữ tiến sĩ người Việt nghiên cứu thuốc trị ung thư ở Thụy Điển - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/15/pn-tien-si-tran-thi-hien-read-only-1739589263122458784719.jpg)
TS Trần Thị Hiền tại phòng thí nghiệm ở ĐH Lund, Thụy Điển - Ảnh: NVCC
Con đường đi đến nghiên cứu của TS Hiền ra sao?
Học hết lớp 12 đã khó nhưng cô ấy đã thành tiến sĩ
Chị Hiền sinh ra ở vùng quê Yên Thế, Bắc Giang nghèo khó. Trước chị, cả hai bên nội - ngoại chưa ai học hết lớp 12, mẹ chị chỉ học đến lớp 3. Vì vậy ai cũng nghĩ con của bà lớp 3 học hết lớp 12 đã là "một thành tựu", còn du học là chuyện gì đó quá xa vời.
Nhưng thật bất ngờ, người con gái của bà mẹ lớp 3 đã thi vào Trường đại học Dược Hà Nội, trường mà người ta đã có câu "Nhất y, nhì dược", chị Hiền đăng ký thi Đại học Dược Hà Nội để thử sức và đậu.
Chị Hiền tốt nghiệp đại học với kết quả tốt và về làm việc tại Viện Dược liệu thuộc Bộ Y tế, sau đó chị đăng ký học thạc sĩ, tiến sĩ và sau này đăng ký học sau tiến sĩ.
"Khi ấy có nhiều trường ở Mỹ và châu Âu nhận tôi, nhưng tôi chọn Đại học Lund, Thụy Điển vì ấn tượng với giải Nobel. Năm ấy là năm 2013. Lúc đi thì tưởng sẽ ngắn ngày thôi, không ngờ kéo dài tới bây giờ" - chị Hiền kể lại.
Chuyến đi ấy dài, bên cạnh việc học hành còn là việc chị Hiền gắn bó với đề tài nghiên cứu thuốc trị ung thư từ sữa mẹ. Ban đầu khi sang Thụy Điển, chị Hiền có duyên với cả những nghiên cứu về thuốc điều trị đái tháo đường và tim mạch, nhưng rồi duyên nhất với đề tài nghiên cứu này.
"Ở Thụy Điển, người ta đã phân tích một liệu pháp từ sữa mẹ chống viêm phổi cho trẻ em vào mùa đông, nhưng khi nhỏ sữa mẹ cắt thành nhiều phân đoạn thì thấy cả vi rút và tác nhân ung thư đều chết nhờ phức hợp anpha lactabumin-oleic acid giúp tăng sức đề kháng.
Tôi thấy điểm này hay quá nên nhảy vào làm, khi ấy nhiều người can vì nghiên cứu này đã bỏ lửng 30 năm nay rồi do phức hợp này không được bền, muốn trị được bệnh thì phải làm sao cho anpha lactabumin-oleic acid bền vững, nhưng tính tôi bướng bỉnh, thấy cái gì khó thì lại thích, lại say mê" - chị Hiền chia sẻ về cơ duyên của mình.
Mong mang được thuốc trị ung thư trong nghiên cứu về Việt Nam
Hơn 10 năm ở lại nghiên cứu tại Đại học Lund, Thụy Điển, TS Hiền đồng thời giữ vị trí tại Trường đại học Y Dược Thái Bình. Những gì chị và các thành viên nhóm nghiên cứu tìm ra đang rất hứa hẹn: tìm ra phương pháp tạo nên phức hợp anpha lactabumin-oleic acid bền hơn và nghiên cứu tác dụng của liệu pháp trên bệnh nhân ung thư bàng quang.
Qua đánh giá lâm sàng trên những bệnh nhân ung thư bàng quang sử dụng cho thấy có 80% bệnh nhân có khối u nhỏ lại, không ghi nhận tác dụng phụ.
Hiện nhóm nghiên cứu đã trình bày kết quả này và được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển sang giai đoạn nghiên cứu mới là đánh giá trên liều dùng mới cho bệnh nhân và nghiên cứu tác dụng trên bệnh nhân ung thư đại trực tràng.
"Nếu thử hết tác dụng của phương pháp trên các ung thư cổ tử cung, gan, ung thư lympho... thì có khi phải mất nhiều thời gian. Bệnh nhân ung thư lại không thể chờ nên lúc nào tôi cũng nghĩ về đề tài, trừ lúc ngủ" - chị Hiền nói vui.
Một người đồng nghiệp đi trước, cũng là người thầy của TS Hiền, PGS Trần Việt Hùng, viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM, cho hay ông ấn tượng với chị Hiền từ khi chị thực hành tại bộ môn thực vật, còn PGS Hùng đang làm nghiên cứu sinh.
"Tôi đã theo dõi Hiền từ những năm 2003-2004, Hiền là người rất tâm huyết, say mê với nghiên cứu. Với nghiên cứu thuốc trị ung thư từ sữa mẹ, tôi biết hiện nhóm nghiên cứu cả từ sữa bò, đang có những tiềm năng tốt, hy vọng cô ấy và các thành viên nhóm sớm đạt được kết quả tốt và mang được thuốc về Việt Nam" - ông Hùng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận