16/05/2023 11:02 GMT+7

Nữ sinh lớp 9 đoạt giải nhất viết luận của ĐH Harvard

Vượt qua hàng trăm thí sinh trên khắp thế giới, Nguyễn Mỹ Hải Ngọc (15 tuổi, TP.HCM) vừa giành giải nhất cuộc thi viết luận toàn cầu của Đại học Harvard (Mỹ, Harvard Crimson Global Essay Competition).

Nguyễn Mỹ Hải Ngọc - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Nguyễn Mỹ Hải Ngọc - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Bài tranh biện về chủ đề "mang thai hộ" của Ngọc gây ấn tượng mạnh cho ban giám khảo quốc tế và nhận được số điểm chung cuộc 78/80. 

Sau nhiều năm học trường công và một năm học trường tư thục, NGUYỄN MỸ HẢI NGỌC hiện là học sinh lớp 9 Trường quốc tế Úc (TP.HCM).

Nghiên cứu tài liệu đồ sộ trước khi viết

* Đối mặt với chủ đề hóc búa là "mang thai hộ", Ngọc đã tiếp cận và thể hiện thế nào trong các bài luận của mình trong suốt cuộc thi?

- Cuộc thi viết luận online của Đại học Harvard được chia thành hai vòng. Thí sinh sẽ thực hiện một bài viết thuộc một thể loại creative (viết sáng tạo), journalism (viết báo chí) và argumentative (viết tranh biện). Trong mỗi thể loại, ban tổ chức sẽ đưa ra ba đề tài cho thí sinh lựa chọn.

Tôi chọn thể loại viết tranh biện vì cảm thấy phù hợp với phong cách. Tại đây, tôi được cho ba đề tài. Một bàn về độ tuổi bầu cử, một bàn về công nghệ chỉnh sửa gene và một về vấn đề mang thai hộ. 

Tôi thích chủ đề mang thai hộ nhất do tương đối thiết thực. Tôi cũng bị ấn tượng mạnh bởi con số trong đề bài, như năm 2050 một nửa số lượng trẻ em ra đời ở các nước phát triển có thể là bằng hình thức mang thai hộ.

Ở vòng đầu, mỗi thí sinh sẽ làm một bài luận giới hạn trong 500 từ. Tôi có một tuần chuẩn bị. 

Do 500 từ khá ngắn, tôi quyết định chỉ xoáy sâu đúng hai khía cạnh quan trọng nhất thay vì trình bày thật nhiều ý kiến. Tôi không triển khai hướng phân tích "mặt tích cực" và "mặt tiêu cực" như đa số các bài viết khác. 

Hai góc nhìn được tôi đề cập thẳng là những ảnh hưởng của mang thai hộ đến sức khỏe thể chất và tinh thần của phụ nữ nếu bị lạm dụng. 

Cũng vì dung lượng ngắn, tôi ưu tiên phần "văn" hơn phần "ý". Tôi cẩn thận trong cách dùng từ, đặt câu để gây ấn tượng về cách viết với ban giám khảo.

Ở vòng chung kết, thí sinh được yêu cầu mở rộng bài viết của mình đến tối đa 1.200 chữ trong vòng năm ngày. Tôi đã đọc rất nhiều bài báo, nghiên cứu về mang thai hộ ở các quốc gia. 

Tôi tìm kiếm thêm nhiều khảo sát uy tín từ các trường đại học, viện nghiên cứu lớn. Do tuổi còn nhỏ, để hiểu hết về một vấn đề lớn như mang thai hộ và viết thật sâu sắc về nó không hề dễ dàng.

Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, tôi nhận thấy có một xu hướng những người mang thai hộ như một "dịch vụ". Nhìn ở một góc độ nào đó, cách làm này như đang "bóc lột" sức khỏe của phụ nữ, từ đó kéo theo nhiều tác động về sức khỏe và cả những ý kiến trái chiều về mặt đạo đức. 

Đó là mạch xuyên suốt cho bài viết sau cùng của tôi khi đưa vào khía cạnh "công nghiệp" của việc mang thai hộ. Trong bài, tôi đã dùng cụm từ "the market of maternal love", nghĩa là thị trường tình mẫu tử.

* Khi biết mình giành giải nhất chung cuộc, Ngọc cảm thấy thế nào?

- Kết quả là một trong những điều tôi bất ngờ nhất. Vòng chung kết cuộc thi có tổng cộng 75 thí sinh tham dự từ nhiều quốc gia trên thế giới, riêng ở châu Á có 15 bạn. Ban tổ chức chọn ra một giải nhất ở mỗi thể loại viết (tổng cộng ba giải nhất chung cuộc). Tôi giành giải nhất ở thể loại viết tranh biện, số điểm 78/80 điểm.

Nhưng kết quả không phải là điều tôi hài lòng nhất trong cuộc thi, mà đó là hành trình lý thú tôi trải qua. Tôi có dịp tìm hiểu thật sâu sắc về một vấn đề xã hội lớn trên thế giới. 

Tôi còn biết cách chinh phục những câu phức, vốn là thách thức lớn cho mình trước đây. Thường thì viết được những câu phức sẽ thể hiện được sự lưu loát trong cách sử dụng ngôn ngữ của bạn.

Vòng lặp "góp ý - chỉnh sửa"

* Viết luôn là kỹ năng khó với người Việt học tiếng Anh. Ngọc đã rèn luyện kỹ năng Viết của mình như thế nào?

- Tôi bắt đầu tập viết luận tiếng Anh từ năm lớp 6, khi đang học chương trình tích hợp. Những năm gần đây, tôi thường xuyên viết các bài nghiên cứu về chủ đề khoa học. 

Các bài này không cần từ vựng "cao siêu" nhưng quan trọng là triển khai ý cho rõ ràng và thuyết phục. Vì vậy, tôi có nhiều cơ hội để thực hành viết.

Tôi tự nhận thấy bản thân không phải là người viết sáng tạo. Nếu buộc phải diễn đạt phá cách, có lẽ tôi sẽ làm không tốt. 

Ngược lại, tôi thấy bản thân mạnh ở việc đưa ra những góc nhìn mới mẻ về các vấn đề. Từ những góc nhìn mới, tôi sẽ biết cách phân tích một cách hợp lý và thuyết phục với những luận điểm đưa ra.

Một trong những cách luyện viết của tôi là đọc rất nhiều. Internet là nguồn tài liệu khổng lồ. Tôi rất thường đọc bài báo khoa học, bài nghiên cứu. Tôi truy cập vào nhiều nguồn thư viện mở của các trường đại học lớn trên thế giới. 

Có nhiều nguồn tài liệu hay nhưng cần trả tiền truy cập, tôi cũng mua đọc luôn. Sau mỗi lần đọc thật nhiều về một chủ đề nào đó, tôi sẽ tổng hợp và đưa ra quan điểm cho riêng mình.

Trong khi đọc, tôi để ý nhất đến cách dùng từ của từng tác giả. Tôi viết ra những từ vựng khác nhau mà tác giả dùng cho cùng một sự vật, hiện tượng (paraphrase). Từ vựng đa dạng là điểm cộng lớn cho bài viết của bạn.

Sau mỗi bài viết, tôi sẽ đi xin nhận xét từ một thầy cô quen biết. Nhận được góp ý của thầy cô đó, tôi sẽ chỉnh lại rồi tiếp tục mang bài viết phiên bản 2 này cho một người có kinh nghiệm khác xem. Nhận được thêm góp ý, tôi lại chỉnh sửa. 

Trong cùng một bài viết, tôi làm rất nhiều lần quy trình "góp ý - chỉnh sửa". Qua mỗi lần như thế, tôi học hỏi được cách viết của mỗi người và có thêm nhiều góc độ cho các bài viết.

* Sau cuộc thi của ĐH Harvard, Ngọc có dự định gì?

- Qua cuộc thi, tôi biết được giới hạn của bản thân ra sao. Trước giờ tôi không nghĩ có thể đạt được những kết quả cao trong các cuộc thi viết. Bên cạnh đó, tôi cũng biết bản thân thích gì. 

Có lẽ tôi sẽ không thích theo đuổi nghề viết lách, mà tôi muốn xem viết lách là một công cụ cho một chuyên môn cụ thể khác. Hiện tại, tôi đang nghiêng về hướng sẽ học các ngành kinh tế. Trong những năm cấp III, tôi sẽ đi sâu hơn về kinh tế.

* Thói quen đọc đã được Ngọc nuôi dưỡng ra sao?

- Từ nhỏ, mẹ rèn luyện cho tôi chuyện đọc sách nghiêm túc. Tôi được mẹ giao "chỉ tiêu" đọc sách, mỗi tháng phải hoàn thành được bao nhiêu cuốn. Dần dần, tôi nhận thấy đọc sách đã trở thành một thói quen không thể thiếu.

Khóa thực tập tại ĐH Harvard

Đoạt giải nhất cuộc thi, ngoài phần thưởng về hiện kim và các khóa học nâng cao kỹ năng, Hải Ngọc sẽ nhận được một khóa thực tập đặc biệt do Đại học Harvard cung cấp. Cụ thể, Ngọc sẽ thực tập tại Harvard Crimson - tờ báo dành cho sinh viên của Đại học Harvard, có tuổi đời từ năm 1873.

Hạnh Phúc, Harvard & rác thảiHạnh Phúc, Harvard & rác thải

Làn da đen nhẻm, gầy gò, nhưng gương mặt luôn rạng ngời nụ cười là sơ nét chân dung của Huỳnh Hạnh Phúc hôm nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên